THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:45

“Táo quân”- Show truyền hình hot nhất ngày Tết

 

“Đặc sản” ngày Tết

Bắt đầu từ năm 2003, chương trình "Gặp nhau cuối năm" ban đầu là số đặc biệt của chương trình hài nổi tiếng "Gặp nhau cuối tuần” do Trung tâm Sản xuất Phim Truyền hình - (VFC) sản xuất bắt đầu trình làng. Khi đó "Táo quân" chỉ là một tiểu phẩm chính của chương trình và đến năm 2004, toàn bộ nội dung của "Gặp nhau cuối năm" là "Táo quân" và kể từ đó đến nay, đây vẫn là một trong những chương trình “đặc sản” trong ngày Tết, được công chúng mong ngóng, chờ đợi vì sự hấp dẫn và hương vị riêng khó quên, không lẫn vào đâu được.

Vì sao “Táo quân” lại có sức hút lớn như vậy? Đó là sự hấp dẫn khi khán giả có được một chương trình giải trí thực sự trong ngày cuối năm. Trong không khí của đêm cuối năm, khi cả nhà chờ đợi thời khắc giao thừa và “Táo quân” như một phần không thể thiếu, gần gũi tựa như Tết phải có… bánh chưng, dưa hành vậy. Bên cạnh đó, chương trình đặc biệt ở chỗ nó như một “bản tin thời sự của năm” dưới góc nhìn lạ, mang đến nhiều tình huống hài hước, châm biếm liên quan tới những vấn đề nổi cộm trong xã hội khiến người xem ít nhiều phải suy nghĩ. Những khen - chê được điều tiết, đan xen trong chương trình thông qua cách thể hiện dí dỏm, hài hước khiến công chúng dễ dàng tiếp nhận, thậm chí thuộc lòng. Đặc biệt hơn là những bài hát chế lời, thơ chế, những câu danh ngôn châm biếm, đả kích thói hư tật xấu được "khai sinh" từ “Táo quân” đã đi vào đời sống. Hơn nữa, không thể phủ nhận dàn nghệ sĩ luôn cống hiến hết mình để góp thêm niềm vui năm mới cho khán giả.

 

 

Dựa theo truyền thuyết Táo quân về trời, thông qua buổi chầu, nơi các Táo báo cáo với Ngọc Hoàng những việc mình đã làm được trong suốt một năm qua, “Táo quân” tập trung vào phản ánh, đả kích những vấn đề nóng bỏng, nổi cộm trong năm vừa qua, thuộc các lĩnh vực trong đời sống xã hội như kinh tế, văn hóa, giao thông, y tế, thể thao, khoa học kỹ thuật... một cách hài hước. Cách thể hiện là sự kết hợp của nhiều loại hình nghệ thuật như tấu nói, hài kịch xen lẫn với các điệu dân ca cải lương, chèo… thậm chí có cả nhạc chế. Đại diện lãnh đạo VFC cho biết, các định dạng của chương trình thay đổi trong một số năm. Kể từ năm 2009, vào các năm lẻ thì định dạng chương trình làm phỏng theo một chương trình truyền hình nào đó. Trong năm 2009, "Hoa Táo", một cuộc thi sắc đẹp cho các Táo đã được trình bày, dựa trên kịch bản cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. Năm 2011, chương trình được đặt tên là "Táo Idol", dựa theo kịch bản của chương trình "Vietnam Idol: Thần tượng Âm nhạc Việt Nam". Năm 2013, chương trình dựa theo kịch bản của "Giọng hát Việt" với 4 chiếc ghế quen thuộc nên chỉ có 4 Táo lên chầu cho phù hợp. Đến năm 2015, tiếp tục có một trò chơi truyền hình được dựng lại: "Ai là trợ lý", dựa trên định dạng của chương trình "Ai là triệu phú". Đến cuối vở diễn có sự xuất hiện của chương trình hài kịch "Ơn giời, cậu đây rồi!" được dựng thành "Ơn giời, Táo đây rồi!". Năm 2016, "Vòng quay tham nhũng", một cuộc thi tìm ra những táo tham nhũng đã được trình bày dựa trên trò chơi "Chiếc nón kỳ diệu". Năm 2018, kỷ niệm 15 năm Táo quân, có 6 Táo lên chầu nhưng phần báo cáo đã được bỏ. Thay vào đó là 2 trò chơi: Catwalk và Giành ghế.

Trước đó, nhiều thông tin Táo quân sẽ dừng lại ở chương trình kỷ niệm 15 năm, và “Táo quân” 2019 không có, khiến công chúng ngẩn ngơ. Tuy nhiên, mới đây đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC khẳng định sẽ tiếp tục có Táo quân 2019. Theo bật mí của đạo diễn Đỗ Thanh Hải, thường những năm trước, Táo quân xoáy sâu vào các vấn đề trong xã hội, thì năm nay nổi cộm những vấn đề văn hóa, giáo dục... Táo quân lại có thể có những góc nhìn khác sâu sắc hơn. “Táo quân” năm nay sẽ có màu sắc quay tại “hiện trường” nhiều hơn các xướng kịch và những màn đối đáp trên sân khấu.

Ở một góc độ khác, công chúng đang dự đoán “Táo quân” 2019 có thể có những góc nhìn khác. Đó là đầu năm 2018, đội tuyển U23 Việt Nam cùng trận cầu tuyết lịch sử ở Thường Châu gắn kết nhân dân cả nước bằng tình yêu bóng đá. Cuối năm, đội tuyển quốc gia mang về chiếc cúp vô địch AFF sau 10 năm chờ đợi khiến cả thế giới phải lay động. Ông Park Hang seo có thể xuất hiện trong kịch bản Táo quân năm nay vì đã có công lớn đưa bóng đá Việt Nam vươn xa thế giới, là một người hùng của dân tộc. Năm nay cũng là năm đại thắng của Việt Nam tại các cuộc thi sắc đẹp quốc tế. Hương Giang giành vương miện ở Miss International Queen, Phương Khánh giành vương miện ở Miss Earth, Minh Tú lọt top 10 Miss Supranational, H'Hen lọt top Miss Unverse. Tất cả làm nên lịch sử trong suốt mấy chục năm Việt Nam chinh chiến mờ nhạt trên trường quốc tế. Ngoài ra, các trào lưu khác như: Chạy ngay đi, Rich Kid (Bóc giá đồ hiệu), trào lưu chụp ảnh quan trọng là thần thái, ngã sấp mặt… dự đoán sẽ gây bão tại Táo quân nếu thực sự được góp mặt trong kịch bản năm nay.

Tạo “thương hiệu” thực sự cho cả ê kíp Táo quân

Tính đến thời điểm này chưa có chương trình nào quy tụ được nhiều nghệ sĩ hài nổi tiếng đất Bắc như “Táo quân” như: Xuân Bắc, Tự Long, Công Lý, Quốc Khánh, Chí Trung, Vân Dung, Quang Thắng… Tuy nhiên cũng phải khẳng định, suốt những năm qua chương trình đã đem lại danh tiếng cho dàn diễn viên này, bởi khi họ tham gia vào Táo quân dường như đã "đóng đinh" vào một vai diễn trong lòng khán giả như Quốc Khánh chuyên thủ vai Ngọc Hoàng nghiêm nghị nhưng hài hước, Xuân Bắc chuyên vai Nam Tào, luôn sánh đôi với vai Bắc Đẩu do Công Lý thủ vai. Cả hai vai Nam Tào và Bắc Đẩu luôn khiến khán giả thích thú khi chọc ghẹo hoặc tạo tình huống dở khóc dở cười cho các Táo lên chầu…

 

 

Có một điều thú vị là bên cạnh những nội dung được kiểm duyệt khi lên sóng, nhiều ca khúc chế trong phiên bản gốc được rò rỉ trên mạng xã hội cũng góp phần làm “nóng” Táo quân. Năm 2009, màn trình diễn của Táo Điện lực với bài hát "Đã lâu rồi" được kiểm duyệt và loại bỏ, thay vào đó là tiết mục hát xẩm. Cũng trong năm 2009, một bài hát khác là "Lụt từ ngã tư đường phố" thực hiện bởi Táo Thoát nước cũng được lấy ra đoạn lời từ các chương trình phát sóng...

Hấp dẫn đi liền với thách thức

NSND Khải Hưng là người khai sinh “Táo quân” - Gặp nhau cuối năm khẳng định, sau chặng đường dài “Táo quân” vẫn có chỗ đứng vững chắc trong lòng người hâm mộ, là chương trình giải trí chất lượng cao. Theo ông, có hai trường phái hài: hài giải trí và hài bác học. “Táo quân” có thể xếp vào hàng hài bác học. Ê kíp thực hiện mỗi năm chỉ làm một lần, đầu tư nhiều tiền bạc, công sức để cho ra một chương trình hoành tráng. Tiếng cười trong Táo quân vì thế mang ý nghĩa thậm xưng, gửi gắm nhiều thông điệp về kinh tế, xã hội trong suốt một năm. Tuy nhiên, NSND Khải Hưng cũng thẳng thắn nhìn nhận, qua nhiều năm “Táo quân” chưa đột phá. Chương trình được chỗ này nhưng chưa được chỗ kia. Và thách thức đối với “Táo quân” chính là phải làm mới mình.

Điều đáng nói đây cũng chính là trăn trở của Giám đốc VFC Đỗ Thanh Hải. Anh từng cho biết, điều duy nhất khán giả quan tâm là “Táo quân” có hay hay không. “Táo quân” có một đặc thù là chương trình hài nên tất cả yếu tố phải nói đúng, nói trúng, nói phù hợp với sự quan tâm của số đông khán giả. “Chúng tôi luôn nghĩ năm nay mình làm thế nào, liệu có hiệu quả hay không rồi những vấn đề nói ra có hấp dẫn, sinh động hay không. “Táo quân” không phải là chương trình nói lại các vấn đề trong một năm. Việc của chúng tôi là hình tượng hóa, nghệ thuật hóa nó lên. Chúng tôi biết là mọi người kỳ vọng, chờ đợi và rất muốn được xem chương trình. Áp lực của chúng tôi là làm thế nào để thỏa mãn được nhu cầu đòi hỏi của khán giả. Thứ nữa là mình ý thức được sự ảnh hưởng của nó là có thật. Sự ảnh hưởng này không phải chỉ thu hút người xem mà chúng tôi còn muốn nói được nỗi niềm, bức xúc của khán giả, đồng thời góp phần xây dựng, chứ không phải bới móc, chọc ngoáy, chỉ vào chuyện tiêu cực. Ranh giới giữa hai việc ấy rất quan trọng . Và chỉ đến khi diễn trước công chúng, chúng tôi mới biết hiệu quả đến đâu”, Giám đốc VFC chia sẻ.

Năm nay, khi “Táo quân” bước sang năm thứ 16 lên sóng truyền hình nhưng sức “nóng” vẫn không hề nguội thì câu chuyện đổi mới, điều chỉnh… càng được những người làm chương trình nghiêm túc đưa thực hiện.

VŨ MINH - DUY LINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh