CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:09

Đánh giá cấp chứng chỉ Kỹ năng nghề quốc gia:

Tạo điều kiện cho người lao động học tập suốt đời và nâng cao trình độ kỹ năng

Ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục GDNN phát biểu tại hội thảo

Ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục GDNN phát biểu tại hội thảo

Theo ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục GDNN, hiện nay chúng ta đã hình thành khung pháp lý về đánh giá, cấp Chứng chỉ Kỹ năng nghề quốc gia (CCKNNQG), trên cơ sở đó đã xây dựng và hình thành được hệ thống đánh giá CCCKNNQG: Ban hành tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia cho 199 nghề; Xây dựng công cụ ĐGKNNQG cho 96 nghề; Cấp Giấy chứng nhận hoạt động cho 52 tổ chức đánh giá KNNQG trên cả nước; Đánh giá, công nhận và cấp CCKNNQG cho khoảng 70.000 người lao động. Bên cạnh đó  đã quy định cho 8 công việc yêu cầu phải có CCKNNQG và sắp tới sẽ cập nhật bổ sung cho khoảng trên 20 công việc tiếp theo. Làm cơ sở pháp luật để giảm thiểu tai nạn lao động và thực hiện “sản xuất phải an toàn và an toàn để sản xuất”. Bổ sung một công cụ pháp lý quan trọng, một thành phần trong hệ sinh thái kỹ năng nghề, góp phần làm thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người dân, xã hội về đánh giá và chuẩn hóa chất lượng lao động dựa vào kỹ năng và năng lực hành nghề; Tạo cơ cấu, lộ trình phát triển và duy trì việc học tập, học tập suốt đời để nâng cao trình độ kỹ năng và thăng tiến nghề nghiệp, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm theo nhu cầu của người học, NLĐ thích ứng với thị trường lao động. Làm cơ sở pháp lý để thực hiện công nhận bậc trình độ KNN cho NLĐ, trong bối cảnh tỷ lệ qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ của lực lượng lao động rất thấp (chỉ chiếm 26,1%). Nhất là việc công nhận những kỹ năng khó hoặc không đào tạo được, hoặc những nghề theo danh mục VISCO và chưa có trong danh mục đào tạo ....

Bà Akiko Skamoto, Chuyên gia Khu vực về Kỹ năng và Việc làm ILO tham luận tại hội thảo

Bà Akiko Skamoto, Chuyên gia Khu vực về Kỹ năng và Việc làm ILO tham luận tại hội thảo

Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Chí Trường, việc tổ chức đánh giá cấp CCKNNQG trong thời gian qua còn bất câp. Khoản 2 Điều 29 Luật Việc làm năm 2013 quy định “Người lao động được tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG để hoàn thiện năng lực nghề nghiệp của bản thân, tìm công việc phù hợp hoặc công việc yêu cầu phải có chứng chỉ KNNQG”. Tuy nhiên, đến nay chưa thực hiện được việc xác định các kỹ năng thiếu hụt và sự thiếu hụt kỹ năng thông qua tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG để có kế hoạch học tập, bồi dưỡng, rèn luyện hoặc học tập suốt đời phù hợp với điều kiện bản thân nhằm bù đắp kỹ năng thiếu hụt và nâng cao trình độ kỹ năng để hoàn thiện năng lực nghề nghiệp theo nhu cầu do chưa đủ cơ sở quy định, hướng dẫn. Quy định về khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia tại khoản 1 Điều 32 Luật Việc làm chưa cụ thể ảnh hưởng tính hiệu quả, khả thi trong thực hiện chính sách.Quy định tại khoản 2 Điều 32 Luật Việc làm chưa tạo sự chủ động cho các Bộ, ngành, chưa huy động được sự tham gia của các bên liên quan trong xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia do chưa có quy định về nhân lực, nguồn lực, các bên liên quan một cách đầy đủ làm cơ sở thực hiện...

Các đại biểu tham dự hội thảo

Các đại biểu tham dự hội thảo

Đại diện Trường CĐ Than Khoáng sản Việt Nam cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền về hoạt động đánh giá kỹ năng nghề quốc gia trên các cấp độ từ Trung ương đến các địa phương. Bổ sung chế tài trong việc chấp hành quy định của pháp luật về công tác đánh giá kỹ năng nghề quốc gia trong các doanh nghiệp và người lao động. Xây dựng cơ chế chính sách, đồng bộ hóa các quy định giữa bậc thợ để trả lương hiện nay các doanh nghiệp đang áp dụng với bậc kỹ năng nghề, tiến tới sử dụng 5 bậc kỹ năng nghề quốc gia để thay thế hệ thống bậc thợ cũ nhằm khuyến khích mạnh mẽ người lao động tham gia đánh giá kỹ năng nghề, có  quy định việc ưu tiên sử dụng, trả lương cho người lao động đã có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia trong các doanh nghiệp.

Dưới góc độ pháp lý ông Cao Đăng Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng, Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo khung pháp lý toàn diện, đầy đủ cho việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kỹ năng nghề. Thông qua đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, người lao động có điều kiện thuận lợi hơn trong quá trình tìm kiếm việc làm (kể cả lao động ngoài nước trên cơ sở chuẩn hóa chất lượng lao động, công nhận lẫn nhau về chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia giữa Việt Nam với các nước khác), góp phần đẩy mạnh giải quyết việc làm cho người lao động theo hướng tăng cường năng suất, chất lượng, hiệu quả, từng bước phát triển thị trường lao động Việt Nam, đưa nguồn nhân lực thực sự là động lực cho phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các quy định về nguyên tắc, nội dung đánh giá kỹ năng nghề quốc gia về cơ bản phù hợp, bám sát mục đích đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, bảo đảm tính công khai, dân chủ, minh bạch, tính khả thi, tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời, dễ tiếp cận, dễ thực hiện, tương thích và phù hợp với việc thực hiện các điều ước, công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nhất là xu thế hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4...

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Bà Akiko Skamoto, Chuyên gia Khu vực về Kỹ năng và Việc làm ILO, cho rằng, việc cấp chứng chỉ kỹ năng nghề có vai trò rất quan trọng làm tăng khả năng tìm kiếm việc làm cho người lao động thông qua việc chỉ rõ các kỹ năng nghề và năng lực của họ. Việc cấp CCKNN tạo điều kiện cho người lao động thương lượng tiền lương và điều kiện làm việc phù hợp với trình độ kỹ năng, tạo điều kiện cho người lao động được học tập suốt đời nhằm không ngừng nâng cao chuyên môn. Tuy nhiên bà Akiko Skamoto cũng lưu ý “Hiệu quả của việc cấp CCKN nghề chỉ phụ thuộc vào chất lượng, hiệu lực và độ tin cậy tức là, xác định giá trị của các chứng chỉ trên thị trường”.

Văn Lý

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh