CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:19

Tạo điều kiện cho người khuyết tật khẳng định mình

 

 

Các rào cản đối với NKT đang dần được xóa bỏ

Theo ông Nguyễn Đình Liêu, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật (NTT) và Trẻ mồ côi (TMC) Việt Nam, trong những năm gần đây, cùng với việc xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước vẫn dành sự quan tâm thích đáng chăm lo thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Luật Người khuyết tật (NKT)  năm 2010 ra đời thay thế cho Pháp lệnh về Người tàn tật năm 1998, Luật trẻ em vừa được Quốc hội thông qua là bằng chứng thể hiện bước chuyển lớn lao, khá căn bản về nhận thức và hành động của Nhà nước và xã hội đối với vấn đề NKT và trẻ em.

Bên cạnh đó, Đề án trợ giúp NKT, chính sách pháp luật về trẻ em, trong đó có trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang đi vào cuộc sống, các rào cản xã hội đang được xóa bỏ. Đồng thời, công tác bảo trợ NKT, TMC đã được xã hội hóa, nhận thức về vấn đề khuyết tật, về NKT, TMC được nâng cao, huy động được ngày càng nhiều sự tham gia, đóng góp, chia sẻ quý báu của các tổ chức, cá nhân trong nước, sự trợ giúp có hiệu quả của nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài.

 

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm tặng bằng khen cho các đại biểu tham dự hội nghị.

 

Đặc biệt, tháng 10/2014, Quốc hội khóa XIII tại kỳ họp thứ 8 đã phê chuẩn để Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Công ước về quyền của NKT.  "Việc phê chuẩn Công ước là một trong những căn cứ pháp lý quan trọng khẳng định cam kết bảo vệ và thực thi quyền của NKT tại Việt Nam. Đồng thời là cơ sở để hoàn thiện hệ thống pháp luật và đảm bảo thực hiện chính sách đối với NKT tại Việt Nam…"-ông Liêu nhấn mạnh.

 Khoảng 20% dân số cần sự trợ giúp xã hội

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết, hiện nay ước tính số người cần sự trợ giúp xã hội của cả nước chiếm khoảng 20% dân số. Bao gồm: 9,4 triệu người cao tuổi, 7,2 triệu NKT, 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hàng triệu người hưởng trợ cấp người có công với cách mạng, khoảng 12% hộ nghèo, 6% hộ cận nghèo. Đến năm 2015, cả nước đã có 2,64 triệu người được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, trong đó có 37 nghìn TMC, 88 nghìn người đơn thân nuôi con thuộc hộ nghèo, 1 triệu 480 người trên 80 tuổi không có lương hưu, trợ cấp BHXH, 896 nghìn NKT nặng và đặc biệt nặng, 69 nghìn gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng tại cộng đồng, hơn 1,8 triệu hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm.

Các cấp, các ngành và địa phương đã huy động sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội thực hiện tốt chính sách về trợ giúp, chăm sóc người cao tuổi, NKT, phát triển nghề Công tác xã hội, trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Theo báo cáo của 36 tỉnh thành, đến cuối năm 2015 đã triển khai xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy chứng nhận khuyết tật cho trên 1,3 triệu NKT; tổ chức đánh giá tình hình triển khai thực hiện Luật NKT và Đề án trợ giúp NKT. Hệ thống các cơ sở trợ giúp xã hội ngày càng phát triển.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, xã hội hóa công tác đối với NKT, TMC tiếp tục được khẳng định là phù hợp trong công cuộc đổi mới, đã thu hút và phát huy mọi nguồn lực và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Cách thức trợ giúp ngày càng linh hoạt, đa dạng, không ngừng sáng tạo, đổi mới, kịp thời đáp ứng nhu cầu của đối tượng. “Hiện tiềm năng của NKT, TMC còn rất lớn, nếu được tạo điều kiện, thực hiện tốt chính sách về NKT thì tiềm năng này sẽ được phát huy, họ không chỉ vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống, hòa nhập cộng đồng mà còn đóng góp tích cực vào đảm bảo an sinh xã hội, phát triển đất nước”, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh.

 

 Đại diện người khuyết tật tặng quà lưu niệm cho Hội  Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi Việt Nam.

 Người khuyết tật không cần sự thương hại mà cần sự tôn trọng

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, do rất nhiều điều kiện như tự nhiên, chiến tranh nên Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ NKT rất cao và có rất nhiều hoàn cảnh vô cùng éo le. Mặc dù bản thân những NKT, TMC họ đã có những quyết tâm và nỗ lực nhưng vẫn rất cần thêm sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, xã hội và cộng đồng. NKT và những người có hoàn cảnh đặc biệt không cần một sự ban ơn, thương hại mà cần một sự tôn trọng, chia sẻ của cả cộng đồng để tạo điều kiện cho họ vươn lên khẳng định mình, đem giá trị của mình để phục vụ xã hội.

 

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị.

“NKT không đi được nên chúng ta phải làm đường cho xe lăn, để không cần đến các bạn tình nguyện viên giúp đỡ, có chỗ ngồi riêng ở nơi công cộng. Đó không phải là sự ban ơn mà là là trách nhiệm của xã hội và  chúng ta phải tiếp tục làm tốt hơn việc này.”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết thêm, về phía Chính phủ đã có rất nhiều các chương trình đảm bảo an sinh xã hội cho người nghèo, người thiểu số, NKT và cùng với Hội bảo trợ NTT, TMC Việt Nam cũng như các tổ chức xã hội, Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ rất chặt chẽ cùng để làm cho các công tác này ngày một tốt hơn. 

 

Các đại biểu dự hội nghị chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

 

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự hội nghị.


Ông Nguyễn Đình Liêu chụp ảnh lưu niệm cùng đại biểu tham dự hội nghị.


Không có đường cho xe lăn, NKT phải cần đến sự trợ giúp của các bạn tình nguyện viên.

 

Các đại biểu tham dự hội nghị.

CÙ HÒA / Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh