CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:20

Học nghề, giới thiệu việc làm cho NKT còn rất thấp


Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm triển khai thực hiện các chính sách trợ giúp NKT. chính sách của Nhà nước là mọi NKT còn khả năng lao động, có nhu cầu đều được hỗ trợ học nghề để có việc làm, có thu nhập, khẳng định bản thân và đóng góp cho xã hội. Tuy nhiên, theo bà Mai Thúy Nga,Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề thì đạt mục tiêu hỗ trợ dạy nghề và giải quyết việc làm cho NKT, cần có cơ chế, chính sách, sự vào cuộc của các ngành, các cấp, cơ sở dạy nghề và nhu cầu cũng như nỗ lực của bản thân NKT.

 

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Mai Thúy Nga phát biểu khai mạc hội thảo.

Theo bà Nga, học nghề và có việc làm, có thu nhập, đóng góp cho gia đình và xã hội là nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của NKT. Do vậy, việc tiến hành khảo sát để đánh giá đúng thực trạng công tác hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm cho NKT là rất cần thiết. "Mặc dù tiến hành trong thời gian ngắn, phạm vi khảo sát hẹp, số mẫu khảo sát không nhiều, do đó chưa thể đánh giá hết được vấn đề thực tiễn đang đặt ra, nhưng cũng đã lột tả được cơ bản thực trạng của công tác dạy nghề, tạo việc làm cho NKT"-bà Nga nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Tổng cục Dạy nghề về kết quả triển khai của các địa phương trong cả nước và 4 địa phương được khảo sát cho thấy, mặc dù có sự quan tâm của các cấp, các ngành, cơ sở dạy nghề nhưng kết quả hỗ trợ dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho NKT còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của NKT.

Để thực hiện cam kết của Việt Nam khi phê duyệt công ước Quốc tế về NKT, thực hiện Luật Người khuyết tật, Luật Giáo dục nghề nghiệp và để đạt mục tiêu đến năm 2020 có 550 nghìn NKT được hỗ trợ học nghề theo Đề án 1019 của Chính phủ đòi hỏi phải có sự đột phá trong việc triển khai và tổ chức thực hiện của các cấp; đồng thời, NKT phải phát huy vai trò chủ động trong việc tiếp cận và tham gia vào quá trình đào tạo để khẳng định bản thân…

Hội thảo diễn ra sôi nổi với nhiều tham luận tâm huyết

Dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho NKT và các đối tượng yếu thế trong xã hội dành được sự quan tâm lớn của các cấp, các ngành; thể hiện ở các chương trình, đề án của nhiều địa phương đều có quy định ưu tiên, hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm cho NKT (các địa phương được khảo sát đã phê duyệt kế hoạch trợ giúp NKT để tổ chức thực hiện). Tuy nhiên, số người NKT trong cả nước cũng như 4 địa phương được hỗ trợ dạy nghề và giải quyết việc làm vẫn còn hạn chế.

Theo tổng hợp của các địa phương và các tổ chức của NKT, tổ chức vì NKT, trong 5 năm (2010 – 2014), cả nước có khoảng 120.000 NKT được hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm. Trong đó có 100.000 người được hỗ trợ dạy nghề, trên 2.500 người được vay vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, gần 19.300 người được tư vấn học nghề và giới thiệu việc làm; Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 20.000 NKT. Riêng 4 tỉnh được khảo sát mới tổ chức dạy nghề và tạo việc làm cho gần 1.000 NKT, nếu chia bình quân mỗi năm một tỉnh hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm cho khoảng 30 – 50 NKT (so với tổng số NKT trên địa bàn và số NKT có nhu cầu học nghề thì con số này còn rất thấp).

Những vấn đề đặt ra qua khảo sát cho thấy, đặc biệt là các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn thì hầu hết NKT rất khó khăn trong việc đi lại để tham gia học tập; không ít NKT khi tham gia học nghề phải có người đưa đón; các mức hỗ trợ tiền ăn, đi lại theo chính sách quy định còn thấp và không phù hợp với NKT. Bên cạnh đó, NKT tiếp cận vốn vay ưu đãi còn hạn chế, một phần là do NKT không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; còn khá nhiều NKT có nhu cầu vay vốn nhưng hầu như vẫn chưa được vay vốn để tổ chức sản xuất kinh doanh...

Tại hội thảo, đại diện các Sở LĐ-TB&XH, các cơ sở tham gia dạy nghề cho NKT và một số NKT đã đưa ra nhiều đóng góp, khuyến nghị để thực hiện tốt hơn việc hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm cho NKT. Trong đó có việc xây dựng, phê duyệt danh mục nghề đào tạo cho NKT, định mức chi phí đào tạo cho từng nghề; các địa phương cần đa dạng hóa các hình thức dạy nghề cho NKT như việc hỗ trợ thông qua cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp hoặc các tổ chức NKT, tổ chức vì NKT, đặc biệt là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ có sử dụng NKT…


PHẠM TUẤN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh