THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 03:22

Tạo điều kiện cho các thuyền viên làm việc trên biển

 

Bộ trưởng Đinh La Thăng đọc Tờ trình trước Quốc hội về Dự án Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi)

Theo tờ trình của Chính phủ, Dự thảo Luật Hàng hải (sửa đổi) đã bổ sung cảng cạn là bộ phận thuộc kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, là đầu mối tổ chức vận tải gắn liền với hoạt động của cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cảng đường thủy nội địa quốc tế, cửa khẩu đường bộ quốc tế, đồng thời có chức năng là cửa khẩu đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu chưa được quy định trong Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2005.

 Riêng các chủng loại tàu lặn, tàu ngầm mới xuất hiện ở Việt Nam là các loại phương tiện thủy có những đặc thù về hoạt động là chủ yếu dưới mặt nước, các đặc tính khác không giống như tàu biển nên quy định áp dụng cho tàu biển sẽ không phù hợp đối với tàu ngầm, tàu lặn. Dự thảo Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi) đề xuất cần có những quy định đặc thù riêng cho các đối tượng này.

Ngoài ra, Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi) còn bổ sung nội dung về chính sách xã hội hóa trong đầu tư xây dựng và khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải; chính sách ưu tiên phát triển đội tàu vận tải biển thông qua chính sách ưu đãi về thuế, lãi suất; ưu tiên phát triển đội ngũ thuyền viên đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế... nhằm tạo bước đột phá cho ngành hàng hải nước ta phát triển.

Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi) cũng bổ sung chương mới quy định chi tiết nội dung liên quan đến bắt giữ tàu biển như các trường hợp được bắt giữ tàu biển, thẩm quyền và trình tự, thủ tục bắt giữ tàu biển... trên cơ sở nâng các quy định của Pháp lệnh bắt giữ tàu biển 2008 và các văn bản liên quan thành luật để tạo sự thống nhất, đồng bộ trong luật.

Đối với việc đóng mới, hoán cải phục hồi, sửa chữa tàu biển trong thời gian vừa qua còn có những bất cập. Một số cơ sở chưa đủ năng lực về nhân lực, con người, tài chính, kỹ thuật đóng tàu dẫn đến chất lượng các con tàu chưa đảm bảo chất lượng. Do đó, cần có quy định về điều kiện đối với các cơ sở này để đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật của sản phẩm.

Đồng thời hoạt động phá dỡ tàu biển là hoạt động mang lại nguồn nguyên liệu đáng kể cho ngành công nghiệp thép và cơ khí; tạo việc làm cho lực lượng lao động lớn; tỷ suất lợi nhuận cao, tăng được nguồn thu cho ngân sách nhà nước và đặc biệt là quản lý được hoạt động phá dỡ tàu biển, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và bảo đảm an toàn, phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong việc phá dỡ tàu biển tại Việt Nam.

 Dự án luật cũng xác định, bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động hàng hải nhằm bảo đảm an toàn hành hải trên biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo, đồng thời để đảm bảo công dân được làm những gì mà pháp luật không cấm, phù hợp theo tinh thần Hiến pháp 2013.

 

 

 Ảnh minh họa

Đáng chú ý, Dự án luật đã bổ sung nghĩa vụ của thuyền trưởng đối với việc ngăn ngừa việc chuyên chở người, hàng hóa trên tàu bất hợp pháp, vì theo quy định thuyền trưởng là người có quyền chỉ huy cao nhất ở trên tàu biển. Đồng thời bổ sung một số trách nhiệm của chủ tàu đối với thuyền bộ để đảm bảo quyền lợi cho thuyền viên khi làm việc trên tàu biển Việt Nam và phù hợp với quy định tại Công ước Lao động hàng hải 2006 mà Việt Nam là thành viên.

“Bãi bỏ quy định về việc yêu cầu thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam phải có Hộ chiếu thuyền viên nhằm đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho thuyền viên”- Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Ngoài ra, dự luật cũng bổ sung quy định về đào tạo, huấn luyện thuyền viên nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng của thuyền viên để đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế. “Các quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, quyền lợi, nghĩa vụ của thuyền viên;  tiền lương, phụ cấp và các khoản thu nhập khác.... để phù hợp với quy định tại Công ước Lao động hàng hải 2006 mà Việt Nam là thành viên cũng được bổ sung cho phù hợp”- Bộ trưởng Đinh La Thăng trình bày.

V. Bình

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh