CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:30

Tạo cơ hội cho người khuyết tật tiếp cận việc làm và các dịch vụ xã hội

Theo thống kê, hiện nay tỉnh Thái Bình có khoảng 124.000 NKT (chiếm khoảng 6,8% so dân số), trong đó 3.661 trường hợp là con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp; 70.142 người đã được xác định dạng tật và cấp giấy xác nhận khuyết tật; thanh niên khuyết tật trong độ tuổi (16 – 30) là 18.788 người), người cao tuổi khuyết tật 22.644 người. Chia theo dạng tật, khuyết tật vận động 33.640 người, khuyết tật thần kinh tâm thần 11.826 người, còn lại là các dạng khuyết tật khác. Có 9.340 NKT thuộc hộ nghèo (chiếm gần 14%). Với tỷ lệ người khuyết tật khá cao, do đó vấn đề chăm lo đời sống, đảm bảo quyền lợi của những đối tượng này luôn được các cấp chính quyền quan tâm.

Tạo cơ hội cho người khuyết tật tiếp cận việc làm và các dịch vụ xã hội - Ảnh 1.

Dạy học cho trẻ khuyết tật tại Thái Bình (Ảnh minh họa)

Theo Sở LĐ-TB&Xh tỉnh Thái Bình, hằng năm tỉnh Thái Bình chỉ đạo việc lồng ghép các chính sách hỗ trợ NKT, người có công, người và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học vào chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời thường xuyên vận động các tổ chức và cá nhân hỗ trợ, chăm sóc cho NKT, người có công với nhiều hình thức phù hợp như: chính sách giáo dục, hỗ trợ dạy nghề, vay vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm, thông qua cầu nối giữa chính quyền và doanh nghiệp đã khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế nhận NKT, người bị nhiễm chất độc hóa học vào học nghề và làm việc.... từ đó, giúp họ phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân, tạo điều kiện vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội.

Đến nay, 100% người khuyết tật thuộc hộ gia đình nghèo, người khuyết tật đang hưởng chế độ bảo trợ xã hội tại cộng đồng được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện ưu tiên cho người khuyết tật, trẻ em khuyết tật, người cao tuổi khuyết tật, phụ nữ khuyết tật theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

Tăng cường các hoạt động hỗ trợ NKT phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân; tạo điều kiện để NKT vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội; giúp đỡ NKT tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau, hỗ trợ trẻ em và NKT được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp. Hỗ trợ dụng cụ chỉnh hình và phục hồi chức năng cho 4.582 lượt NKT/năm.

Theo báo cáo của Trường Trung cấp nghề cho người khuyết tật tỉnh Thái Bình, từ năm 2016 đến nay có 1.550 lượt học sinh được cấp học bổng với kinh phí hơn 1 tỷ đồng, 99 lượt học sinh được hỗ trợ chi phí học tập với kinh phí 99 triệu đồng, 232 học sinh được miễn giảm học phí với kinh phí hơn 294 triệu đồng. Từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã có khoảng 450 NKT được dạy nghề, tạo việc làm. Các khóa học nghề đảm bảo khi tốt nghiệp 70% học viên là NKT được các cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp tiếp nhận vào làm việc, giới thiệu cho học viên việc làm phù hợp và một số học viên tự tạo việc làm tại nhà, mở cửa hàng…

Cùng với đó, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Bình đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Bình phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các phiên giao dịch lồng ghép, lưu động hàng năm cho NKT tại Trung tâm và một số huyện, thành phố; tổ chức thực hiện các dự án nhằm mở rộng cơ hội việc làm và thúc đẩy hòa nhập xã hội thông qua việc tăng cường kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cho NKT.

Hàng tháng Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức phiên giao dịch việc làm tại trung tâm cho người lao động, trong đó có NKT, ngoài ra tổ chức tư vấn việc làm lưu động tại các xã, cụm xã trong tỉnh; Cung cấp thông tin của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có nhu cầu tuyển dụng NKT vào làm việc; đăng tải thông tin trên trang thông tin điện tử để NKT dễ dàng tiếp cận; tư vấn học nghề, việc làm phù hợp với khả năng của NKT.

Theo báo cáo của Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh; hiện nay có 2 cơ sở dạy nghề thuộc Hội quản lý đào tạo cho đối tượng là nạn nhân của chất độc hóa học. Hội đã tổ chức đào tạo cho hàng ngàn đối tượng này biết ngành, nghề nhiều người đã được tuyển vào các công ty xí nghiệp.

Bên cạnh đó, để đảm bảo cho người khuyết tật có được nhu cầu vui chơi giải trí như quy định. Hàng năm Sở Văn hóa, thể thao và du lịch đã chỉ đạo các cấp cơ sở hoàn thiện và sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa thể thao, các điểm vui chơi giải trí dành cho người dân trong đó chú trọng đến NKT. Các hoạt động trợ giúp tiếp cận và tham gia giao thông được quan tâm, Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo các tuyến vận tải công cộng có hoạt động hỗ trợ NKT tiếp cận và tham gia giao thông. Từ năm 2012 đến nay 100% trụ sở, cơ quan nhà nước xây dựng mới đảm bảo tiếp cận NKT.

Theo sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Bình, nhằm đảm bảo quyền lợi cho NKT trong giai đoạn tới cần có quy định chính sách riêng, cụ thể về dạy nghề và tạo việc làm, xây dựng chương trình quốc gia về thực hiện "Chương trình tạo việc làm tại chỗ cho NKT", tạo điều kiện thuận lợi cho NKT và gia đình của họ, đưa chương trình sinh kế cho NKT là một trong những nội dung hoạt động của mục tiêu an sinh xã hội.

Phải có cơ chế chính sách hỗ trợ cấp thẻ BHYT cho các đối tượng là người khuyết tật đã được cấp Giấy xác định mức độ khuyết tật (đối với những đối tượng chưa được hưởng trợ cấp, chưa được cấp thẻ BHYT khác) để hỗ trợ, động viên và tạo điều kiện cho người khuyết tật đi khám chữa bệnh, tái hòa nhập cộng đồng. Tăng cường tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo để các địa phương có thể trao đổi kinh nghiệm và học tập các mô hình đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho NKT có hiệu quả áp dụng vào địa phương.

CHU LƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh