Tạo cơ chế thông thoáng để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
- Dược liệu
- 18:33 - 26/10/2021
Kịp thời hỗ trợ cho người dân
Thông tin tại buổi làm việc, ông Lê Đình Tùng, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa cho biết, đến 26/10, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện chính sách giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với 6.337 đơn vị, doanh nghiệp; 285.271 lao động được hỗ trợ giảm mức đóng, tổng số tiền giảm mức đóng là hơn 25,1 tỷ đồng. Có 6.103 đơn vị, doanh nghiệp với 286.339 lao động được hỗ trợ giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, tổng số tiền được giảm mức đóng là 12,804 tỷ đồng; số người lao động được duyệt hỗ trợ bằng tiền từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là 142.005 người với tổng số tiền là 323,212 tỷ đồng
Chính sách tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đã có 3 đơn vị với 143 lao động được hỗ trợ tạm dừng đóng, tổng số tiền tạm dừng đóng là hơn 429 triệu đồng; tỷ lệ hỗ trợ đạt 100%.
Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương đã phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ đối với 529 lao động, kinh phí phê duyệt hỗ trợ hơn 1,4 tỷ đồng (bao gồm chính sách hỗ trợ bổ sung cho 297 trẻ em và 24 lao động mang thai). Đã có 57 người lao động được nhận kinh phí hỗ trợ, tổng số tiền đã chi trả trên 236 triệu đồng.
Đối với người lao động ngừng việc, đã phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho 307 lao động, kinh phí phê duyệt hỗ trợ là 436 triệu đồng (bao gồm chính sách hỗ trợ bổ sung cho 119 trẻ em và 10 lao động đang mang thai). Đã có 97 lao động được nhận kinh phí hỗ trợ, tổng số tiền đã chi trả là 138 triệu đồng (tỷ lệ giải ngân hỗ trợ đạt 32%). Về hỗ trợ lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận 16 hồ sơ đề nghị hỗ trợ của người lao động. Tuy nhiên, các hồ sơ đều không đủ điều kiện hỗ trợ, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã gửi văn bản trả lời, hướng dẫn người lao động thực hiện theo đúng quy định.
Đối với Chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế, đã phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ đối với 39 trường hợp F0 và 304 trường hợp F1 (trong đó có 53 trẻ em), tổng kinh phí phê duyệt hỗ trợ là hơn 526 triệu đồng. Đã thực hiện chi trả hỗ trợ đối với 78 trường hợp, số tiền đã chi trả là hơn 121 triệu đồng (tỷ lệ giải ngân hỗ trợ đạt 23,2%).
Chính sách hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV và hướng dẫn viên du lịch: đã phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ đối với 89 viên chức hoạt động nghệ thuật và 62 hướng dẫn viên du lịch, kinh phí hỗ trợ đã phê duyệt hơn 560 triệu đồng. Đã thực hiện chi trả hỗ trợ đối với 50 hướng dẫn viên du lịch, tổng số tiền đã chi trả hơn 185 triệu. Phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ đối với 763 hộ kinh doanh, kinh phí hỗ trợ phê duyệt hơn 2.2 tỷ đồng. Đã chi trả hỗ trợ đối với 501 hộ, tỷ lệ giải ngân hỗ trợ đạt 65,7%.
Về chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đã có 5 doanh nghiệp được hỗ trợ vay trên 2.7 tỷ đồng để trả lương ngừng việc cho 900 lao động và 1 doanh nghiệp được hỗ trợ vay trên 207 triệu đồng để trả lương phục hồi sản xuất cho 135 lao động (tỷ lệ giải ngân hỗ trợ đạt 100%). Với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và các đối tượng đặc thù khác, các địa phương đã phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ đối với 254 lao động, tổng kinh phí hỗ trợ phê duyệt trên 200 triệu đồng. Đã thực hiện chi trả hỗ trợ cho 141 lao động, tổng số tiền đã chi trả trên 96 triệu đồng.
Tạo cơ chế thông thoáng để hỗ trợ
Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Thanh Hóa khác với một số địa phương bởi số lượng người bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 không nhiều. Trong thời gian qua tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành triển khai thực hiện, trong đó Sở LĐ-TB&XH tham mưu chính cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa thực hiện 12 chính sách theo Nghị quyết số 68/NQ-CP. Hiện nay đã triển khai thực hiện trên toàn địa bàn, hỗ trợ kịp thời cho người lao động và người sử dụng lao động bị hưởng bởi Covid-19. Trong thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa sẽ tham mưu cho UBND tỉnh, Tỉnh ủy tiếp tục rà soát các đối tượng bị ảnh hưởng mà chưa được thụ hưởng để triển khai hỗ trợ”- bà Hương nói.
“Hiện nay Thanh Hóa có gần 200 nghìn người trở về từ các địa phương, trong thời gian tới số lượng lao động trở về sẽ tiếp tục tăng, tỉnh Thanh Hóa đang tập trung hỗ trợ cho lao động từ tỉnh ngoài trở về địa phương trong đó chú trọng kết nối cung cầu giữa người sử dụng lao động và người sử dụng lao động trên địa bàn; hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm; đào tạo nghề cho lao động… để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm việc làm tại địa phương. Sở LĐ-TB&XH hiện đang tích cực phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương xây dựng các phương án để hỗ trợ tốt nhất các chính sách cho người lao động… ”- bà Hương thông tin.
Cũng tại hội nghị, nhiều kiến nghị, đề xuất từ BHXH tỉnh Thanh Hóa, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhanh tỉnh Thanh Hóa, Sở Tài chính…về một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện hỗ trợ đã được đại diện Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH giải đáp, hướng dẫn.
Ghi nhận sự phối hợp của các đơn vị liên quan trong việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, thông tin tại hội nghị, ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cho biết: “Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến toàn thế giới, ở Việt Nam cả hệ thống chính trị vào cuộc. Quan điểm chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH là thông thoáng hết tất cả cơ chế, chính sách, làm thế nào để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng một cách nhanh nhất. Ở Thanh Hóa, người dân, doanh nghiệp cần được hỗ trợ, thuộc nhóm hỗ trợ đều đã được hỗ trợ. Đây là tín hiệu rất mừng với ngành LĐ-TB&XH Thanh Hóa. Tới đây, Thanh Hóa cần khắc phục các hạn chế, rà soát các hộ kinh doanh cá thể, lao động chưa có hợp đồng chưa được hỗ trợ, lấy chính quyền cấp xã làm nền tảng rà soát để có hướng hỗ trợ nhanh nhất”- ông Tùng nói.
“Đối với lao động từ các tỉnh phía Nam trở về, tỉnh Thanh Hóa cần xây dựng phương án khắc phục, phục hồi thị trường lao động. Hỗ trợ, tìm kiếm việc làm tại địa phương hoặc hỗ trợ khi lao động trở lại phía Nam làm việc tại các đơn vị cũ, sống an toàn với dịch. Có hướng dẫn tổng thể cho người dân, doanh nghiệp, địa phương để thống nhất thực hiện. Phải đánh giá hiệu quả thật, không thể nói chung chung mô hình mà không có khả thi; dạy nghề phải dạy nghề gì, phù hợp với vị trí địa lý của từng vùng. Lao động có nhu cầu quay lại thì phải lên phương án hỗ trợ quay trở lại làm việc ở đơn vị cũ. Chúng ta làm không tốt sẽ nảy sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo tăng. Về những kiến nghị đề xuất của địa phương, đoàn sẽ tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng để trình Chính phủ xem xét” – ông Tùng nhấn mạnh.
Cũng trong chiều 26/10, đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa đã làm việc với UBND thị xã Nghi Sơn và một số doanh nghiệp trên địa bàn thị xã Nghi Sơn, ghi nhận một số tình hình, kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và chủ sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.