CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:46

Tăng “trần” làm thêm giờ của người lao động: Nên hay không?

 

Theo Bộ luật Lao động 2012, làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.

 

Nhiều ngành nghề có nhu cầu sử dụng NLĐ làm việc ngoài giờ cao


Người SDLĐ được sử dụng NLĐ làm thêm giờ khi đáp ứng đủ điều kiện: Bảo đảm số giờ làm thêm của NLĐ không quá 50% số giờ làm việc bình thường/ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày; không quá 30 giờ/tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Dương- Chủ tịch HĐQT, Tổng Công ty may Hưng Yên, với một nước đang phát triển như Việt Nam, số giờ làm thêm như vậy là quá ít và đi ngược với xu thế chung của các nước trong khu vực như Nhật Bản đang cho phép NLĐ làm thêm 720 giờ/năm hay NLĐ Trung Quốc được làm thêm 600 giờ/năm. Ông Dương lấy ví dụ: Tại Công ty May Hưng Yên, trong năm 2015, nếu tính cả tiền làm thêm giờ, trung bình thu nhập của NLĐ công ty này đạt 7 triệu đồng/tháng, tại một số công ty thành viên có mức thu nhập cao hơn với 9 triệu đồng/tháng. “Trong khi đó, nếu không làm thêm, NLĐ chỉ nhận mức lương từ 4 triệu đồng/tháng, với khoản tiền này cuộc sống của họ rất vất vả. Việc làm thêm giúp lao động có thêm thu nhập, sống tốt hơn là nhu cầu thực tế”- ông Dương cho biết.

Trước những ý kiến trên, PGS-TS.Vũ Quang Thọ- Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho rằng: “Để khắc phục sự thiếu hụt trên một cách hợp pháp, NLĐ coi làm thêm giờ, thêm ca (gọi chung là làm thêm) như một loại “phúc lợi”. Do đó, NLĐ rất quan tâm đến tiền lương và thu nhập, thậm chí đó là mục đích mà họ cung ứng sức lao động cho DN. Do đó, hiện nay, những bất đồng trong quan hệ LĐ hầu như đều bắt đầu từ tiền lương và thu nhập”.

Dẫn chứng về điều này, giữa năm 2015, Viện Công nhân và Công đoàn đã tiến hành khảo sát về đời sống với 60 DN, trên 1.600 phiếu hỏi, 60 cuộc phỏng vấn sâu, 10 cuộc tọa đàm tại các địa phương) cho thấy một bức tranh đa sắc màu về đời sống của NLĐ, trong đó mảng màu xám, tối vẫn là chủ đạo.

Theo đó, mức lương trung bình ở cả hình thức trả lương theo thời gian và khoán sản phẩm cho tất cả các mẫu khảo sát được là 3,817 triệu đồng. Trong đó vùng I là 4,370 triệu đồng, vùng II là 3,9 triệu đồng, vùng III là 3,8 triệu đồng và vùng IV là 3,25 triệu đồng. DN cổ phần hóa có mức trả lương khả dĩ cao hơn (4,3 triệu đồng), DN dân doanh thấp hơn một chút (3,6 triệu đồng). Mặc dù mức lương năm 2015 đã được cải thiện nhưng nhìn chung vẫn thấp hơn khá xa so với nhu cầu chi tiêu cơ bản, tối thiểu của NLĐ như: Ăn, mặc, thuê nhà trọ, đóng BHXH, phương tiện đi lại và một số nhu cầu thiết yếu tối thiểu khác.

Nhằm giảm thiểu những hệ lụy về việc làm thêm giờ, ông Vũ Quang Thọ cũng chia sẻ: Khi DN có nhiều đơn hàng, sắp xếp giờ giấc tăng ca hợp lý để DN và công nhân cùng tăng thêm thu nhập là việc làm đáng khuyến khích. Về phía NLĐ, luật cho phép từ chối tăng ca thì nên từ chối từ đầu; nếu NLĐ đã chấp nhận và có thỏa thuận (thỏa thuận phải theo quy định của pháp luật) thì nên tuân thủ. Nếu bỏ ngang, DN thiệt hại, quyền lợi NLĐ cũng bị ảnh hưởng. Trong thời gian tới, với mục tiêu phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hiện đại, vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sẽ cần phải tiếp tục được quan tâm đầy đủ hơn, trong đó ưu tiên hàng đầu đối với NLĐ là vấn đề tay nghề, năng suất lao động và thu nhập. Đó là cơ sở để tiếp tục xem xét điều chỉnh thời gian làm việc giảm dần theo điều kiện phát triển kinh tế- xã hội trong từng giai đoạn.

Theo Ngọc Yến/Báo Bảo hiểm xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh