CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:16

Tăng tốc ôn luyện chạy đua giành “tấm vé ” vào THPT công lập

Còn chưa đầy 1 tháng nữa, kỳ tuyển sinh vào lớp 10 của học sinh Hà Nội năm nay sẽ diễn ra. Với học sinh Thủ đô, kỳ thi vào lớp 10 là một trong những kỳ thi căng thẳng nhất, thậm chí hơn cả thi đại học.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT, số học sinh tốt nghiệp lớp 9 năm nay là 129.210 em, trong đó, 69.805 thí sinh được tuyển vào lớp 10 THPT công lập (55,7%) - được cho là thấp nhất trong 7 năm trở lại đây.

Tỷ lệ chọi trung bình 1 chọi 1,85. Năm 2022, là 1 chọi 1,67 và năm 2021 là 1 chọi 1,61. Như vậy, tỷ lệ chọi vào lớp 10 năm nay dự kiến cao nhất trong 3 năm qua. 

Thí sinh xếp hàng nộp hồ sơ dự thi vào 10

Thí sinh xếp hàng nộp hồ sơ dự thi vào 10

Một ngày gói gọn trong 3 từ “ăn”, “ngủ” và “học”

Đó là chia sẻ của bạn Phương Linh (trường THCS Uy Nỗ): “Lịch học của em trên trường gồm cả buổi sáng và chiều. Em tan học lúc 16 giờ 45 phút, sau đó về nhà nghỉ ngơi, ăn lót dạ rồi 18 giờ có ca học thêm đầu tiên ở trung tâm và 21 giờ có ca học thứ hai với gia sư”.

Empty

Linh cho biết, những hôm học như vậy rất mệt và đuối sức vì khi về nhà, em vẫn phải hoàn thành tiếp bài tập 3 môn thi mà cô giáo đã giao trên lớp. Nếu không làm xong thì hôm sau lên lớp sẽ bị cô khiển trách. Nhiều hôm, em thức đến 2 giờ sáng mới đi ngủ và 6 giờ sáng đã phải dậy để chuẩn bị ngày học mới ở trường.

Em Tô Thị Linh, trường THCS Cầu Giấy, (Hà Nội) cho biết: “Năm nay em dự định thi vào trường THPT Yên Hoà. Do năm ngoái, trường này số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 cao nhất thành phố (2.048 hồ sơ, chỉ tiêu trúng tuyển 675 học sinh - tỷ lệ 1 chọi 3) nên việc cạnh tranh vào trường thật sự khốc liệt. Mặc dù điểm tổng kết các môn thi trên lớp đều cao nhưng em không dám chủ quan. Ngoài học ôn tại trường, em còn đăng ký khóa học online để luyện  các môn vào buổi tối tại nhà, đặc biệt là môn Tiếng Anh”.

Chỉ lơ là một chút khó có thể thi đỗ  được trường công lập. Nhiều học sinh lựa chọn học thêm tại các "lò" luyện thi nổi tiếng. Em Thu Hà (trường THCS Đoàn Thị Điểm) quyết định theo học môn Toán tại một trung tâm qua lời giới thiệu của bạn cùng lớp. Ngay buổi đầu tiên, bạn này đã bàng hoàng vì số lượng học sinh quá đông, một lớp học có đến 300-400 người. Tuy nhiên, vì áp lực học tập và cũng gần đến kỳ thi nên Thu Hà không tìm lớp khác nữa mà cố gắng theo học tại đây.

Em Nguyễn Quang Tiến, trường THCS Ngô Gia Tự cũng đang chạy nước rút ôn thi để mong có được tấm vé vào trường THPT Việt Đức.

Tiến chia sẻ: “Ngay từ khi thi xong học kỳ I, em đã bắt đầu ôn tập. Em tăng tốc với môn Ngoại ngữ và Toán. Từ Tết đến nay, em hầu như không có ngày nghỉ, thay vì đi chơi cuối tuần hay dịp nghỉ lễ, em dành thời gian để học thêm ở trường, trung tâm, gia sư và tự ôn lại kiến thức. Năm ngoái, trường THPT Việt Đức có tỷ lệ chọi rất cao nên em ôn luyện kiến thức chu đáo nhất cho kỳ thi tới”.

Phụ huynh như “ngồi trên đống lửa”

Học sinh vất vả ôn thi, các bậc phụ huynh trong những ngày cận kề cuộc đua vào lớp 10 của con cũng “đứng ngồi không yên”. Nhiều người tính thêm các phương án dự bị để chắc suất vào 10 cho con.

Phụ huynh cùng các con chờ nộp hồ sơ thi vào THPT.

Phụ huynh cùng các con chờ nộp hồ sơ thi vào THPT.

 Chị Mai Lan (quận Từ Liêm, Hà Nội) có con gái sắp bước vào kỳ thi, không khỏi lo lắng: “Hiện, trường công thì ít mà học sinh lại đông. Do kinh tế gia đình còn eo hẹp  nên tôi chỉ biết động viên và theo sát quá trình học tập của con, tạo điều kiện để con có thời gian ôn thi vững vàng nhất có thể”.

Cùng tâm trạng như chị Mai Lan, chị Đoàn Thị Quế (quận Đống Đa,  Hà Nội) có con chuẩn bị thi vào lớp 10 trường THPT Nhân Chính cho biết: “Cả tháng nay, ngày nào con gái tôi cũng học đến 12 giờ đêm. Điểm thi thử ở trường của con khá cao, các môn đều trên 8 điểm, nhưng con vẫn không khỏi lo lắng. Bản thân tôi cũng rất căng thẳng, nhưng luôn động viên con không nên quá áp lực, tâm lý luôn thoải mái để bước vào kỳ thi. Tôi sắp xếp công việc cơ quan hợp lý để dành nhiều thời gian chăm sóc nhằm đảm bảo sức khỏe cho con. Hy vọng con sẽ “vượt vũ môn” thành công”.

Theo các chuyên gia tuyển sinh, học sinh nên lấy bảng điểm chuẩn của các năm học trước phân chia thành các top trường và kết hợp với điểm năng lực để làm cơ sở chọn nguyện vọng. Sau đó, dự kiến mức điểm đạt được của bản thân để từ đó có hướng đăng ký nguyện vọng cho phù hợp.

Chị L.T.M., (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đưa ra lời khuyên cho con trai để cân nhắc và sắp xếp nguyện vọng vào lớp 10 sao cho phù hợp. Nguyện vọng 1, gia đình chọn trường có tiếng và theo sở thích của con; nguyện vọng 2 nộp vào trường có mức điểm chuẩn vừa phải để dự phòng cho trường hợp thi trượt. Ngoài ra, chị cũng tìm hiểu một vài trường tư thục, trường nghề để con có thêm lựa chọn không bị căng thẳng quá mức.

Năm nay, thành phố Hà Nội vẫn được chia thành 12 khu vực tuyển sinh. Mỗi học sinh được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng vào 3 trường THPT công lập, theo thứ tự ưu tiên. Trong đó, nguyện vọng 1 và 2 phải thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định; nguyện vọng 3 không bắt buộc. Các em không được thay đổi nguyện vọng sau khi đã đăng ký.

Ngày 17/5, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã công bố số thí sinh đăng ký thi lớp 10 công lập năm học 2023 - 2024. Theo đó, có 104.917 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1; nguyện vọng 2 và 3 lần lượt là hơn 101.000 và 64.000. Sở  cũng dự kiến 30.000 em vào các trường công lập tự chủ hoặc tư thục (23,2%), còn lại được tuyển vào các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Phương Thảo

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh