Tăng thuế thuốc lá: Giải pháp giảm số lượng người hút
- Huyệt vị
- 18:21 - 30/10/2017
Thanh niên tham gia mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống thuốc lá.
Để thực hiện mục tiêu giảm tỉ lệ hút thuốc của chiến lược quốc gia, một trong những biện pháp quan trọng nhất là sử dụng công cụ thuế đối với các sản phẩm thuốc lá. Điều 6 trong Công ước khung về kiểm soát thuốc lá cũng ghi rõ “Các biện pháp về giá và thuế là công cụ hiệu quả và quan trọng để giảm tiêu dùng thuốc lá”. Kinh nghiệm các nước cũng cho thấy, biện pháp thuế đóng góp tới 50 - 60% vào việc giảm tiêu dùng thuốc lá.
Thái Lan: Tăng thuế, tăng ngân sách
Bài học kinh nghiệm của Thái Lan cho thấy, tăng thuế thuốc lá thường xuyên được chứng minh là chính sách hiệu quả nhằm hạn chế người dân hút thuốc.
Từ năm 1994 đến 2012, chính phủ nước này thực hiện 10 lần tăng thuế thuốc lá (mức thuế 85% của Thái Lan tương đương 567% thuế theo giá xuất xưởng của Việt Nam). Nhờ đó, giá thuốc lá tăng từ 15 lên 65 baht/bao, làm tỉ lệ hút thuốc ở nam giới giảm từ hơn 59% năm 1991 xuống còn chưa đến 42% năm 2011. Tương tự, nước này cũng ghi nhận xu hướng giảm tiêu dùng trong nữ giới và thanh thiếu niên.
Brazil: Tăng thuế, giảm 4 triệu người hút thuốc
Brazil cũng áp dụng thành công chính sách tăng thuế thuốc lá và đã làm giảm đáng kể số người hút thuốc. Cụ thể, từ năm 2006 đến 2013, tại Brazil, thuế tiêu thụ đặc biệt cho mỗi bao tăng 116% (giá thuốc lá thực trung bình tăng 74%). Trong giai đoạn này, doanh số bán thuốc lá trong nước giảm 32%, tuy nhiên, doanh thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt tăng 48%.
Với việc áp dụng tăng thuế, số người hút thuốc ở Brazil giảm từ 21 triệu người năm 2006 còn 17 triệu người năm 2013. Những nghiên cứu tại Brazil cho thấy số người hút thuốc giảm là do bỏ thuốc hoặc giảm số lượng hút hàng ngày chứ không phải vì chuyển sang hút thuốc lá lậu.
Từ năm 2006 đến 2013, doanh thu chính phủ từ các loại thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá đã tăng từ 3,5 lên 5,1 tỉ real, năm 2013 không thay đổi. Doanh thu tăng 48% ngay cả khi doanh số bán hàng giảm.
Việt Nam: Thuế thuốc lá còn thấp
Theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, hiện thuế thuốc lá ở nước ta chiếm 70% giá xuất xưởng, tương đương 42% giá bán lẻ. Việt Nam hiện là quốc gia có tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ thấp nhất trong khu vực ASEAN (chỉ cao hơn Campuchia) và rất thấp so với các nước phát triển (Brunei 81%, Singapore: 71%; Thái Lan 70%; Malaysia 57%, Philippines 53%; Myanmar 50%; Lào 43%; Việt Nam 41,6%; Campuchia 17%, Pháp 80%, Đức 73%, Australia 60%).
Trong khi đó, theo khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), để giảm tiêu dùng thuốc lá, thuế trên giá bán lẻ phải chiếm từ 65 - 80%.Về giá thuốc lá, theo điều tra của Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS) năm 2015, giá trung bình của một bao thuốc lá của Việt Nam (20 điếu) là 11.819 đồng/bao. Mức giá này cũng rất rẻ so với các nước trong khu vực như: Singapore (192,000 đồng/bao); Philippines (32,000 đồng/bao), Malaysia (74,000 đồng/bao). Hơn nữa sau khi đã điều chỉnh lạm phát, mức giá thuốc lá của chúng ta có xu hướng giảm gần 1.000 đồng/bao năm so với năm 2010. Giá thuốc lá của Việt Nam khá rẻ cũng là một trong những nguyên nhân khiến người dân dễ dàng mua để sử dụng.
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm số lượng người dân hút thuốc.
Tăng thuế thuốc sẽ làm giảm tỉ lệ hút thuốc
Theo ước tính của Ngân hàng thế giới, khi tăng thuế để giá tăng 10% thì sẽ giảm tiêu dùng khoảng: 4% ở các nước phát triển ; 8% ở các nước đang phát triển. Ở người nghèo và lớp trẻ giảm nhiều hơn, khi tăng giá 10% sẽ giảm tiêu thụ tới 10% ở trẻ em và người nghèo. Giá thuốc lá cao cũng có tác dụng ngăn ngừa trẻ bắt đầu hút thuốc.
Theo thông tin từ Chương trình Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), bằng chứng từ các nước có mức thu nhập khác nhau cho thấy việc tăng giá thuốc lá có tác động mạnh đến giảm nhu cầu. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc thuế cao hơn khiến một bộ phận người hút thuốc lá bỏ thuốc và ngăn chặn một bộ phận người trẻ không bắt đầu hút thuốc. Bên cạnh đó, những người tiêu dùng có thu nhập thấp sẽ có phản ứng mạnh hơn với sự thay đổi giá thuốc. Thanh thiếu niên chính là những đối tượng cân nhắc nhiều hơn so với người lớn khi giá thuốc lá tăng.
Ông Lương Ngọc Khuê, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), nhận định, tăng thuế thuốc lá sẽ giúp tăng giá thuốc lá và đây là một trong những biện pháp hiệu quả nhất giúp ngăn ngừa thanh thiếu niên tập hút thuốc lá và giúp những người đang hút thuốc lá giảm hay bỏ hút nhằm góp phần giảm bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra. Giá thuốc lá càng cao, khả năng tiếp cận với thuốc lá của thanh thiếu niên nói riêng, người hút thuốc càng ít.
Ông Lokky Wai, Trưởng đại diện văn phòng WHO tại Việt Nam cho biết, các nước đang phát triển phải gánh chịu 40% tổn thất kinh tế toàn cầu do sử dụng thuốc lá. Tổn thất do thuốc lá gây ra ở Việt Nam chiếm 1% GDP mỗi năm. Kết quả trong phòng chống tác hại thuốc lá của Việt Nam có thể được cải thiện hơn nhiều bằng cách tăng thuế thuốc lá vì đây là biện pháp kiểm soát thuốc lá hiệu quả nhất.