CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:10

Suy thận vì tự ý điều trị thuốc lá chữa bệnh vẩy nến

 

Không nên tự ý điều trị bệnh vẩy nến

Bệnh nhân Vũ Chí Công (Bạch Mai, Hà Nội) mắc bệnh 16 năm. Ban đầu, bệnh nhân chọn cách điều trị bằng dùng thuốc lá cây của một thầy lang. Sau đó, anh bị bội nhiễm, toàn thân chảy mủ phải cấp cứu tại BV Da liễu T.Ư. Sau một tháng điều trị, da toàn thân bong như “bóng bì”. Chưa hết, bản thân anh cũng bị suy thận phải chạy thận ba lần/tuần. Đây là một trường hợp khá nặng tự ý điều trị bằng thuốc lá không rõ nguồn gốc dẫn tới hậu quả đáng tiếc chỉ vì căn bệnh vẩy nến.

Một số bệnh nhân khác, đang sinh hoạt trong Hội Vẩy nến Việt Nam cho biết, khi bị stress nặng, sử dụng phương pháp điều trị không đúng, bệnh tình sẽ càng nặng hơn. Có thời gian, khi nằm viện, bệnh nhân khác nhất quyết không chịu nằm cùng phòng vì kỳ thị bệnh vẩy nến sẽ lây.

 

 

Anh Trần Hồng Trường, Chủ tịch Hội Vẩy nến Việt Nam cho biết, Việt Nam là 11 trong 55 quốc gia thành lập hội vẩy nến. Những người mắc bệnh vẩy nến luôn tự khép mình và có nhiều trường hợp vợ chồng ly dị vì người còn lại mắc bệnh vẩy nến. Anh Trường cũng khuyến cáo, nhiều trường hợp điều trị bằng thuốc nam và thuốc lá mà tiền mất, tật mang, khi quay lại viện điều trị còn tốn kém hơn.

Thực chất, bệnh vẩy nến là một bệnh mãn tính, không lây, đau đớn, gây biến dạng và làm mất khả năng và hiện chưa có cách chưa khỏi. Khi mắc bệnh, bệnh nhân ngoài đau đớn, ngứa, chảy máu, bệnh nhân còn bị kỳ thị và phân biệt đối xử ở ngoài xã hội và nơi làm việc. Chưa kể, những người bị bệnh đang bị tăng rủi ro mắc các bệnh khác như các bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì, nhồi máu cơ tim, viêm loét đại tràng, hội chứng chuyển hóa, đột quỵ và bệnh gan.

Nhiều báo cáo cũng nhấn mạnh có tới 42% người mắc bệnh vẩy nến cũng mắc bệnh viêm khớp vẩy nến, gây đau đớn, xơ cứng, xưng tại các khớp và có thể dẫn tới biến dạng và mất chức năng vĩnh viễn.

BS Doanh phân tích, nguyên nhân gây ra căn bệnh chưa rõ, nhưng có yếu tố liên quan đến gen và môi trường. Có trường hợp, là hai anh em ruột trong nhà, nhưng người em bị mắc năm 20 tuổi, còn người anh đến năm 60 tuổi bệnh mới phát.

Bệnh này khó kiểm soát, dễ bị tái phát nhiều lần nên người bệnh không kiên trì khi chữa bệnh. Ông Lê Hữu Doanh cho rằng, do đây là bệnh mạn tính kéo dài, chính vì vậy người bệnh cần hơn một lần điều trị từ một bác sĩ, và nên theo một bác sĩ trong suốt hành trình dài điều trị. Nhờ quản lý tốt người bệnh, việc điều trị sẽ hiệu quả hơn.

Hiện nay, BV Da liễu T.Ư đã mở các phòng khám chuyên về bệnh vẩy nến. Người bệnh đến đó được tư vấn, được khám và được điều trị theo một lộ trình và bệnh án có thể theo dõi đều đặn.

Vẩy nến có thể chữa khỏi hay không?

Mặc dù chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn bệnh này, nhưng có những biện pháp kiểm soát rất tốt để bệnh nhân có thể hòa nhập với cuộc sống.

Theo PGS, TS Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc BV Da liễu T.Ư, BV quản lý hơn 2.000 hồ sơ bệnh nhân vẩy nến. Phòng khám bệnh vẩy nến mỗi ngày khám cho khoảng 60 bệnh nhân và phòng chiếu sáng mỗi ngày chiếu cho 50 bệnh nhân.

Liệu trình để điều trị bệnh vẩy nến vô cùng phức tạp. Nếu nhẹ chỉ bôi thuốc, nặng hơn thì sẽ dùng thêm thuốc uống, ở cấp độ ba là phải điều trị bằng ánh sáng. Bước bốn có thể được coi là hữu hiệu nhất hiện nay lại vô cùng tốn kém, chừng 15 triệu/mũi tiêm và người bị bệnh sẽ phải sử dụng ít nhất 5-6 mũi tiêm/năm. Tuy nhiên, phương pháp này rất tốn kém nên không phải bệnh nhân nào cũng có thể theo được.

Bác sĩ Hoàng Văn Tâm, Trưởng nhóm Quản lý bệnh vẩy nến tại BV Da liễu T.Ư cho biết, hiện nay, phương pháp điều trị bệnh da bằng UVB dải hẹp toàn thân đang được coi là phương pháp ổn định bệnh lâu dài. Tại BV Da liễu T.Ư, phương pháp này sử dụng tia tử ngoại UBV trong điều trị vẩy nến, bạch biến. Có khoảng 50% bệnh nhân vẫn ổn định bệnh sau sáu tháng điều trị theo phương pháp này. Phương pháp này được đánh giá là hiệu quả chữa vẩy nến tới 80%, nhưng bệnh nhân chỉ được chiếu tối đa hai liệu trình/năm. 20% bệnh nhân đáp ứng kém hoặc đáp ứng một phần sẽ được chuyển sang điều trị bằng phương pháp khác.

Có trên 50% số bệnh nhân ngừng chiếu sau 6 tháng bệnh ổn định, được coi là dài hơn so với các phương pháp khác. Khoảng 10 – 20% số bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đỏ, bỏng rát khi chiếu nhưng được xử lý kịp thời.

“Có một số tác dụng phụ khác khi điều trị bằng chiếu sáng UBV dải hẹp như bệnh nhân đen hơn bình thường khiến nhiều người từ chối điều trị. Tuy nhiên triệu chứng này sẽ hết sau khi ngừng điều trị khoảng một tháng, màu da trở về như trước” – bác sĩ Tâm cho biết.

Trước những lo ngại phương pháp này sẽ gây ung thư da, bác sĩ Tâm khẳng định, sử dụng phương pháp này dưới 300 lần chiếu không làm tăng tỷ lệ ung thư da. Các bác sĩ kiểm soát chặt số lần chiếu, thời gian chiếu để không làm tăng nguy cơ ung thư da.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh