THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:05

Tăng phí bảo vệ môi trường, giá nước sinh hoạt sẽ tăng?

 

Từ 1/1/2017 sẽ tăng phí bảo vệ môi trường

Nghị định 154/2016 về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải có hiệu lực từ ngày 1/12017 thay thế Nghị định 25/2013/NĐ-CP.  Nếu như Nghị định 25/2013, mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên giá bán 1 m3 nước sạch nhưng tối đa không quá 10% giá bán nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Còn theo Nghị định 154/2016, mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt vẫn là 10% trên giá bán của 1m3 nước sạch chưa gồm thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết áp dụng mức thu cao hơn thì HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định mức cụ thể phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Như vậy, có khả năng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt ở các địa phương sẽ cao hơn mức 10% nói trên nếu chính quyền các địa phương xét thấy cần tăng và được hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố thông qua. Hiện các đô thị lớn và một số vùng nông thôn đã thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải ở mức 10%. Nhưng nhiều vùng nông thôn vẫn chưa thực hiện và sẽ bắt đầu thu từ 1/1/2017, kể cả với những tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tự khai thác nước để sử dụng, trừ những đối tượng được miễn trừ.

80% nước thải thành phố là nước thải sinh hoạt

 

Nước thải sinh hoạt theo Nghị định 154 là nước thải từ các hộ gia đình; cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân (trừ các cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến thuộc các đơn vị vũ trang nhân dân); trụ sở điều hành, chi nhánh, văn phòng của các tổ chức, cá nhân không gắn liền với địa điểm sản xuất, chế biến; cơ sở rửa ô tô, rửa xe máy, sửa chữa ô tô, sửa chữa xe máy; bệnh viện; phòng khám chữa bệnh; nhà hàng, khách sạn; cơ sở đào tạo, nghiên cứu; cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác.

Không còn quy định chung chung như lâu nay, Nghị định 154 cũng nói rõ: Tổng số tiền thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt sẽ được để lại 10% cho đơn vị cung cấp nước sạch, 25% cho UBND cấp xã, phường, thị trấn trang trải cho hoạt động thu phí, phần còn lại được nộp vào ngân sách địa phương cho công tác bảo vệ môi trường; bổ sung vốn cho hoạt động của quỹ bảo vệ môi trường địa phương; tổ chức các giải pháp, phương án công nghệ, kỹ thuật xử lý nước thải.

Ưu tiên lựa chọn thiết bị tiết kiệm nước

Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, nước thải sinh hoạt chiếm khoảng 80% tổng số nước thải ở các thành phố, là nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm nước. Vấn đề này có xu hướng ngày càng xấu đi. Cả nước có 35 triệu người sống tại các đô thị, chiếm 38% dân số cả nước, nhưng chỉ 2,5 triệu người được kết nối với hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung. Tốc độ tăng nhanh dân cư đô thị tạo áp lực lớn cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, trong đó có lĩnh vực thoát nước và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, trên 60% dân số sống tại vùng nông thôn cơ sở hạ tầng còn lạc hậu. Phần lớn các chất thải của con người và gia súc không được xử lý nên thấm xuống đất hoặc bị rửa trôi, khiến tình trạng ô nhiễm nguồn nước về mặt hữu cơ và vi sinh vật ngày càng cao. Đáng lưu ý, việc lạm dụng các chất bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp, khiến cho các nguồn nước ở sông, hồ, kênh, mương bị ô nhiễm và ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và sức khỏe.

TS. Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết, với nước thải sinh hoạt, tính phí ở mức 10% được cho là không đủ để xử lý nước thải. Hiện việc xử lý nước thải đang do ngân sách Nhà nước gánh hoàn toàn. Việc thu phí sẽ giúp giảm chi từ ngân sách và bù đắp một phần chi phí cho hoạt động thoát nước, xử lý nước thải. Đồng thời, nâng cao ý thức của dân về việc sử dụng hợp lý nước sạch.

Các chuyên gia cho rằng, phí nước thải sẽ còn tăng trong tương lai, với nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền xử lý ô nhiễm. Nguồn thu từ dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải trong tương lai phải đáp ứng từng bước và tiến tới bù đắp đủ chi phí dịch vụ thoát nước. Theo tính toán, thu phí nước thải sinh hoạt phải được tính bằng 100% đối với các hộ sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung, hoặc 80% đối với các hộ không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung, mới đảm bảo kinh phí cho xử lý.

Nhiều người dân lo ngại, việc tăng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt, tính trong giá nước sạch sử dụng hàng ngày sẽ đẩy giá nước tăng lên. Để giảm chi phí, người dân chỉ còn cách tiết kiệm tối đa lượng nước sử dụng hàng ngày. Đồng thời, ưu tiên lựa chọn những thiết bị có tính năng tiết kiệm nước.

ĐỨC THỌ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh