CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:26

Bắc Giang: Dân kêu cứu vì “khát” nước sinh hoạt

 

Ngôi làng giếng khoan

Đến thôn My Điền, PV được chứng kiến từng búi đường ống dẫn nước mắc chằng chịt trên cây cột điện. Trong khi thông thường các đường ống dẫn nước được đào chôn dưới lòng đất. Nếu nhìn thoáng qua ai không biết sẽ nghĩ dây điện ở đây nhiều và to đến như vậy. Nhiều dây dẫn nước là thế nhưng có tới 70% hộ dân cả 3 thôn My Điền 1 – My Điền 2 – My Điền 3 vẫn đang trong tình trạng thiếu nước dùng, phải dùng cả nước không đảm bảo vệ sinh để sử dụng.

Theo quan sát của PV, con đường dân sinh nối liền 3 thôn My Điền chỉ dài hơn 3km nhưng có tới vài trăm cái giếng khoan. Có chỗ chỉ 15m đã có tới 30  đến 40 giếng tập trung. Các điểm khoan được bít lấp bằng lớp bê tông sơ sài. Có nơi vì khoan không có nước, miệng khoan còn để dở dang chưa kịp lấp.

                                  Từng búi ống dẫn nước được mắc chằng chịt cùng với dây điện.

Ông Thân Văn Kha (70 tuổi, xóm 2, thôn My Điền 1) cho biết: “ Trước đây khi chưa có khu công nghiệp thì dân ở đây không rơi vào tình trạng thiếu nước. Nhưng từ khi khu công nghiệp được mở, công nhân đến đây thuê trọ nhiều, nhu cầu sử dụng nước tăng cao. Vì thế mới xảy ra tình trạng thiếu nước dùng. Đặc biệt là 2 năm trở lại đây. Nhiều nhà phải khoan thêm giếng và tăng độ sâu. Hiện tại nhà tôi đã phải khoan đến cái giếng thứ 5, nhưng vẫn không đủ dùng. Chưa kể nhà nào cho thuê trọ nhiều có khi lên đến 7 - 8 cái và có lẽ số lượng không dừng lại ở đó. Nhiều nhà phải khoan cách xa nhà hàng trăm mét. Dưới lòng đất không còn chỗ chôn ống nữa, người ta phải treo lên cột điện để dẫn nước về nhà.”

Ông Phùng Văn Hội ( 72 tuổi, xóm 2 thôn My Điền 1) cho hay: “ Cứ thấy chỗ nào có nước là các hộ tranh nhau đến khoan giếng. Bất kể xa hay gần. Gia đình tôi hiện cũng đang phải dẫn dây cách nhà hơn 400m để lấy nước về dùng nhưng chỉ được vài tháng lại hết. Nước kiệt và thiếu đến mức người ta phải bon chen với nhau, bít bê tông để không ai khoan mất điểm nước họ tìm được. Đường làng, đường đê bị cày xới để tìm giếng khoan hết cả rồi nhưng vẫn không đủ dùng.”

                  Đường ống dẫn nước được nối sơ sài, nằm lẫn dưới cống rãnh nước thải.

Cơ cực vì thiếu nước

Ông Phùng Minh Toản, thôn trưởng thôn My Điền 1 cho biết:  Năm 2003 và 2008 thôn My Điền đã bàn giao 82% diện tích đất nông nghiệp cho khu công nghiệp Đình Trám và khu công nghiệp Vân Trung. Với tổng số 4000 nhân khẩu và hơn 9000 công nhân thuê trọ. Nguồn thu nhập duy nhất của bà con nơi đây là kinh doanh và dịch vụ nhà trọ. Nhiều hộ gia đình tiếp tục vay vốn ngân hàng, có hộ vay tới 500 đến 700 triệu để xây phòng trọ. Nhưng hiện nay nhiều nhà có phòng trọ mà không có công nhân ở vì hết nước sinh hoạt.

Ông Thân Văn Kha cho biết, nguồn nước không chỉ khan hiếm mà còn ô nhiễm nghiêm trọng. Các hộ gia đình trong thôn phải lọc nước bằng cách làm thủ công cho nước chảy qua 4 lớp: Lớp chăn bông, cát và sỏi, than hoạt tính và than củi. Nhà nào có điều kiện thì mua hệ thống máy lọc với giá từ 4 triệu đồng trở lên. Thế nhưng nước sau khi đã lọc chỉ để khoảng 15 phút đã đóng cặn vàng cháy. Mọi người chỉ lấy nguồn nước đó để tắm giặt còn nước ăn vẫn phải mua bình nước lọc về sử dụng. Trung bình mỗi ngày gia đình ông 4 người dùng hết 2 bình nước lọc mỗi bình có giá 12 nghìn đồng.

                                             Hệ thống lọc nước thủ công sơ sài.

 “Hàng tháng các gia đình phải thay toàn bộ bể lọc một lần, mỗi lần mua cát, mua than chi phí tốn gần 2 triệu đồng. Nếu sử dụng bình lọc, mỗi tháng phải thay quả lọc. Chưa kể tiền thay sửa máy bơm, tiền thuê thợ đến sửa khoan, thăm dò giếng nước. Bởi máy bơm nhiều mà không có nước thì cháy. Giêng khoan chỉ dùng được một thời gian đã kiệt. Trước kia chỉ khoan 30m đã có nước, bây giờ phải khoan 80, 90m may ra mới có nước. Nhiều khi đang đêm khuya mất nước, phải gọi điện cho thợ đến sửa. Có khi người ta ngại khuya muộn không đến, cả nhà đành chịu mất nước. Phải mang xô chậu ra giếng khơi đã bỏ hoang trên đồi mang nước về dùng tạm,” ông Kha cho biết thêm.

Bà Thân Thị Đấu (70 tuổi, thôn My Điền 1) chia sẻ, hàng ngày công việc của bà chỉ là ngồi ở nhà trực bơm máy nước cho cả gia đình và dãy trọ. Trước đây chỉ cần bơm 1 đến 2 tiếng là đã đẩy bể chứa 1000m3. Bây giờ có khi phải trực đến nửa ngày vẫn không đầy một bể. Vì nước kiệt, dòng chảy yếu nên để đưa được nước lên bể mỗi gia đình ít nhất phải mất 3 cái máy công suất lớn. Nhà nào kéo nước ở xa thì còn mất nhiều máy bơm hơn nữa. Để tránh bị trộm mất máy bơm, người ta phải gửi máy nhờ và chịu mất thêm một khoản 300 ngàn/ tháng tiền trông máy.

Nguồn nước ngầm trong thôn gần như cạn kiệt. Không còn cách nào khác, người dân thôn My Điền đành phải khoan giếng ở khu vực hồ gần chợ ngay cổng làng. Cực chẳng đã, hồ này lại là nơi chứa mọi nguồn nước thải sinh hoạt tại địa phương dồn đến, rác thải ngập tràn lan, tù đọng, không còn cá tôm sinh sống. Có chỗ miệng giếng khoan chỉ cách mặt hồ 1m. Xung quanh miệng giếng là cống rãnh và xú uế, rác thải. Ai đến đây cũng dễ dàng nhìn thấy một bên là ống xả thải một bên là máy khoan nước cùng lúc thải và hút.

                                 Miệng giếng khoan cách hồ xả nước thải chưa đầy 1m.

Nhận thức được nguồn nước ô nhiễm nhưng vì không còn nước dùng, người dân nơi đây vẫn đang ngày đêm “cắn răng”  sử dụng đã nhiều năm nay. Rất có thể là nguy cơ tiềm ẩn các bệnh về đường tiêu hoá, bệnh ngoài da, thậm chí là ung thư. 

Trước tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, người dân 3 thôn My Điền khẩn thiết kiến nghị các cơ quan chức năng vào cuộc nhanh chóng giải quyết phương án cấp nước. “ Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng có liên quan nhanh chóng giải quyết cho chúng tôi. Tình trạng này cứ kéo dài mãi chỉ 2 – 3 tháng nữa chúng tôi không còn nước để sinh sống nữa”, ông Phùng Văn Hội bức xúc nói.

Không có nguồn nước ngầm vẫn xây trạm cấp nước?

Được biết năm 2009, UBND xã Hoàng Ninh được UBND tỉnh Bắc Giang đầu tư xây dựng 3 trạm nước sạch cho 3 thôn Hoàng Mai, My Điền, Phúc Lâm. Tổng dự toán của 3 trạm nước sạch là 13 tỷ đồng. Sử dụng nguồn vốn của chương trình quốc gia và nguồn vốn của tỉnh. Trong đó tỉnh uỷ Bắc Giang yêu cầu địa phương xã Hoàng Ninh đối ứng 10% vốn. Dự án được giao cho trung tâm nước sạch thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông thực hiện, gồm 3 gói thầu của 3 trạm.Tuy nhiên đến năm 2013, khi công trình chưa được hoàn thành, nhà thầu đã dừng lại không triển khai xây dựng tiếp với lý do các vị trí khoan giếng không có nước, vị trí đường ống cấp nước của trạm không giải phóng được mặt bằng, không xây dựng được đường điện để cấp điện cho trạm. Vì vậy cả 3 trạm trên đều không hoạt động. 

                                              Trạm cấp nước tại thôn My Điền bị bỏ hoang.

Tháng 4/2014, UBND tỉnh Bắc Giang đã bàn giao cho các sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định đánh giá kết quả xây dựng và giao cho Tập đoàn Hùng Thành tiếp quản. Nhưng đến nay, mới chỉ có duy nhất 1 trạm thuộc thôn Hoàng Mai đi vào hoạt động. Còn lại 2 trạm My Điền và Phúc Lâm vẫn giữ nguyên hiện trạng như khi nhận bàn giao. Theo quan sát của PV, trạm cấp nước đóng tại thôn My Điền khoá trái cửa, cỏ mọc um tùm, nhiều bộ phận của công trình đã bị gỉ sét, hư hỏng.

                                                                    Nhiều bộ phận đã bị gỉ sét.

Giữa khi trạm cấp nước bị bỏ hoang, nhà thầu Hùng Thành chưa có kế hoạch đầu tư tiếp dự án, tình trạng thiếu nước kéo dài khiến người dân vô cùng ngao ngán. Theo ông Phùng Minh Toản, thôn trưởng My Điền 1, “chúng tôi từng đệ đơn kiến nghị lên cơ quan chức năng yêu cầu giải quyết nhiều lần nhưng vẫn không có kết quả. Bà con cũng đã nhiều lần kiến nghị trung chuyển nước từ nơi khác về, tốn kém bao nhiêu họ cũng chịu nhưng chưa thấy triển khai.”

Ông Thân Mạnh Đăng, Trưởng ban Kinh tế - Xã hội, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Ninh cũng thừa nhận: “Tình trạng thiếu nước sạch của Thôn My Điền đã trở lên rất khó khăn. Vấn đề này của thôn My Điền cũng đã được đưa ra trong các cuộc họp dân, họp Đảng ủy. Phía UBND xã đã có văn bản kiến nghị lên UBND huyện, UBND tỉnh đề nghị cấp trên chỉ đạo Công ty cổ phần cấp nước và môi trường đô thị 206 - là nhà đầu tư đã được UBND cho phép thi công cấp nước cho các xã Ninh Sơn, Quang Minh, thị trấn Nếnh - hỗ trợ cấp nước cho thôn My Điền. Nhưng cũng không biết bao giờ mới thực hiện được kế hoạch này.”

Ông Đăng cũng khẳng định: “Trạm cấp nước tại thôn My Điền được xác định là không có nguồn nước ngầm nên có thể sẽ không đi vào hoạt động nữa. Lãnh đạo UBND xã cũng đang xin cấp thêm đất để mở rộng diện tích tìm tòi nguồn nước ngầm.” Tuy nhiên, khi được hỏi đến nguyên do tại sao khi quyết định xây dựng trạm cấp nước tại thôn My Điền, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã tổ chức thăm dò trắc địa xác định không đủ nguồn nước, nhưng vẫn cho xây dựng để rồi “đắp chiếu” bỏ hoang một công trình tiền tỷ gây tổn thất tiền của nhà nước? Ông Đăng lắc đầu trả lời không biết đến điều này.

Rõ ràng, quá trình thực thi dự án trạm cấp nước tại thôn My Điền có biểu hiện chưa có sự phối hợp chặt chẽ, sát sao giữa các bên. Lỗ hổng trong quá trình triển khai dự án nước sạch đã buộc người dân 3 thôn My Điền chịu “khát” nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được giải quyết. Biết đến bao giờ người dân và hàng ngàn công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp mới có đủ nước sạch, đảm bảo vệ sinh để sử dụng? Thiết nghĩ nếu các cơ quan chức năng không giải quyết kịp thời việc cấp nước sạch cho người dân thì nỗi lo "khát nước" sẽ càng trở nên cấp bách. Bên cạnh đó, những hệ luỵ từ việc khoan giếng thiếu quy hoạch là không hề nhỏ. 

Thanh Mai - Lê Nga - Phạm Sỹ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh