CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:07

Tăng năng suất lao động- “Chìa khóa” để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Lao động giá rẻ không còn là lợi thế

Tại Hội thảo, các nghiên cứu được công bố chỉ rõ, năng suất lao động của Việt Nam hiện nay ở mức thấp nhất so với các nước trong khu vực, chỉ bằng 7,2% năng suất lao động Singapore, 18,4% Malaysia, 36,2% Thái Lan, 43% Indonesia và bằng 55% Philippines. Mức chênh lệch cho thấy những thách thức của nền kinh tế trong việc tăng năng suất lao động, từ đó tăng năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, ĐHQG Hà nội cho rằng, dù đo lường theo những cách thức khác nhau và ở các ngành khác nhau thì đều thấy năng suất lao động Việt Nam ở mức thấp nhất trong khu vực ASEAN và còn cách rất xa các nước phát triển. Điều này bắt nguồn từ  môi trường làm việc, điều kiện làm việc, mật độ sử dụng công nghệ và nguồn vốn của Việt Nam còn thấp, tay nghề, kỹ năng của người lao động còn còn nhiều hạn chế.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành, hiện nay thị trường Việt Nam còn một lượng rất lớn lao động giá rẻ không có kỹ năng. Nhóm đối tượng này nằm mắc kẹt ở khu vực nông thôn, những địa bàn nông nghiệp, nhưng lại không thể chuyển dịch sang các ngành có năng suất cao hơn. Nguyên nhân do ở các khu vực kinh tế có năng suất cao hơn như công nghiệp cũng không có sự cải thiện rõ rệt trong những năm qua. Hàng Việt Nam không có sự cạnh tranh lớn, khó mở rộng thị trường, do đó không thể tạo ra việc làm cho người lao động.

Theo TS Nguyễn Đức Thành, trong khoảng 10 năm trở lại đây, việc chuyển từ các khu vực có năng suất thấp sang khu vực kinh tế có năng suất cao đang chững lại. Một trong những nguyên nhân là quá trình đô thị hóa, cũng như khả năng đáp ứng của người lao động để chuyển dịch từ nông thôn ra thành thị còn hạn chế. “Bản thân các ngành hấp thụ lao động không được mở rộng, chúng ta không có thị trường thì sẽ không mở rộng sản xuất được ở các ngành đó. Do đó, tôi cho rằng khâu phát triển thị trường là quan trọng nhất để hấp thụ những lao động có sẵn, dư thừa hiện nay”, ông Thành nhấn mạnh. 

Bên cạnh đó, ông Thành cũng cho rằng, nếu muốn cải cách năng suất lao động của nền kinh tế, thì nên tập trung vào khu vực kinh tế tư nhân. Giải pháp quy nhất trên diện rộng là cần tạo ra môi trường kinh doanh để họ có thể sản xuất với mức chi phí thấp nhất, hạn chế các rào cản, từ đó cải thiện khả năng tổ chức, sản xuất, tăng năng suất lao động hiệu quả.

Còn ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam (VNPI) cho rằng, tăng năng suất lao động cần đến từ tư duy của lãnh đạo doanh nghiệp, tư duy của lãnh đạo các cấp và của chính người lao động. Trong đó, việc thay đổi môi trường, thể chế là điều quan trọng để tạo ra môi trường cạnh tranh, từ đó tăng năng suất lao động. Muốn tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế, Việt Nam cần thay đổi suy nghĩ coi lao động giá rẻ là một lợi thế bởi nếu lao động giá rẻ, thì đương nhiên thu nhập của người lao động thấp. Bên cạnh đó, Việt Nam nên đi vào các lĩnh vực có giá trị cao hơn thay vì gia công sản phẩm cho các nước như hiện nay, đồng thời cải cách thể chế, tạo ra môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

 

Để tăng năng suất lao động, cần nâng cao kỹ năng, tay nghề cho người lao động


Chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu

Trước đó một ngày, tại hội thảo về “Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045” ngày 20/3 do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước các cơ hội và thách thức lớn của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Kinh tế Việt Nam cũng trong quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, thông qua việc ký kết một loạt Hiệp định thương mại tự do mới, đã và đang lan tỏa đến từng ngóc ngách thuộc tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội.

Theo Phó Thủ tướng, để thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, thì giai đoạn 2021 -2030 tầm nhìn đến 2045 cần chú trọng chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Tăng trưởng kinh tế lấy hiệu quả thước đo là năng suất lao động chất lượng và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, dựa vào gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào của sản xuất, sang nâng cao năng suất chất lượng lao động và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình đổi mới sáng tạo.

Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - ông Ousmane Dione, cho rằng hành trình để Việt Nam trở thành nền kinh tế có thu nhập cao bây giờ mới bắt đầu. Những thành tựu mà Việt Nam đạt được từ hơn 30 năm qua không đảm bảo sẽ thành công trong tương lai. Chính vì vậy, Việt Nam cần thay đổi và đổi mới mô hình tăng trưởng để trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động như hiện nay, Việt Nam cần một nền kinh tế hoạt động ổn định và hiệu quả trong 25 năm tới mới có thể đạt được mục tiêu.

“Để thành công trong tương lai, tôi cho rằng Việt Nam cần chuyển sang tăng trưởng dựa vào tăng năng suất, đây chính là thách thức mà Việt Nam cần phải giải quyết, trong đó cần phân bổ nguồn lực hiệu quả, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như đổi mới sáng tạo. Cần có một quá trình đổi mới hiệu quả với lộ trình phù hợp trong mỗi giai đoạn phát triển khác nhau. Bên cạnh đó, điều quan trọng là môi trường kinh doanh thuận lợi giúp các doanh nghiệp có điều kiện tối ưu để đổi mới sáng tạo” - ông Ousmane Dione nói.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh