Tăng học phí đại học: Áp lực lên người học
- Giáo dục nghề nghiệp
- 17:00 - 11/08/2022
Đồng loạt tăng học phí
Thực tế, việc tăng học phí là theo lộ trình của các trường ĐH tự chủ và được áp dụng khung học phí mới theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ. Tính đến thời điểm hiện tại, gần 30 cơ sở giáo dục ĐH đã thông báo học phí năm học 2022 - 2023.
Trong đề án tuyển sinh năm 2022, học phí của nhiều trường ĐH tăng từ 30 - 70%. Học phí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền tăng lần lượt gần 60% và hơn 70% so với năm 2021. Trừ các ngành đào tạo giảng viên lý luận chính trị được miễn, học phí hệ đại trà dự kiến 440.000 đồng/tín chỉ, hệ chất lượng cao 1,32 triệu đồng/tín chỉ. Với 143 tín chỉ trong 4 năm học, trung bình mỗi sinh viên phải nộp 15,75 - 47 triệu đồng/năm.
Trường ĐH Luật Hà Nội, chương trình đào tạo đại trà, học phí là 2 triệu đồng/tháng, tăng 2,04 lần so với năm học 2021.
PGS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay: Năm học 2022 - 2023, học phí tăng theo mức tín chỉ, thấp nhất là 350.000 đồng/tín chỉ, cao nhất là 1 triệu đồng/tín chỉ.
Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến tăng học phí với sinh viên hệ chính quy lên mức 4,2 triệu đồng/tháng. So với năm học trước, học phí cao hơn 7 triệu đồng.
ĐH Cần Thơ cũng sẽ tăng học phí tùy ngành đào tạo, một năm sẽ từ 13,2 - 19,5 triệu đồng.
Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, học phí được điều chỉnh ở mức 31,25 triệu đồng/năm, tăng 10,75 triệu đồng so với năm học trước…
Mặc dù có kết quả khá tốt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Minh Nhật (Sóc Sơn, Hà Nội) vẫn băn khoăn khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Nguyện vọng học trường ĐH Luật Hà Nội có lẽ không thành hiện thực khi nhắc đến tài chính của gia đình.
Minh Nhật chia sẻ: “Tìm hiểu được biết, với chương trình đại trà học phí là 2 triệu đồng/tháng, tương đương 572.000 đồng/tín chỉ. Với chương trình chất lượng cao là 50 triệu đồng/năm học, tương đương 1.605.000 đồng/tín chỉ. Mức học phí này vượt quá khả năng của gia đình em. Do vậy em đang cân nhắc lựa chọn ngành nghề ở trường có học phí phù hợp”.
Ngọc Thảo (Phú Thọ) lo lắng về việc chọn ngành học ngay từ khi chưa thi tốt nghiệp THPT. Bố mẹ là công nhân, tổng thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. Nên dùmơ ước được ngồi giảng đường ĐH Bách khoa Hà Nội nhưng Thảo đành bỏ qua khi tìm hiểu vì mức học phí cao.
Một sinh viên năm ba trường ĐH Y Hà Nội cho biết, không chỉ áp lực học phí, mà chi phí ăn ở, sinh hoạt cũng khiến sinh viên khốn khó. Theo tính toán của sinh viên này, tiền giáo trình, dụng cụ học tập khoảng 4 - 5 triệu đồng/năm, chi phí sinh hoạt 5 triệu đồng/tháng… cùng nhiều khoản phát sinh, trung bình mỗi tháng gia đình phải chu cấp khoảng 10 triệu đồng.
“6 năm học y, với mức học phí như vậy cũng khá áp lực, nhất là với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Tăng học phí là tăng gánh nặng cho gia đình và sinh viên”, sinh viên này nói.
Đẩy mạnh hơn nữa chính sách tín dụng cho sinh viên
ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh vừa khảo sát về tác động của Covid-19 với 39.000 sinh viên. Trong đó, hơn 52% đề nghị có chính sách hỗ trợ sinh viên gặp khó khăn; 71,7% sinh viên trường ĐH Quốc tế lo lắng về khả năng đóng học phí; con số này tại trường Khoa học Tự nhiên là 57,6%.
PGS, TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đánh giá cao những kết quả của quá trình tự chủ ĐH. Ông cho rằng, đây là chủ trương đúng và phù hợp với xu thế thế giới. Tuy nhiên, quá trình tự chủ ĐH làm không khéo sẽ đánh mất cơ hội cho nhiều người học khi học phí bị đẩy lên quá cao.
Ngoài nguồn thu chính là học phí, các cơ sở giáo dục ĐH cần phải đa dạng hóa nguồn thu. Nhà nước cần phải đẩy mạnh hơn nữa chính sách tín dụng cho sinh viên với hạn mức lớn hơn để đảm bảo người học có đủ khả năng chi trả học phí.
TS Nguyễn Ninh Thụy, Trưởng Ban Kế hoạch Tài chính ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho biết, mặc dù các quy định về chính sách tín dụng cho sinh viên đã được sửa đổi, nhưng nhìn chung vẫn mang tính bảo trợ xã hội, hỗ trợ cho các trường hợp khó khăn tài chính hơn là chính sách tài chính cho giáo dục ĐH, với nhiều điểm chưa hợp lý như: Đối tượng được vay khá hạn chế, mức cho vay thấp, thời hạn vay ngắn, thủ tục và phương thức phức tạp, lãi suất cao.
Chuyên gia giáo dục, PGS, TS Nguyễn Thiện Tống nhấn mạnh, phụ trách một quỹ học bổng, tôi để ý những năm gần đây, nhiều sinh viên nghèo không vào được trường y. Người giỏi mà không vào được ĐH mình mơ ước thì không chỉ thiệt thòi cho họ mà về lâu dài còn thiệt thòi cho cả xã hội...