Tăng cường trợ giúp người bán dâm tiếp cận, sử dụng các dịch vụ xã hội
- Pháp luật
- 22:46 - 27/04/2017
Theo số liệu thống kê, hiện cả nước có hơn 11,2 nghìn người bán dâm có hồ sơ quản lý, trong đó tập trung nhiều ở một số khu vực như: Đồng bằng sông Hồng là hơn 3,6 nghìn người, Đông Bắc là 913 người, Bắc Trung bộ 887 người, Đông Nam Bộ là 3,2 nghìn người, Đồng bằng sông Cửu Long là trên 1,3 nghìn người, các khu vực khác là gần 1,2 nghìn người. Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn cao hơn do đây là hoạt động khó kiểm soát bởi tính phức tạp, tinh vi, trá hình.
Tổng số các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm trên toàn quốc là trên 161 nghìn cơ sở (tăng 88 nghìn cơ sở so với giai đoạn 2006-2010), số nhân viên nữ dưới 35 tuổi là 69 nghìn người (tăng 22 nghìn người); phát hiện trên 2,5 nghìn cơ sở và 6 nghìn nữ nhân viên nghi hoạt động mại dâm (tăng 327 cơ sở và trên 2,4 nghìn nữ nhân viên).
Từ năm 2011, có 356 nghìn lượt người bán dâm được hỗ trợ, trong đó 335 nghìn lượt người bán dâm được hỗ trợ về y tế, chăm sóc sức khỏe, cung cấp các dịch vụ về phòng, chống lây nhiễm HIV; 4,6 nghìn lượt người được tư vấn, trợ giúp pháp lý; 5,7 nghìn lượt người được hỗ trợ giáo dục, dạy nghề; 10,5 nghìn lượt người được tạo việc làm, vay vốn sản xuất kinh doanh với số tiền 7,6 tỷ đồng và có đến 5,5 nghìn đối tượng đã từng hoạt động mại dâm tham gia các CLB đồng đẳng, nhóm tự lực.
Để hỗ trợ cho các CLB đồng đẳng, nhóm tự lực, đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã được thành lập tại 38 tỉnh, thành phố, gồm trên 2,7 nghìn đội với hơn 18 nghìn tình nguyện viên đã tích cực tham gia vào công tác phòng, chống tệ nạn xã hội tại địa bàn.
Tăng cường trợ giúp xã hội cho người bán dâm (ảnh Chu Lương)
Dự án phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ người cai nghiện ma túy, người bán dâm và nạn nhân bị mua bán trong Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đưa ra những mục tiêu và nội dung hành động nhằm giảm thiểu tác hại của mại dâm đối với đời sống xã hội; đảm bảo quyền bình đẳng của người bán dâm trong việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ xã hội…
Cụ thể, mục tiêu của Dự án đến năm 2017 đạt 75% và năm 2020 đạt 100% số xã, phường, thị trấn tổ chức được ít nhất một hình thức tuyên truyền về phòng, chống mại dâm và được duy trì thường xuyên.
Đến năm 2017 đạt 50% và đến năm 2020 đạt 100% các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch lồng ghép và tổ chức, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm với các chương trình kinh tế-xã hội tại địa phương như Chương trình giảm nghèo, dạy nghề cho lao động nông thôn, chương trình việc làm, phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống tội phạm mua bán người. 50% các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện được các mô hình can thiệp giảm tác hại về HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm.
Đến năm 2020, 20 tỉnh, thành phố xây dựng mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ xã hội cho người bán dâm.
Để làm được điều này, cần tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức về phòng, chống mại dâm thông qua các hoạt động tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng, tập trung ở các khu vực miền núi, các địa phương nghèo, địa phương có nhiều người di cư…
Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện các hoạt động phòng ngừa mại dâm thông qua lồng ghép các chương trình kinh tế-xã hội tại địa bàn cơ sở. Tổ chức rà soát, đánh giá nhóm người có nguy cơ cao và các chương trình an sinh xã hội, các chương trình phát triển kinh tế tại địa phương để hướng mục tiêu của chương trình đến các nhóm đối tượng này…
Tiếp đến, xây dựng, triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại về HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm.
Cuối cùng, xây dựng thử nghiệm 3 mô hình: Mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng, Trung tâm công tác xã hội; Mô hình hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; Mô hình hỗ trợ tăng cường năng lực của nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Cảnh báo bệnh tay chân miệng bùng phát mùa hè: cha mẹ cần biết gì?
Tay chân miệng – cơn ác mộng mùa hè của bé yêu nhà bạn? Đừng chủ quan! Bệnh có thể biến chứng nguy hiểm chỉ trong tích tắc. Cùng tìm hiểu chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng và cách...
3 tháng trước
Tin nên đọc