CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:11

Tăng cường tiếp cận pháp luật và tư pháp lĩnh vực bảo vệ môi trường

Đối tượng tham gia là các tổ chức xã hội được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam, có ít nhất 36 tháng kinh nghiệm tính đến thời điểm nộp sáng kiến và có hoạt động thích hợp được công nhận trong lĩnh vực pháp luật đều có cơ hội nhận tài trợ trong khoảng 50 đến 75 nghìn EURO (tương đương 1,3 đến 2,07 tỉ đồng) để thực hiện các sáng kiến nhằm "Tăng cường tiếp cận pháp luật và tư pháp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cho các nhóm yếu thế, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo ở Việt Nam".

Tăng cường tiếp cận pháp luật và tư pháp lĩnh vực bảo vệ môi trường  - Ảnh 1.

Trẻ em với thông điệp bảo vệ môi trường (ảnh minh họa).

Từ tháng 5 năm 2019 đến nay, Quỹ JIFF đã thực hiện hai đợt tài trợ cho 33 dự án của các tổ chức xã hội trên 6 tỉnh Hòa Bình, Hà Nội, Nghệ An, Quảng Bình, Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Tháp, với tổng số tiền tài trợ hơn 2 triệu EURO. Các sáng kiến này đã góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật cho 40.582 người dân và thực hiện tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý, đại diện bào chữa cho 5.249 trường hợp. Trong đó, trên 60% người hưởng lợi là phụ nữ, trên 40% là người dân tộc thiểu số.

Ông Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc Quốc gia tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho biết: "Theo Cục Trợ giúp pháp lý Bộ Tư pháp, từ năm 2016 đến năm 2020, toàn quốc có 310.081 vụ việc cần trợ giúp pháp lý đã được thống kê. Con số này tăng lên từng năm. Nhiều rào cản về kinh tế, xã hội và văn hóa đang khiến các nhóm yếu thế khó tiếp cận các dịch vụ mà họ được hưởng theo luật. Bên cạnh vai trò và trách nhiệm của nhà nước thì việc huy động được nguồn lực, kinh nghiệm và sự tham gia từ các tổ chức xã hội ngoài nhà nước trong lĩnh vực này nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân là vô cùng quan trọng".

Ngoài ngân sách để triển khai sáng kiến, các tổ chức nhận tài trợ từ Quỹ JIFF còn được tăng cường năng lực triển khai dự án, kết nối với các tổ chức khác, chia sẻ tri thức từ nghiên cứu và hoạt động thực tiễn cùng đóng góp vào mục đích chung. Các mô hình sáng kiến hiệu quả được tổng kết để chia sẻ rộng rãi.

"Các dự án tại 6 tỉnh đang dần tạo ra một hệ sinh thái tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý bền vững cho người yếu thế. Hệ sinh thái này kết nối các tổ chức xã hội, cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp, truyền thông, các trường đại học và cộng đồng dân cư để hỗ trợ những người yếu thế tại địa phương. Như vậy, lợi ích mang đến cho người dân sẽ được lâu dài hơn", ông Tú chia sẻ.

Một ví dụ có thể kể đến là việc thúc đẩy hợp tác giữa Cơ quan Nhà nước, tổ chức ngoài Nhà nước và cộng đồng dân cư thông qua phát triển, vận hành một cơ chế hợp tác nhằm truyền thông, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý về luật Bình đẳng giới, luật Phòng chống bạo lực gia đình, và luật trẻ em, đảm bảo hiệu quả, cho nhóm dân tộc thiểu số tại tỉnh Hòa Bình do Trung tâm Nghiên cứu Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (RIC) thực hiện; Ông Lê Văn Hải – Giám đốc RIC cho biết: "Thông qua sáng kiến hỗ trợ tư pháp do Quỹ JIFF tài trợ, RIC cũng hỗ trợ các nhóm cộng đồng tự quản, giúp nhau nâng cao kiến thức pháp luật, kết nối người dân với cơ quan liên quan và đơn vị trợ giúp pháp lý các cấp".

Một ví dụ khác là việc ứng dụng và chuyển giao nền tảng công nghệ LAMICO – app điện thoại trợ giúp người lao động di cư tại TP Hồ Chí Minh trong tiếp cận dịch vụ giáo dục và y tế được thực hiện bởi Trung tâm Đào tạo phát triển xã hội (SDTC), ĐH Tôn Đức Thắng (tổ chức nhận tài trợ đợt 1) cho Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Công tác xã hội Việt Nam (VAVETSOW) (tổ chức nhận tài trợ đợt 2) để sử dụng trong dự án Đảm bảo tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục cho trẻ em trong các gia đình công nhân di cư khu vực Hà Nội nhằm giúp các tổ chức kết nối với nhau, tiết kiệm chi phí và nguồn lực từ mỗi sáng kiến.

"Sản phẩm LAMICO là sáng kiến hiệu quả sẽ giúp VAVETSOW tiết kiệm thời gian, chi phí và tận dụng được kinh nghiệm của dự án đi trước để thực hiện can thiệp của mình tốt hơn. Chúng ta cần những hợp tác kết nối như vậy để tránh chồng chéo và sử dụng nguồn lực tốt hơn cho hoạt động tiếp cận pháp lý". Ông Vũ Văn Hiệu – Điều phối dự án của SDTC cho biết.

Quỹ Thúc đẩy Sáng kiến Tư pháp (EU JULE JIFF, gọi tắt là Quỹ JIFF) là một trong hai hợp phần của dự án "Tăng cường Pháp luật và Tư pháp tại Việt Nam" (EU JULE) do Liên minh Châu Âu tài trợ, đơn vị chủ quản là Bộ Tư pháp, và do tổ chức Oxfam quản lý, nhằm góp phần tăng cường xây dựng pháp quyền ở Việt Nam thông qua hệ thống tư pháp tin cậy và dễ tiếp cận.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh