Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số
- Giáo dục nghề nghiệp
- 22:25 - 15/11/2020
Theo đó, Đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học người DTTS (giai đoạn 2016-2020) nhằm giúp các em có những kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục tiểu học; tạo tiền đề để các em học tập lĩnh hội tri thức của các bậc học tiếp theo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Trẻ em, học sinh DTTS được hưởng lợi từ Đề án
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biêt, 5 năm qua, Bộ GD&ĐT cùng các địa phương đã tích cực, chủ động chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp thực hiện Đề án có hiệu quả, đạt cơ bản các mục tiêu, nội dung đề ra.
Các địa phương đã rà soát, xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS trong các cơ sở GD mầm non và tiểu học; đảm bảo tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên, đặc biệt đối với những nơi giáo viên dạy lớp ghép nhiều dân tộc và nhiều độ tuổi ở bậc học mầm non, giáo viên dạy trẻ vùng 100% đồng bào DTTS sống biệt lập ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa.
Ở bậc mầm non, theo số liệu báo cáo của địa phương, đến tháng 5/2020, toàn quốc có 4.984 trường có đông trẻ em là người dân tộc thiểu số; 49.396 nhóm lớp có trẻ em người DTTS (tăng 133 trường, 3.638 nhóm lớp so với năm 2015, thời điểm xây dựng Đề án).
Tổng số trẻ em người DTTS đến trường là 884.689 trẻ, tăng 17,3% so với thời điểm xây dựng Đề án. Trong đó, số trẻ em người DTTS tại các địa bàn xã khó khăn và địa bàn khó khăn đi học tăng hơn 34.000 em; Số trẻ em người DTTS học 2 buổi/ngày tăng hơn 111.000 em.
99% trẻ DTTS đến trường được tăng cường tiếng Việt; 95,7% cơ sở giáo dục mầm non xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS, có thư viện thân thiện để cha mẹ đọc sách cùng trẻ.
Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ DTTS được rèn kỹ năng nghe nói, giao tiếp tiếng Việt, "tắm" mình trong môi trường tiếng nói và chữ viết tiếng Việt. Trẻ em người DTTS đã mạnh dạn tự tin hơn trong các hoạt động giáo dục và hoạt động khác trong cuộc sống.
Đến tháng 10/2020, số trẻ dân tộc thiểu số độ tuổi mẫu giáo ra lớp đạt 90,3%, vượt 0,3% so với mục tiêu của Đề án.
Đối với cấp tiểu học, các giải pháp tăng cường tiếng Việt được thực hiện thường xuyên, gồm dạy học tăng thời lượng, dạy Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục, chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ trước tuổi đến trường, xây dựng môi trường tiếng Việt, lồng ghép các hoạt động giáo dục;…
Sau 5 năm triển khai Đề án, 94,5% học sinh là người DTTS được hưởng lợi từ đề án, tác động đến các kết quả ở các mặt cụ thể như: có 88,8% học sinh DTTS vào lớp 1 được học qua lớp mẫu giáo 5 tuổi, 82,3% học sinh DTTS hoàn thành tiểu học.
Sẽ có kế hoạch cụ thể triển khai giai đoạn 2
Cô giáo Lê Thị Tuyết Hường, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên chia sẻ: Trường nằm trên địa bàn khó khăn, một số giáo viên còn bỡ ngỡ trong dạy tiếng Việt cho trẻ. Từ thực tế, nhà trường đã đưa ra những giải pháp kịp thời như chủ động xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm học, bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho giáo viên, chú trọng xây dựng môi trường tăng cường nghe nói tiếng Việt cho trẻ, huy động sự tham gia của cha mẹ trẻ.
Nhờ đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ, giáo viên; phụ huynh hiểu rõ hơn tầm quan trọng của việc tăng cường tiếng Việt. Đến nay, hầu hết trẻ khi học tại trường nói thành thạo tiếng Việt, tự tin giao tiếp,...
Lắng nghe các ý kiến đóng góp, thảo luận, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho rằng, yêu cầu của giai đoạn mới có nhiều khó khăn, gắn liền với đổi mới SGK phổ thông các lớp 2 (bậc tiểu học), lớp 6 (bậc trung học), và tiếp tục cuốn chiếu đến các lớp tiếp theo. Bộ GD&ĐT sẽ có kế hoạch triển khai giai đoạn 2 một cách cụ thể, có sự chỉ đạo sát sao, đóng góp ý kiến của cán bộ, giáo viên, các cơ quan liên quan. Để giai đoạn mới của Đề án được triển khai hiệu quả cao, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đề nghị các địa phương tập trung triển khai các giải pháp cụ thể.
Đối với giáo dục mầm non, cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, tạo môi trường giao tiếp tích cực tại gia đình và cộng đồng; chuẩn bị môi trường hỗ trợ tăng cường tiếng Việt cho trẻ tại nhà theo bộ tiêu chí Bộ GDĐT đã ban hành. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu học liệu, băng đĩa hình về tăng cường tiếng Việt. Đảm bảo thực hiện chính sách hỗ trợ cho giáo viên dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số theo Nghị định số 105/NĐ-CP.
Chú trọng đến các giải pháp có hiệu quả cao như làm tốt công tác chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ trước khi vào lớp 1; Dạy học theo hướng tăng thời lượng môn Tiếng Việt; Dạy học tăng cường Tiếng Việt cho học sinh vùng DTTS theo tài liệu đã được Bộ GDĐT thẩm định;…
Đặc biệt chú trọng tăng cường năng lực sử dụng tiếng Việt cho học sinh tiểu học thông qua việc hình thành thói quen đọc sách. Đa dạng hóa phương thức tổ chức thực hiện nhằm xây dựng môi trường tiếng Việt hiệu quả, thiết thực, phù hợp.
Tuyên truyền vận động, huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp, chú trọng trẻ 6 tuổi vào lớp 1; đẩy mạnh tuyên truyền việc thực hiện các giải pháp nhằm tăng tỷ lệ trẻ đến trường, đi học chuyên cần và giảm tỷ lệ trẻ bỏ học.