CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 04:11

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số

 

Đề án phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 35% trẻ em người dân tộc thiểu số trong độ tuổi nhà trẻ và 90% trẻ em người dân tộc thiểu số trong độ tuổi mẫu giáo; trong đó, 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi; hằng năm, 100% học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số được tập trung tăng cường tiếng Việt.

Đề án được áp dụng tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học có trẻ em, học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số thuộc 42 tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Bồi dưỡng, tập huấn về tiếng Việt cho cha, mẹ trẻ em

Để triển khai Đề án cần đẩy mạnh công tác truyền thông, trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của Đề án nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các bậc cha mẹ, học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và cộng đồng đối với việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số.

Thiết kế và triển khai các chuyên mục, chuyên trang trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm hỗ trợ cho cha, mẹ trẻ và cộng đồng trong việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em.

Tuyên truyền, hỗ trợ các bậc cha, mẹ trong việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em. Biên soạn tài liệu, bồi dưỡng, tập huấn về tiếng Việt cho cha, mẹ trẻ em là người dân tộc thiểu số, cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số để xây dựng môi trường tiếng Việt tại gia đình và cộng đồng. Vận động các gia đình người dân tộc thiểu số tạo điều kiện cho con em đến trường, lớp và học 2 buổi/ngày, bảo đảm chuyên cần. Tăng cường  bồi dưỡng tiếng Việt cho cha mẹ trẻ em là người dân tộc thiểu số.

Xây dựng và bảo đảm duy trì môi trường tiếng Việt

Nhiệm vụ và giải pháp tiếp theo của Đề án là tăng cường học liệu, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi; xây dựng môi trường tiếng Việt.

Cụ thể, tổ chức biên soạn tài liệu, học liệu, tranh ảnh, băng đĩa phù hợp, thân thiện với trẻ em người dân tộc thiểu số cho các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học vùng dân tộc thiểu số.

Bổ sung, thay thế, cung cấp thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi, học liệu phần mềm dạy học tiếng Việt phù hợp cho tất cả các nhóm, lớp, điểm trường mầm non, tiểu học ở các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn có trẻ em người dân tộc thiểu số, phục vụ  việc tăng cường tiếng Việt; xây dựng và bảo đảm duy trì môi trường Tiếng Việt trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học có trẻ em người dân tộc thiểu số.

Xây dựng và triển khai thí điểm mô hình về tăng cường tiếng Việt tại các địa phương phù hợp với điều kiện, đặc điểm vùng miền, để cán bộ quản lý, giáo viên thăm quan, học tập, triển khai nhân rộng mô hình. Phấn đấu đến năm 2020, phần lớn các tỉnh và đến năm 2025, hầu hết các tỉnh có trẻ em người dân tộc thiểu số xây dựng triển khai nhân rộng mô hình về tăng cường tiếng Việt; xây dựng bản đồ ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở các tỉnh có nhiều dân tộc thiểu số nhằm hỗ trợ công tác quản lý triển khai thực hiện Đề án.

Ngoài ra là nhiệm vụ và giải pháp nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục của các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học có trẻ em người dân tộc thiểu số, bồi dưỡng đội ngũ cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ cho trẻ em người dân tộc thiểu số; tăng cường công tác xã hội hóa và hợp tác quốc tế.

NGỌC ƯỚC/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh