THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:12

Giáo viên chia sẻ kinh nghiệm dạy kỹ năng sống cho học sinh

 

Tính về thời gian, trẻ ở trường nhiều hơn ở nhà, tiếp xúc bạn bè và thầy cô giáo nhiều hơn bố mẹ. Từ lứa tuổi mầm non cho tới giai đoạn phổ thông, thời gian ở trường ngày càng nhiều, mà đây cũng là giai đoạn quan trọng nhất để trẻ tiếp nhận sự giáo dục và hình thành nhân cách.

Trong sự nghiệp hơn 40 năm làm nghề, cô giáo Hồ Thu Hằng thường xuyên được nhà trường yêu cầu mở các cuộc thảo luận, chia sẻ cho các đồng nghiệp về vấn đề giảng dạy, chủ yếu không phải về kiến thức mà là cách ứng xử, tâm lý, phương pháp giáo dục học sinh…

 

Cô Hồ Thu Hằng đi dã ngoại cùng học sinh, những buổi chơi mà học - học mà chơi.


Cô Thu Hằng chia sẻ, được làm việc trong môi trường học đường, sự nghiệp xoay quanh trẻ em là một điều may mắn tuyệt vời. Việc truyền tải kiến thức chỉ là một phần trong công tác dạy học, việc ở lại thêm sau giờ làm việc để cùng trang trí lớp với học sinh, nói chuyện và chia sẻ với học trò trong các giờ nghỉ giải lao là một trong những công việc thường ngày của cô trong suốt bao năm đi dạy. Lớp học của cô luôn được trang trí và bày biện ấm cúng, khiến học sinh ở lại trường học cả ngày mà vẫn có cảm giác như ở nhà.

Để giáo dục học trò về tình yêu thương cha mẹ, cô yêu cầu học sinh làm quyển sách kỷ niệm, trong đó viết những dòng suy nghĩ về cha mẹ mình. Quyển sách do chính các em trang trí, trình bày và in ấn. Với bốn quyển sách dày cộp, hình ảnh về bàn tay mẹ, dáng mẹ hay đơn giản chỉ là mái tóc dài, cho tới những kỷ niệm về mẹ, những câu chuyện hờn giận, biết ơn…, gửi đến các phụ huynh trong buổi họp cuối năm đã khiến nhiều bậc cha mẹ bật khóc.

Giúp học sinh tìm hiểu về thành phố nơi mình đang sống, cô đã đưa ra đề tài cho mỗi nhóm học sinh về tìm hiểu, làm bài rồi trình bày trước lớp. Sau hai tuần, kết quả thật bất ngờ khi những bức ảnh, pano, áp phích về Quốc Tử Giám, Chùa Một Cột, Thành Cổ Loa, Hoàng Thành Thăng Long… được treo lên khắp lớp cùng với đó là những kiến thức mà các em thu nhận được, song hành với niềm tự hào về Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Là một giáo viên Toán, nhưng cô luôn chú trọng khơi tình yêu đối với văn chương và sách vở ở những tâm hồn trong sáng. Mỗi kỳ nghỉ hè, một danh sách tác phẩm văn học, các tác phẩm kinh điển trong nước và trên thế giới được gửi đến học sinh với yêu cầu đọc, ghi chép và nộp thu hoạch vào đầu năm mới.

 

Cô giáo trẻ trung cùng với học trò tinh nghịch.

Tôi còn nhớ câu chuyện cô kể khi biết chuyện tình yêu của học trò.

-         Con thích bạn Vân phải không?

-         … Vâng ạ.

-         Con thích Vân ở điểm gì?

-         … Con không biết nữa.

-         Bây giờ con bao nhiêu tuổi? - Cô giả vờ quên.

-         Ơ… (ngạc nhiên), con 13 tuổi ạ.

-         Thế theo con, bao nhiêu tuổi con sẽ lấy vợ?

-         (Cười, gãi đầu) Chắc phải ngoài 30 cô ạ.

-         Thế từ giờ đến năm 30 tuổi, con có nghĩ rằng sẽ gắn bó với một mình bạn Vân không?

-         (Im lặng một lúc)… Chắc là không, cô ạ!

-         Vậy đến năm 30 tuổi con có nghĩ rằng, mình sẽ lấy bạn Vân làm vợ không?

-         Thôi, thôi… em hiểu rồi, cô ạ!

(Tên nhân vật đã được thay đổi)

Trong suốt cả năm học, lớp học của cô Hằng luôn bận rộn và sôi động với các hoạt động ngoại khóa và những bài học ngoài kiến thức sách giáo khoa. Có lẽ vì vậy, học sinh của cô chẳng bao giờ có thời gian lãng phí, luôn bị cuốn vào những hoạt động tập thể bổ ích, đòi hỏi sự sáng tạo và đoàn kết.

 

Ảnh chụp và lời chúc của học trò Tạ Thị Bi gửi cô giáo: “Hôm nay là sinh nhật cô, chúng con vẫn nhớ lắm không quên được… Con chúc cô tuổi mới luôn trẻ trung và xinh đẹp như bây giờ cô nhé! Con nhớ cô rất rất nhiều”.

 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), quan niệm kỹ năng sống là khả năng thích nghi và hành vi tích cực cho phép các cá nhân có thể đối phó hiệu quả với nhu cầu và thách thức của cuộc sống hàng ngày. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc cho rằng, giáo dục kỹ năng sống dựa trên sự thay đổi hành vi được thiết kế để giải quyết sự cân bằng trong ba lĩnh vực: kiến thức, thái độ và kỹ năng.

“Bằng cách đẩy sự việc đến bọn trẻ để chúng phải suy nghĩ và tự giải quyết” - đó là cách cô Hồ Thu Hằng thường dùng để giúp học trò xử lý các tình huống của mình. Theo cô, kỹ năng sống giúp cho giới trẻ đủ tự tin và phương pháp để đối mặt với thực tế cuộc sống. 

Lam Linh/ Lao động & Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh