THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:55

Tăng cường quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Cùng với quá trình hội nhập, những năm gần đây lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có xu hướng tăng lên qua các năm. Theo tổng hợp của Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), tính đến hết tháng 7/2019, có 92.100 lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, trong đó có 81.100 người thuộc diện cấp giấy phép lao động. Lao động nước ngoài vào Việt Nam hiện đến từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Hiện nay, quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay chỉ cho phép lao động nước ngoài vào làm việc theo 4 vị trí là chuyên gia, giám đốc điều hành, lao động kỹ thuật và nhà quản lý, nhưng với điều kiện lao động Việt Nam không đáp ứng được. Các hình thức lao động của người nước ngoài tại Việt Nam hiện nay phát sinh chủ yếu ở dạng hợp đồng lao động, di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp, được công ty mẹ cử sang hoặc thực hiện các hợp đồng kinh tế thương mại.

Mới đây, kết quả nghiên cứu "Ứng viên nước ngoài: Kỳ vọng và thách thức khi làm việc tại Việt Nam" do Navigos Group công bố cũng cho biết, khi được hỏi đâu là nơi làm việc được mong muốn nhất ASEAN, 30% ứng viên tham gia khảo sát lựa chọn Việt Nam, đứng đầu khu vực, tiếp theo là Singapore, Thái Lan và Malaysia.

Báo cáo này cũng nhấn mạnh rằng, Việt Nam hiện đang là điểm đến lý tưởng của nhiều doanh nghiệp FDI, bởi nền kinh tế phát triển nhanh chóng, nhiều chính sách thương mại tự do đã được thông qua. Tuy nhiên, tại nhiều lĩnh vực mới trỗi dậy, nguồn nhân lực trong nước chưa kịp đáp ứng được các tiêu chuẩn về số lượng lẫn chất lượng.

Tăng cường quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam - Ảnh 1.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam có xu hướng tăng lên

Dự báo, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thì xu hướng người nước ngoài vào làm việc ở Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.  Nhu cầu tuyển dụng ứng viên người nước ngoài sẽ tiếp tục tăng cao ở mức trên 20% trong mỗi năm tới.

Theo  ông Lê Quang Trung, Phó cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, thực tế trên sẽ đặt ra những thách thức đối với việc quản lý nhóm lao động này cũng như bảo hộ việc làm cho lao động trong nước. Trong đó, khó khăn nhất là việc tuyên truyền phổ biến pháp luật cũng như ý thức chấp hành của doanh nghiệp, cơ quan sử dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam. Ông Trung cho biết, hiện nay, quy định của pháp luật rất rõ ràng nhưng vẫn có rất nhiều trường hợp lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc mới bắt đầu cấp giấy phép lao động. Với những trường hợp vi phạm, sẽ bị xử lý theo quy định như xử phạt hành chính thậm chí là trục xuất về nước.

Ông Trung cho rằng, để tăng cường công tác quản lý về vấn đề này, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương cần phải kiểm soát rất chặt việc cấp giấy phép cho các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài, đồng thờ, cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu gồm: 

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;

 Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn và phổ biến các quy định pháp luật Việt Nam liên quan đến lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam với nhiều hình thức phù hợp, thiết thực;

Rà soát, đánh giá và hoàn thiện quy chế phối hợp theo quy định của pháp luật và tình hình thực tế tại địa phương, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan trong việc chia sẻ thông tin, hỗ trợ người sử dụng lao động, cấp giấy phép lao động, quản lý lao động, phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm;

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật Việt Nam liên quan đến người lao động nước ngoài, các địa phương tuyệt đối không vì thu hút đầu tư mà nới lỏng quản lý lao động nước ngoài. 

Đồng thời, chú trọng phát triển nguồn nhân lực Việt Nam có trình độ, kinh nghiệm để từng bước thay thế các vị trí công việc của lao động nước ngoài.  

 "Đặc biệt, Bộ cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương áp dụng thống nhất cổng thông tin điện tử và tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có sử dụng lao động nước ngoài. Tính đến nay đã có hơn 40 tỉnh, thành phố trong cả nước triển khai phần mềm cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài qua mạng điện tử.", ông Trung nhấn mạnh

DIỆU NGỌC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh