THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:05

Buôn lậu thuốc lá bùng phát tại khu vực phía Nam

 

Một vụ buôn lậu thuốc lá bị bắt giữ. Ảnh: Báo Người lao động.

 

Siêu lợi nhuận nên càng tinh vi, manh động 

Đánh giá về tình hình buôn lậu thuốc lá, ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Đồng Tháp được TTXVN dẫn lời cho biết, qua kiểm tra lực lượng chức năng đã phát hiện khoảng 20 điểm, kho chứa thuốc lá lậu nằm dọc theo tuyến biên giới phía ngoại biên của tỉnh Đồng Tháp. Đặc biệt, có nhiều nhóm đối tượng liều lĩnh, công khai dùng xe gắn máy chở khoảng 700 - 1.200 bao thuốc lá/chuyến với tốc độ cao trên tuyến đường từ thị xã Hồng Ngự về thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Tiền Giang. 

Tương tự, tại địa bàn các tỉnh Long An, Tây Ninh, các đối tượng vận chuyển thuốc lá nhập lậu không chỉ mang vác, vận chuyển bằng phương tiện thô sơ mà sử dụng cả taxi, xe tải, xe biển xanh hóa giá từ cơ quan Nhà nước để hoạt động.

Từ thực tế đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá tại 6 địa phương trọng điểm phía Nam (Long An, Tây Ninh, An Giang, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Tháp) cho thấy hiện trên thị trường, thuốc lá nhãn hiệu Hero nhập lậu có mức giá chênh lệch từ 8.000 - 10.000 đồng/bao; Jet 10.000 - 12.000 đồng/bao, Esse 3.500 - 4.000 đồng/bao...

Trong khi, thuốc lá điếu hợp pháp trong nước đang bị áp thuế cao (thuế tiêu thụ đặc biệt 65%, thuế VAT 10%, thuế nhập khẩu 135%, thuế thu nhập doanh nghiệp 22%, quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá 1,5%). Vì vậy, lợi nhuận thu được từ kinh doanh thuốc lá hợp pháp chỉ bằng 1/30 so với thuốc lá nhập lậu.

Với mức lợi nhuận như vậy, các đối tượng buôn lậu thuốc lá ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi nhưng cũng rất manh động.

Các đầu nậu buôn lậu thuốc lá thường không trực tiếp vận chuyển thuốc lá lậu, mà thuê người dân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoặc những đối tượng có tiền án, tiền sự; trong đó, nhiều đối tượng buôn lậu, vận chuyển thuốc lá lậu ngày càng liều lĩnh, công khai, thách thức các nỗ lực chống buôn lậu của lực lượng chức năng.

Phương thức vận chuyển thuốc lá lậu cũng có thay đổi so với trước, các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi hơn, cất giấu thuốc lá điếu ngoại nhập lậu trong cabin, mui, gầm, bình xăng xe; bố trí người theo dõi trước trụ sở cơ quan của lực lượng chống buôn lậu, thuê người dò đường trước khi vận chuyển; dùng xuồng máy, ghe máy có tốc độ rất cao để vận chuyển, thường xuyên thay đổi thời gian, cung đường hoạt động.

 

Thay vì tiêu hủy thuốc lá lậu nhiều ý kiến đề nghị tái xuất. Ảnh minh họa.

 

Mạnh tay răn đe, xử lý từ gốc

Theo các cơ quan chức năng, khó khăn trong công tác chống buôn lậu thuốc lá, hiện nay, một phần là do các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi, manh động. Phần khác là do hành lang pháp lý vẫn còn kẽ hở; một số quy định vẫn chồng chéo nhau dẫn đến lực lượng chức năng gặp khó khăn trong thực thi nhiệm vụ.

Điển hình là quy định xử lý thuốc lá lậu khi bị tịch thu là tiêu hủy hoặc tái xuất vẫn đang gây lúng túng đối với cơ quan chức năng. 

Qua nhiều năm thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc tái xuất và tiêu hủy thuốc lá ngoại bị xử lý tịch thu, ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho biết, các giải pháp này chưa có tác động chuyển biến và làm giảm cơ bản về số lượng thuốc lá nhập lậu qua biên giới tỉnh Long An nói riêng và cả nước nói chung.

Thượng tướng Phạm Dũng, Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị cần xem xét thí điểm phương án cho tái xuất thuốc lá lậu bị tịch thu để tránh gây lãng phí, tạo nguồn thu cho ngân sách, tránh gây ô nhiễm môi trường. Chưa kể, lâu nay ngoài bố trí kho bãi bảo quản, cất giữ thuốc lá nhập lậu bị tịch thu, để tiêu hủy phải thực hiện quy trình thủ tục mất thời gian và huy động nhiều lực lượng tham gia. 

Tuy nhiên, xem xét ở khía cạnh luật pháp, ông Lê Tiến Châu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, đề xuất thực hiện thí điểm tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu chưa phù hợp với yêu cầu của Công ước khung về phòng, chống tác hại thuốc lá mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Ngoài ra, nhằm triển khai tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu, đòi hỏi phải có nơi bảo quản để đợi đủ số lượng thực hiện tái xuất, sẽ làm phát sinh thêm chi phí.

Còn ông Võ Thiện Ngộ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Long An nêu thực tế các quy định khác nhau liên quan đến việc khởi tố hình sự đối tượng buôn lậu thuốc lá cũng đang làm khó cơ quan chức năng. Cụ thể, Nghị định số 124/2015/NĐ-CP của Chính phủ, quy định hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu số lượng từ 500 bao trở lên thì truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, Thông tư liên tịch số 36/2012/BCT-BCA-BYT-VKSNDTC-TANDTC do Bộ Công Thương chủ trì xây dựng, quy định số lượng từ 1.500 bao trở lên mới truy cứu trách nhiệm hình sự. Chính vì sự chồng chéo này, mà hiện nay việc bắt giữ các đối tượng vận chuyển 500 bao thuốc lá điếu trở lên vẫn chưa thể khởi tố hình sự nên không đủ sức răn đe.

Ngoài các giải pháp răn đe mạnh mẽ đối tượng buôn lậu thuốc lá, có ý kiến cho rằng phải khẩn trương xây dựng, thực hiện đề án kiểm soát bán lẻ thuốc lá, đồng thời tăng cường giải pháp quản lý lưu thông, phân phối, bán buôn mặt này trên thị trường nội địa. Song song đó, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền mạnh hơn nữa để người dân; trong đó, có cả đối tượng đã tiêu dùng và chưa sử dụng thấy được tác hại của thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá nhập lậu. Bởi nếu nâng cao nhận thức tiêu dùng của người dân, họ sẽ chú trọng hơn đến vấn đề sức khỏe, từ đó giảm cầu thì cung cũng sẽ giảm theo.

Tại Hội nghị chuyên đề về tăng cường công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu thuốc lá ở một số địa bàn trọng điểm vừa tổ chức ở TPHCM, ngày 18/10, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng vấn đề gốc và cốt lõi khiến buôn lậu thuốc lá gia tăng một phần do đời sống nhân dân vùng biên giới rất khó khăn, không có công ăn việc làm ổn định. Vì vậy, lãnh đạo UBND các địa phương muốn hạn chế được buôn lậu thuốc lá cần có giải pháp tổng thể để giải quyết tận ngọn việc cư dân biên giới tham gia vận chuyển, tiếp tay cho các đầu nậu buôn lậu thuốc lá. 

Cùng với đó còn có tình trạng chính quyền các cấp, chưa quyết liệt chỉ đạo, buông lỏng quản lý. Sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa tốt, không làm thường xuyên kiên quyết; thậm chí có cán bộ còn tiếp tay, nhận hối lộ của các đối tượng buôn lậu.

Việc thiếu và yếu công cụ hỗ trợ cũng tác động không nhỏ đến hiệu quả công tác chống buôn lậu nói chung và thuốc lá nhập lậu nói riêng. Kinh phí cho đầu tư mua sắm phương tiện, hỗ trợ công tác chống buôn lậu rất hạn hẹp; trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống buôn lậu còn thiếu, lạc hậu, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chống buôn lậu. 

Đây là những vấn đề lớn phải khắc phục để công tác phòng chống buôn lâu thuốc lá có hiệu quả và chuyển biến rõ rệt trong thời gian tới.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh