THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:37

Nhập lậu 500 bao thuốc lá sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự


Đại biểu Quốc hội Phạm Hồng Phong- Hậu Giang phát biểu tại Hội trường

Các đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Đoàn Lâm Đồng) và Triệu Tuấn Hải (Đoàn Lạng Sơn) dẫn chiếu, theo quy định tại Điều 190 và Điều 191 thì hàng cấm gồm 3 nhóm: Nhóm 1: hàng phạm pháp là thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật; Nhóm 2: hàng phạm pháp là thuốc lá điếu nhập lậu và pháo các loại và Nhóm 3: hàng phạm pháp khác.

Trong đó, đối với hàng hóa thuộc nhóm 1 thì việc xác định tội phạm không căn cứ vào trị giá hay số lượng của hàng phạm pháp mà chỉ có hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ là có thể bị xử lý hình sự. Ở Nhóm 2, quy định thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao trở lên, pháo các loại từ 6kg trở lên có thể bị xử lý hình sự. Và Nhóm 3 quy định, nếu trước đó người thực hiện hành vi vi phạm chưa bị xử lý hành chính hoặc bị kết án về loại hành vi vi phạm đó hoặc hành vi vi phạm có cùng tính chất thì chỉ có thể bị xử lý hình sự khi hàng phạm pháp có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên.

Ảnh minh họa

Theo các đại biểu, thực tiễn cho thấy, hàng cấm là những mặt hàng cấm lưu thông trên thị trường nên các cơ quan chức năng không có căn cứ để định giá trị. Từ trước đến nay, khi các cơ quan điều tra, kiểm soát, tòa án... đề nghị cơ quan chức năng định giá hàng cấm là tang vật trong các vụ án đều nhận được trả lời là không có cơ sở để định giá, dẫn đến việc không thể giải quyết được các vụ án này.

Hiện nay, theo danh mục Chính phủ ban hành có 19 nhóm hàng hóa thuộc mặt hàng cấm kinh doanh, trong đó có 8 nhóm đã được điều chỉnh trong các điều kiện cụ thể của Bộ luật hình sự năm 2015. Đó là ma túy, vũ khí quân dụng, trang thiết bị quân sự, thực vật, động vật hoang dã v.v... Còn lại 11 nhóm hàng hóa là đối tượng điều chỉnh của các Điều 190, 191 Bộ luật hình sự năm 2015. Tuy nhiên, chỉ mới có một số hàng hóa được liệt kê cụ thể còn lại được quy định chung là hàng phạm pháp khác thuộc Nhóm 3.

Từ thực tế trên, các đại biểu đề nghị, không quy định chung là “hàng phạm pháp khác” dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau mà cần quy định theo hướng liệt kê đầy đủ các nhóm hàng hóa là hàng cấm theo danh mục hoặc quy định theo hướng viện dẫn nhóm hàng cấm theo quy định của Chính phủ cho thống nhất. Bên cạnh đó, cũng phải quy định cụ thể về số lượng hoặc khối lượng hàng hóa làm cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự.

Các đại biểu cũng đề nghị, trong trường hợp việc quy định cụ thể số lượng, khối lượng trong Bộ luật hình sự dẫn đến quá dài hoặc không dự kiến hết được thì cần quy định theo hướng định tính, như: số lượng khối lượng lớn, số lượng khối lượng rất lớn, số lượng khối lượng đặc biệt lớn để sau này Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích hoặc Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng thống nhất trong hoạt động xét xử.

 Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn Ninh Thuận) 

Đi thẳng vào những bất cập trong quy định đối với hành vi buôn lậu mặt hàng thuốc lá điếu, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn Ninh Thuận) cho rằng, Điều 190 và 191 Bộ luật hình sự quy định đối với hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm thì bỏ số lượng để định tội mà quy định giá trị hàng phạm pháp phải tối thiểu 100 triệu đồng. Theo đại biểu Cương, mức tối thiểu 100 triệu đồng như quy định nói trên là không phù hợp đối với mặt hàng thuốc lá điếu nhập lậu.

Đưa ra căn cứ cho ý kiến của mình, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương phân tích, trước đây, Bộ luật hình sự năm 1999 quy định xử lý hình sự đối với hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm kinh doanh thì mặt hàng thuốc lá điếu nhập lậu được quy định là hàng cấm kinh doanh (theo Nghị định 43 hướng dẫn Luật thương mại). Số lượng được nêu rõ tại Thông tư 36 là 1.500 bao trở lên.

Do đó, việc chuyển từ việc xác định số lượng sang xác định giá trị để xác định hàng phạm pháp đối với thuốc lá điếu nhập lậu làm căn cứ xử lý hình sự như trong Dự thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 phức tạp hơn nhiều so với cách tính cũ là tính theo số bao.

Và, theo ông Cương, trong trường hợp này, để xác định giá trị thì phải thông qua Hội đồng định giá và nhiều cơ quan khác nhau, qua nhiều bước (khảo sát giá, xem xét tài sản, nghiên cứu thông tin liên quan đến tài sản định giá và tổ chức họp định giá,...) do đó không đảm bảo nguyên tắc kịp thời trong công tác phòng chống buôn lậu.

“Thực tế trong thời gian qua, nhiều vụ buôn lậu thuốc lá được cơ quan điều tra tỉnh Ninh Thuận yêu cầu cơ quan tài chính định giá nhưng cơ quan tài chính từ chối định giá” – đại biểu Cương dẫn chứng từ địa phương mình và cho biết thêm: “Họ - Cơ quan tài chính - nói rằng hàng lậu không có trong biểu giá để định giá”.

Sau những lập luận, phân tích của mình, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đề nghị, để hạn chế thất thu ngân sách, bảo vệ sức khoẻ của cộng đồng, hạn chế tổn hại đến ngành sản xuất và kinh doanh thuốc lá hợp pháp, Luật cần quy định cụ thể hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá lậu có số lượng từ 500 bao trở lên là xử lý hình sự nhằm thống nhất với quy định tại Nghị định 124 và Chỉ thị số 30 của Thủ tướng Chính phủ.

GIANG ĐÔNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh