THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:20

Hơn 60% nạn nhân của bạo lực tình dục ở độ tuổi thanh thiếu niên

 

Con số này được đưa ra tại Hội nghị Quốc gia về Tình dục, Sức khỏe và Xã hội lần thứ 3 do Viện Nghiên cứu và Phát triển Xã hội tổ chức trong hai ngày 29-30/11 tại Hà Nội với chủ đề: “Nạn nhân hay Tội nhân: Những rào cản văn hóa và thể chế trong việc nhìn nhận và giải quyết bạo lực tình dục ở Việt Nam”.

 

bạo lực tình dụcCác bạn sinh viên với thông điệp tại hội nghị quốc gia về tình dục, sức khỏe và xã hội.

 

Theo bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội: Khảo sát gần đây cho thấy, thủ phạm của bạo lực tình dục gồm cả những người được cho là đáng tin cậy như người cao niên, người có uy tín, giáo viên, những người nổi tiếng hay cả những người trong hệ thống thực thi pháp luật. Ngoài ra, phần lớn các vụ bạo lực tình dục cũng xảy ra ở những địa điểm thường được coi là an toàn như trường học, công sở hay chính trong nhà của nạn nhân. Và số liệu thống kê cho thấy 73% thủ phạm bạo lực tình dục là người quen của nạn nhân, trong đó 10% là cha đẻ hoặc cha dượng.

Từ con số thống kê có thể thấy, rõ ràng, bạo lực tình dục là tội ác nghiêm trọng chống lại phụ nữ và trẻ em. Nó chà đạp quyền cơ bản nhất của con người là được sống an toàn và được tôn trọng nhân phẩm. Bạo lực tình dục có thể xảy ra với bất kỳ phụ nữ và trẻ em nào chứ không chỉ với những phụ nữ trẻ, ăn mặc gợi cảm hoặc có cử chỉ hớ hênh như nhiều người vẫn lầm tưởng.

Theo các chuyên gia thì, bạo lực tình dục dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về sức khoẻ thể chất, tinh thần và cả tài chính cho nạn nhân. Nhiều nạn nhân và gia đình đã phải vật lộn với việc thay đổi sinh kế do phải chuyển nơi sinh sống để tránh bị kỳ thị. Thậm chí, không ít người đã phải tìm đến cái chết để thoát khỏi ám ảnh và bế tắc sau khi bị bạo hành tình dục. Nạn nhân bị hiếp dâm thường gặp những rối loạn tâm lý sau chấn thương, hoặc những khó khăn về tâm lý khác như trầm cảm, lạm dụng thuốc, hay có ý nghĩ tự tử.

Xác định nguyên nhân của bạo lực tình dục, tại hội nghị, bà Astrid Bant, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNPFA) nhấn mạnh: “Bạo lực tình dục không dễ xác định, đặc biệt bạo lực tình dục trong các mối quan hệ tình cảm gần gũi, thậm chí còn khó được báo cáo hơn vì nó được che giấu bởi các khuôn mẫu giới và văn hóa. Nam giới thường nghĩ rằng họ có ‘quyền’ kiểm soát thân thể và tình dục của người phụ nữ”.

Và với những hành động cụ thể, thiết thực, đã đến lúc nắm tay nhau tấn công lại các định kiến giới và các thái độ ưu ái nam giới phổ biến cho dù chúng đã được dung dưỡng qua nhiều thế hệ. Đặc biệt là phải thay đổi các cấu trúc quyền lực để bảo đảm rằng có sự bình đẳng thực sự giữa phụ nữ và nam giới. Và luôn xác định đấu tranh cho bình đẳng giới phải trở thành một vấn đề của nam giới và trẻ em.

HUYỀN NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh