CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:21

Tăng cường phối hợp liên ngành để bảo vệ trẻ em

 

Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết, cả nước có khoảng 26,3 triệu trẻ em. Trong đó, số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của Luật Trẻ em ước tính chiếm khoảng 8% tổng số trẻ em.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

 

Theo Bộ Công an, xâm hại trẻ em giảm về số vụ việc và số nạn nhân. Tuy nhiên, năm 2018 nổi lên một số vụ liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em gây bức xúc dư luận xã hội: Vụ học sinh lớp 3 trường Tiểu học An Đồng (huyện An Dương, TP. Hải Phòng) bị cô giáo phạt bắt uống nước giặt giẻ lau bảng do nói chuyện trong giờ học; vụ thầy giáo trường Tiểu học An Thượng (Hoài Đức, Hà Nội) xâm hại nhiều học sinh lớp 3; cô giáo trường THCS Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) yêu cầu các bạn cùng lớp tát 1 học sinh 230 cái khiến học sinh này phải nhập viện; cô giáo ở trường Tiểu học Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội) bắt học sinh tát bạn; vụ Hiệu trưởng trường PTDT nội trú Thanh Sơn (huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) xâm hại tình dục trẻ em nam và xuất hiện thêm các vụ xâm hại tình dục trẻ em thông qua mạng xã hội, người nước ngoài vào Việt Nam xâm hại tình dục trẻ em nam….

 Các đại biểu tham dự Hội nghị


Ông Nam cho biết, qua phân tích của Cục Trẻ em và số cuộc gọi đến Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111), những vụ xâm hại trẻ em sẽ bị tố cáo nhiều hơn do pháp luật về bảo vệ trẻ em đã quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan tiếp nhận thông tin, có dịch vụ tiếp nhận thông tin thông báo, tố giác và thông tin này được bảo mật. Đặc biệt, nhận thức của người dân về trách nhiệm lên tiếng, tố cáo những vụ xâm hại, bạo lực tăng lên. Cục Trẻ em theo dõi sát tình hình, nắm thông tin, cung cấp thông tin cho báo chí để định hướng dư luận xã hội, kịp thời chỉ đạo và kiến nghị giải quyết các vấn đề về thực hiện quyền trẻ em và các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em. Đồng thời, tiếp nhận và giải quyết kịp thời, không để tồn đọng các thông tin, yêu cầu từ trẻ em và người dân thông qua Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em cũng như đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến trẻ em. “Đặc biệt, được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH trong công tác chỉ đạo phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng kịp thời, nghiêm minh, bước đầu có sự phối hợp trong giải quyết các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em. Các cơ quan truyền thông tích cực tham gia, lên tiếng trong công tác phòng, chống, phát hiện các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em”, ông Nam cho hay.

Người đứng đầu Cục Trẻ em đánh giá, quyền tham gia của trẻ em đã được quan tâm. Trẻ em được lấy ý kiến trong quá trình xây dựng văn bản, chính sách liên quan đến trẻ em. Các mô hình: Diễn đàn trẻ em, câu lạc bộ quyền trẻ em, các chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng và thực hiện. 5 tỉnh, thành phố thành lập Hội đồng trẻ em và các em được tham dự một số kỳ họp của HĐND tỉnh, thành phố. Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em đi vào hoạt động.

Trẻ em bị tai nạn thương tích giảm so với năm 2017 nhưng giảm chưa nhiều, vẫn có nhiều vụ việc đuối nước, tai nạn giao thông. Đặc biệt là có những vụ đuối nước có nhiều em bị đuối nước.

Về những hạn chế, tồn tại về công tác trẻ em, ông Đặng Hoa Nam cho rằng, công tác bảo vệ trẻ em đặc biệt là phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em tại một số địa phương, trường học chưa được quan tâm đúng mức. Đội ngũ người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã chậm được xác định, bố trí theo Luật Trẻ em. Ngân sách dành cho quản lý nhà nước về lĩnh vực trẻ em ở một số địa phương không hoặc bố trí rất ít,cChưa đầu tư thích đáng cho hệ thống vui chơi và các thiết chế văn hóa cấp xã, thôn…

 Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà ghi nhận những nỗ lực của cán bộ làm công tác trẻ em và những kết quả đã đạt được trong công tác trẻ em năm 2018. Thứ trưởng cho biết, sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em, nhiều địa phương đã có chuyển biến rất tích cực:  Các địa phương đã quan tâm bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, cộng tác viên ở cơ sở và tăng thêm ngân sách cho công tác trẻ em.

Thứ trưởng đề nghị, Cục Trẻ em bên cạnh việc lên án những vụ việc vi phạm quyền trẻ em, cần đưa những gương người tốt việc tốt để truyền thông, nhân rộng trong xã hội. Đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp với Trung ương Đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để triển khai đến cơ sở việc tiếp nhận thông tin, can thiệp hỗ trợ kịp thời cho các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Bên cạnh đó, tổng hợp, dự báo tình hình những vấn đề trong công tác trẻ em đặt ra như: Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, hỗ trợ trẻ em nghiện ma túy, trẻ em là nạn nhân mua bán người… để nghiên cứu, đề xuất xây dựng các chính sách phù hợp.

Đặc biệt, Thứ trưởng yêu cầu: “Cục Trẻ em cần phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ, cơ quan báo chí để tham mưu và xử lý nhanh những vụ việc liên quan đến trẻ em; phối hợp Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam chăm lo Tết cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; cần có kế hoạch phối hợp tăng cường kiểm tra, giám sát việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em”.

VÂN KHÁNH - MẠNH DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh