THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:23

Làng trẻ SOS là một bộ phận quan trọng trong hệ thống chăm sóc trẻ em Việt Nam

Năm 2019, Liên Hợp quốc ban hành Nghị quyết về chăm sóc bảo vệ trẻ em

Sáng ngày 20/12, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã có buổi tiếp thân mật Chủ tịch Làng SOS Quốc tế Siddhartha Kaul. Tham dự còn có Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà - Chủ tịch Làng trẻ SOS Việt Nam; bà Shubba Murthi - Phó Giám đốc hoạt động Làng trẻ em SOS Quốc tế…

Đánh giá cao những cống hiến, đóng góp của Làng trẻ em SOS Quốc tế trong hơn 30 năm qua dành cho trẻ em Việt Nam, tại buổi tiếp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chúc mừng Làng trẻ em SOS quốc tế đã được Chủ tịch nước Việt Nam tặng Huân chương Hữu nghị. Đây là Huân chương cao quý nhất của Việt Nam tặng cho các cá nhân tổ chức nước ngoài. 

Về phần mình, ngài Siddhartha Kaul cho biết, làng trẻ SOS Việt Nam là một trong 5 chương trình lớn nhất của Làng trẻ SOS Quốc tế. Ông cũng đánh giá rất cao sự quan tâm sâu sắc của Bộ LĐ-TB&XH đối với Làng trẻ em SOS Việt Nam suốt thời gian qua và nhấn mạnh Việt Nam là một điểm sáng, một kinh nghiệm điển hình nhất về sự hợp tác giữa nhân dân, Chính phủ và các tổ chức xã hội. 

Tại cuộc trao đổi, Ngài Chủ tịch Làng trẻ em SOS Quốc tế thông tin, năm 2019, Liên Hợp quốc sẽ ra một Nghị quyết về chăm sóc bảo vệ trẻ em.

“Đây là một sự kiện quan trọng vì cùng lúc kỷ niệm ngày ra Công ước về Quyền trẻ em. Dự kiến tháng 9 năm 2019 Nghị quyết này sẽ được ban hành. Dự thảo của Nghị quyết đang được UNICEF xây dựng, dự kiến tháng 9 năm 2019, nhằm tăng cường sự chăm sóc bảo vệ cho trẻ em, đặc biệt dành cho trẻ em không có gia đình, những trẻ em có nguy cơ mất gia đình hay những trẻ sống trong những gia đình không an toàn…”, ngài Siddhartha Kaul cho biết.

Cùng với đó, vị Chủ tịch Làng trẻ em SOS Quốc tế nhấn mạnh, Làng trẻ em SOS quốc tế đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy ban hành Nghị quyết này.
Ông hy vọng rằng, Chính phủ Việt Nam sẽ công nhận mô hình chăm sóc trẻ em của Làng Trẻ em SOS Việt Nam giống như là một hình thức chăm sóc trẻ em tại gia đình.

Bên cạnh đó, ông cũng nêu một số nội dung về tài chính, nhân sự dành cho Làng trẻ em SOS Việt Nam và những chế độ dành cho những người mẹ làm việc tại Làng trẻ em SOS Việt Nam khi đến tuổi nghỉ hưu…

Đáp từ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định Làng trẻ em SOS quốc tế là đối tác lâu năm, gắn bó nhất, thân thiết nhất đối với Việt Nam. Cá nhân Bộ trưởng, với hơn 30 năm trực tiếp làm công tác thanh niên và trẻ em, nên rất hiểu những vấn đề ngài Chủ tịch đề cập. 

“Đến nay, sự hợp tác thỏa thuận giữa Bộ LĐ-TB&XH và Làng trẻ em SOS đã góp phần quan trọng giúp làm bớt đi những mảnh đời khó khăn, làm bớt đi sự cô đơn của con trẻ, giúp các cháu có một tổ ấm, gia đình thay thế đầy tình thương yêu. Và SOS là một địa chỉ đỏ như thế”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đề xuất chọn chủ đề năm 2020 “Xã hội vì trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt” 

Thời gian vừa qua, Hệ thống Làng SOS của Việt Nam phát triển tương đối rộng với hơn 6.000 trẻ em đã được nuôi nấng, trong đó, 50% các cháu đã trưởng thành, và Làng trẻ em SOS là một môi trường để cho các cháu có nghị lực vươn lên. Chính phủ Việt Nam và cá nhân Bộ trưởng ghi nhận và đánh giá rất cao sự đóng góp rất lớn của Làng SOS. 

Tuy có sự phát triển bước đầu, đạt được nhiều thành tựu nhất định, và sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc trẻ em được quan tâm hơn, nhưng tình trạng trẻ em VN có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vẫn còn rất nhiều. Bộ trưởng chia sẻ, với Việt Nam, nỗi đau chiến tranh vẫn còn đó. Số trẻ em nhiễm chất độc hóa học còn nhiều, không chỉ thế hệ thứ hai mà còn sang cả thế hệ thứ 3. Việt Nam có 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và 2,5 triệu trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

“Vì thế, việc phát triển và quan tâm dành cho Làng trẻ SOS Việt Nam không chỉ hiện nay mà thời gian tới Việt Nam tiếp tục dành sự quan tâm thiết thực. Các Làng trẻ SOS là một bộ phận quan trọng trong hệ thống chăm sóc trẻ em Việt Nam”, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH nhấn mạnh.

Liên quan đến thông tin dự thảo Nghị quyết về chăm sóc bảo vệ trẻ em của Liên Hợp Quốc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay: “Tôi có hỏi ngài, dự kiến ban hành Nghị quyết vào thời điểm nào, vì trước thông tin này, tôi chợt nghĩ ngay đến dự kiến năm 2020 sẽ chọn chủ đề “Xã hội vì trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt” nhằm hưởng ứng chủ trương này của UNICEF cũng như của làng SOS quốc tế”, Bộ trưởng nói và cho biết, nhằm hướng tới sự kiện đó, sẽ giao cho Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cùng với báo Nhi đồng thực hiện một số hoạt động văn hóa thể thao cấp quốc gia đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó nòng cốt là các hoạt động văn hóa thể thao trong các làng SOS Việt Nam. 

“Có thể tính đến một giải bóng đá làng SOS, cùng với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”, Bộ trưởng nêu dự định, và được ngài Siddhartha Kaul bày tỏ sự vui mừng trước những sáng kiến nhân văn này, và ông mong sớm thành hiện thực để các đối tượng trẻ em này có những hoạt động ý nghĩa.

Trên cơ sở những vấn đề vị Chủ tịch Làng trẻ em SOS Quốc tế nêu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, Làng trẻ em SOS Việt Nam, và Chăm sóc thay thế tại gia đình và cộng đồng là những mô hình Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục đầu tư thiết thực hiệu quả, chắc chắn Việt Nam sẽ có một hình thức văn bản để ghi nhận điều đó. 

Về phối hợp tăng cường nguồn lực đầu tư, Bộ trưởng yêu cầu Chủ tịch Làng SOS Việt Nam rà soát đánh giá lại những hoạt động đầu tư của các Làng SOS Việt Nam, xem phía Việt Nam bổ sung những gì, các địa phương trách nhiệm đến đâu, những chế độ chính sách cho các em nhỏ, chính sách cho các bà mẹ của các làng như thế nào để phù hợp với tình hình chung và quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay…

Đồng thời giao cho Chủ tịch Làng SOS Việt Nam trong thời gian sớm nhất sẽ cụ thể hóa những nội dung đã trao đổi, thống nhất bằng những công việc cụ thể. 

Bộ trưởng cũng yêu cầu ngay đầu năm 2019, Cục trẻ em và Làng trẻ em SOS Việt Nam phối hợp để chuẩn bị xây dựng phương án đề xuất cho năm 2020, được chọn là năm cả xã hội chung tay hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Thanh Nhung - Mạnh Dũng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh