Tăng cường phối hợp để xây dựng quan hệ lao động hài hòa
- Dược liệu
- 04:55 - 18/09/2019
Cùng tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cùng đại diện các bộ, ban, ngành.
Chương trình phối hợp công tác giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội giai đoạn 2019 – 2023 được ký kết nhằm tăng cường phối hợp giữa hai cơ quan để đảm bảo sự chia sẻ, phản biện, thống nhất trong việc đề xuất, ban hành các chính sách, pháp luật liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và đoàn viên công đoàn phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về lao động và công đoàn. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và đoàn viên công đoàn. Nâng cao bản lĩnh chính trị, tinh thần yêu nước, hiểu biết pháp luật, trách nhiệm, kỷ luật lao động, trình độ tay nghề cho người lao động và đoàn viên công đoàn, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội phối hợp triển khai 9 nội dung chính.
Về công tác phối hợp trong xây dựng pháp luật. Trong quá trình nghiên cứu, đề xuất nội dung xây dựng văn bản pháp luật có liên quan đến lao động và công đoàn. Trước mắt tập trung vào dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi); dự án Luật Công đoàn; sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội; Luật An toàn, vệ sinh lao động và các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và đào tạo sẽ đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền nhằm góp phần xây dựng người lao động Việt Nam yêu nước, đoàn kết, nghĩa tình, lao động sáng tạo, tôn trọng pháp luật, trách nhiệm cao, tay nghề giỏi.
Đồng thời, phối hợp các nội dung: Công tác quan hệ lao động và tiền lương; công tác bảo hiểm xã hội; công tác an toàn, vệ sinh lao động; công tác bình đẳng giới và bảo đảm quyền của trẻ em; công tác việc làm và đào tạo nghề; công tác thanh tra, kiểm tra; công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.
Theo đó, Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) và Văn phòng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội làm đơn vị thường trực, tham mưu giúp lãnh đạo hai cơ quan theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình phối hợp này.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ký kết Chương trình phối hợp công tác trong lĩnh vực quan hệ lao động, xây dựng giai cấp công nhân và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2019 – 2023. Chương trình phối hợp 2 bên gồm 5 nội dung chính: Tiếp tục triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TƯ ngày 28/1/2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước"; phối hợp tuyên truyền, thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp; tổ chức các hoạt động đồng hành cùng doanh nghiệp, hướng tới sự phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả tham gia các cơ chế hai bên, ba bên; thiết lập kênh thông tin, tham vấn, đối thoại thường xuyên.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao sự chủ động, tích cực của 3 cơ quan trong việc xây dựng, tổ chức ký kết Chương trình phối hợp giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Hoạt động này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh nước ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng, tình hình quan hệ lao động tiếp tục có nhiều biến chuyển mới, Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn đang được xem xét sửa đổi.
"Các giải pháp, biện pháp trong 2 chương trình được các bên triển khai đồng bộ, quyết liệt sẽ giúp quan hệ lao động ngày càng hài hòa, ổn định, tiến bộ, góp phần to lớn thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực lao động, ổn định chính trị, xã hội, giúp nâng cao lực năng cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo điều kiện chăm lo nhiều hơn, tốt hơn cho người lao động", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu, ngay sau buổi ký kết mỗi bên cần tuyên truyền, phổ biến nội dung chương trình trong toàn hệ thống, để cả hệ thống phải thống nhất nhận thức và cùng chung hành động phối hợp Chương trình ở tất cả các cấp. Hằng năm phải cụ thể hóa các nội dung trong Chương trình thành các hoạt động cụ thể của từng bên, của cả hai bên. Phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra và có đánh giá kết quả hàng năm để kịp thời rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai.
Phó Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho từng cơ quan, từng ngành. Đối với Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Phó Thủ tướng đề nghị phát huy kết quả, thực hiện quyết liệt hơn, toàn diện hơn, có bước đột phá trong công tác quản lý nhà nước về lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội. Thực hiện hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động của các bên, đặc biệt là người sử dụng lao động. Cùng với đó, cần chú trọng xây dựng đội ngũ quản lý đủ về số lượng, mạnh về chuyên môn, tinh thông về nghiệp vụ.
Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cán bộ ngành về quan hệ lao động. Đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh. Xây dựng chính sách trong các lĩnh vực quan hệ lao động, nghiên cứu chung về các quan hệ lao động tại các công ty FDI trong chuỗi cung ứng toàn cầu tại Việt Nam và chia sẻ kiến thức, các điển hình tốt… Trao đổi chuyên gia trong lĩnh vực liên quan, hỗ trợ phát triển cơ sở dữ liệu thông tin và nâng cao năng lực cho cán bộ trong các lĩnh vực quan hệ lao động. Triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về lao động và quan hệ lao động, tổ chức triển khai các hoạt động hỗ trợ và phát triển quan hệ lao động đạt kết quả.
"Kiểm tra tình hình thực hiện công tác quản lý nhà nước về quan hệ lao động tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Để tăng cường quản lý nhà nước về quan hệ lao động, cần đề ra các giải pháp thúc đẩy quan hệ lao động trong thời gian tới; chủ động nghiên cứu xây dựng tổ chức đại diện người lao động", Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội tham mưu giúp Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Bộ luật Lao động cần thận trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng, lắng nghe và tiếp thu đầy đủ ý kiến nhân dân và các bên. Xuất phát từ thực tiễn đề xuất các nội dung thực sự chặt chẽ, khoa học, giải quyết được những tồn tại, bất cập trong lĩnh vực quan hệ lao động hiện nay. Từ đó, thúc đẩy quan hệ lao động và thị trường lao động của Việt Nam ngày càng phát triển.