Tăng cường liên kết cung cầu trong tiêu thụ sản phẩm nông sản
- Huyệt vị
- 01:41 - 23/12/2017
Hội nghị “Giao thương, kết nối cung-cầu giữa các địa phương, nhà sản xuất với các doanh nghiệp (DN) phân phối nông sản, thực phẩm an toàn tại Hà Nội” do Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) tổ chức sáng nay (22/12) tại Hà Nội, nhằm mục đích đánh giá lại một cách toàn diện về thực trạng liên kết cung cầu trong tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn các địa phương và các DN thời gian qua.
Đồng thời tạo cơ hội cho các DN và địa phương trực tiếp giao lưu, trao đổi cùng tìm kiếm nguồn hàng đặc sản địa phương; xây dựng chuỗi nông sản an toàn, tăng cường kết nối đưa hàng hóa bình ổn thị trường phục vụ tiêu dùng trong nước.
Ông Đào Văn Hồ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp cho hay: Thị trường nông sản trong nước những năm qua đã chứng kiến liên tiếp tình trạng khó khăn trong tìm kiếm đầu ra khiến giá bán giảm mạnh và sau đó là các cuộc “giải cứu” liên tiếp diễn ra: Chuối (Đồng Nai), dưa hấu (Quảng Ngãi), ớt (Bình Định), quất (Hải Dương)… "Khủng hoảng thừa" thịt lợn lan rộng trên cả nước, khiến các “thủ phủ” chăn nuôi tại Đồng Nai, Bình Định, Hà Nội, Thái Bình… điêu đứng.
Phải nhìn vào một thực tế nội tại là không phải sản phẩm của chúng ta chưa tốt, mà khâu kết nối cung – cầu của chúng ta đang quá yếu. Một trong những “điểm chết” khiến nông sản Việt bị người tiêu dùng e ngại, là vấn đề an toàn thực phẩm. Không phải nông sản nào của chúng ta cũng kém an toàn, mà vấn đề là chúng ta chưa làm cho người tiêu dùng hiểu và yên tâm về điều này.
Theo ông Đào Văn Hồ, mặc dù hiện cả nước có khoảng 700 chuỗi cung ứng nông sản an toàn được kết nối giữa 50 tỉnh, thành phố trên cả nước, song so với nhu cầu tiêu dùng, nông sản, thực phẩm an toàn vẫn chưa đa dạng về chủng loại; còn thiếu các địa chỉ cung ứng khiến người tiêu dùng chưa có nhiều cơ hội để tiếp cận, thậm chí không biết mua ở đâu.
Ông Đào Ngọc Nam - Chủ tịch HĐQT Cty CP An Việt - cho rằng, nhiều địa phương trên cả nước có các sản phẩm nông nghiệp chất lượng tốt, nhưng khâu tiêu thụ lại khó khăn. Rào cản đầu tiên chính là các đơn vị sản xuất tại địa phương đang thiếu, khó đáp ứng những giấy tờ cần thiết đáp ứng yêu cầu, thủ tục đặt ra.
“Muốn đưa sản phẩm vào hệ thống các siêu thị, nhà hàng hiện đại, sản phẩm phải có đầy đủ giấy tờ cần thiết. Trong quá trình làm việc, khi DN tiếp xúc với các hộ sản xuất, thậm chí có người còn không hiểu phải làm thủ tục, giấy tờ như thế nào nên không thể đưa sản phẩm vào hệ thống bán hàng hiện đại. Không hẳn mọi sản phẩm đều cần tiêu chuẩn VietGAP. Người sản xuất hiểu khá mông lung về sản phẩm” - ông Đào Ngọc Nam nhấn mạnh.
Bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương cho biết: Hiện có một số sản phẩm nông sản đang là thế mạnh của Hải Dương như: hành, tỏi, cà rốt, vải thiều, gà đồi Chí Linh, gạo nếp cái hoa vàng… trong đó nhiều sản phẩm rau, củ, quả đã được xuất khẩu sang các thị trường như: Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc… và một phần sản lượng được cung cấp cho các bếp ăn công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trong đó tỉnh đã xây dựng được một số vùng trồng đạt tiêu chuẩn VietGap và sản phẩm hữu cơ như: bưởi, na, ổi, vải đã có 300ha đạt VietGap, 400ha rau đạt tiêu chuẩn VietGap, 50ha rau canh tác theo phương pháp hữu cơ… đây là nền tảng để xây dựng và phát triển mở rộng sản xuất nông nghiệp sạch ở Hải Dương.
Để phát triển được sản xuất theo hướng nông nghiệp an toàn, theo bà Hà nông nghiệp công nghệ cao thì xây dựng và mở rộng thị trường, phát triển hệ thống phân phối, bán lẻ đang là yêu cầu bức thiết đặt ra.
Một số ý kiến tại hội nghị bày tỏ quan điểm mong muốn thời gian tới cơ quan quản lý nhà nước sẽ vào cuộc tích cực hơn trong vấn đề này nhằm hỗ trợ cả đơn vị sản xuất cũng như các DN có thể gặp gỡ nhau. Đặc biệt, cơ quan quản lý ở đây không chỉ ở cấp trung ương, các bộ mà cần sâu sát đến từng địa phương, cụ thể như Sở NN&PTNT và Sở Công thương các tỉnh…