Tăng cường hơp tác về giáo dục nghề nghiệp với Vương quốc Anh
- Giáo dục nghề nghiệp
- 14:21 - 13/05/2021
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Đại sứ Giáo dục quốc tế của Anh chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã và đang kiểm soát tốt tình hình phòng chống dịch bệnh Covid-19, đảm bảo thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ Nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Với tư cách là Đại sứ Giáo dục quốc tế của Anh giúp giữ vững và xây dựng hợp tác về giáo dục ở cấp độ chiến lược quốc gia, đẩy mạnh quan hệ hợp tác đối với các quốc gia, trong đó có Việt Nam, ông Steve Smith mong muốn hai bên sẽ trao đổi về dự thảo Bản ghi nhớ hợp tác về Giáo dục nghề nghiệp giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Anh để tiến tới ký kết trong năm 2021.
Theo Dự thảo, các nội dung hợp tác phía Anh đề xuất gồm: Xây dựng chính sách về GDNN, chia sẻ kiến thức chuyên môn, nghiên cứu về nguồn nhân lực; thu hút doanh nghiệp tham gia GDNN; thực tập nghề; nâng cao năng lực cán bộ tại các cơ sở GDNN; thúc đẩy công nghệ số trong đào tạo trực tuyến, thúc đẩy các kỹ năng liên quan đến Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở GDNN của Anh và Việt Nam; phát triển các chương trình đào tạo, công nhận bằng cấp và các chương trình đào tạo trong khuôn khổ công nhận nghề nghiệp nhằm tạo điều kiện cho lực lượng lao động Việt Nam dịch chuyển trong ASEAN và toàn cầu…
Đánh giá cao những hỗ trợ từ phía Anh thời gian qua, trực tiếp là Hội đồng Anh trong các hoạt động hỗ trợ về GDNN, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng hoan nghênh đề xuất xây dựng và ký kết Biên bản ghi nhớ cấp Chính phủ về GDNN, đặc biệt trong bối cảnh phát triển GDNN là một trong những lĩnh vực then chốt để phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho rằng, các đề xuất được nêu trong dự thảo Biên bản ghi nhớ trong lĩnh vực GDNN giữa hai Chính phủ hoàn toàn phù hợp với định hướng, ưu tiên phát triển GDNN của Việt Nam.
Trả lời câu hỏi của ông Steve Smith về đề xuất các hoạt động mà Anh có thể hỗ trợ, thúc đẩy phát triển GDNN của Việt Nam, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng chia sẻ, tại Việt Nam, GDNN thường được đánh giá thấp hơn so với các chương trình giáo dục khác. Tâm lý xã hội Việt Nam nói chung vẫn còn coi trọng bằng cấp, chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của GDNN; công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học chưa thực sự hiệu quả, chưa đi vào nhận thức xã hội. Do đó, tỷ lệ tuyển sinh vào các cơ sở GDNN còn thấp so với giáo dục đại học.
"Bộ LĐ-TBXH đang xây dựng trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045, tập trung thực hiện đồng bộ 9 giải pháp. Trong đó, giải pháp tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, đổi mới cơ chế, chính sách phát triển GDNN; đẩy mạnh gắn kết GDNN với doanh nghiệp và thị trường lao động; tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng GDNN là giải pháp trọng tâm trong thời gian tới", Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, tăng cường hợp tác về các vấn đề liên quan đến đảm bảo chất lượng, kiểm định chất lượng GDNN cũng là nội dung hai bên cần đẩy mạnh hợp tác thời gian tới, bởi Anh là một trong những quốc gia có thế mạnh về hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục và đào tạo.
Thứ trưởng hy vọng và tin tưởng Bản ghi nhớ hợp tác giữa Chính phủ hai nước sẽ là cơ sở, tiền đề cho thúc đẩy hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực GDNN.