CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:33

Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế

 

Năm 2012, Việt Nam chính thức trở thành thành viên Công ước La Hay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế (Công ước La Hay). Công ước được áp dụng trực tiếp nhằm điều chỉnh việc cho, nhận con nuôi quốc tế tại Việt Nam không qua giai đoạn chuyển tiếp.

Ngay sau khi Công ước La Hay có hiệu lực thi hành, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1233 phê duyệt Đề án triển khai thực hiện Công ước La Hay giai đoạn 2012-2015 nhằm nâng cao nhận thức về Công ước La Hay và tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về nuôi con nuôi. 

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, giai đoạn 2011-2015, cả nước đã có 14.539 trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi, trong đó có 12.768 trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi trong nước và 1.771 trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài. 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh: Công ước La Hay là công cụ pháp lý quốc tế với 98 quốc gia thành viên, điều chỉnh một cách toàn diện về nguyên tắc, yêu cầu đối với việc nuôi con nuôi quốc tế để đảm bảo việc nuôi con nuôi quốc tế được thực hiện vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Sau gần 6 năm thi hành Luật Nuôi con nuôi và gần 5 năm thi hành Công ước La Hay, công tác nuôi con nuôi đã được những kết quả nổi bật.

Tuy nhiên, việc thực thi chế định nuôi con nuôi ở Việt Nam vẫn không thể tránh được những tồn tại, bất cập, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu hợp tác quốc tế và giải quyết các vấn đề nuôi con nuôi của Việt Nam là rất lớn. Điều này đặt ra Việt Nam cần thiết phải có đánh giá toàn diện thực trạng công tác giải quyết nuôi con nuôi thời gian qua, những kết quả đạt được, hạn chế yếu kém, tìm ra nguyên nhân để đưa ra giải pháp khả thi nhằm nâng cao, chất lượng hiệu quả công tác giải quyết nuôi con nuôi.

Đánh giá về tình hình thực hiện Công ước La Hay số 33, Cục trưởng Cục Con nuôi Nguyễn Thị Hảo cho biết: Trong giai đoạn 2011-2015, trên toàn quốc đã có 14.539 trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi trong đó 12.768 trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi trong nước và 1.771 trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài. Đối với nuôi con nuôi nước ngoài tính đến ngày 31/10/2016, 433 trẻ em đã được giải quyết làm con nuôi nước ngoài.

Các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ từ khâu lập danh sách, xác nhận trẻ em có đủ điều kiện làm con nuôi đến việc giới thiệu và thông báo kết quả giới thiệu trẻ em làm con nuôi nước ngoài. Nhiều trẻ em bị bệnh tật hiểm nghèo, trẻ em khuyết tật được nhận làm con nuôi, được chăm sóc và chữa trị bệnh tật trong điều kiện y tế hiện đại. Nhiều trường hợp trẻ em tìm lại được cha mẹ đẻ để đoàn tụ gia đình.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực việc triển khai công tác giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài ở một số địa phương còn chậm, hạn chế về số lượng, chưa đồng đều và chưa có sự quan tâm đầy đủ của các cấp có thẩm quyền. Việc chỉ định các cơ sở trợ giúp đủ điều kiện cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài trong thời gian qua khiến cho nhiều cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập không được tham gia giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài. Một số lượng lớn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở các cơ sở trợ giúp xã hội chưa hoặc không tìm được gia đình thay thế ở trong nước và nước ngoài.

“Cho đến nay, trên toàn quốc mới có 80/480 cơ sở trợ giúp xã hội tham gia giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài, trong số đó có 55 cơ sở trợ giúp xã hội được UBND cấp tỉnh chỉ định giới thiệu trẻ em làm con nuôi nước ngoài. Trong số 55 cơ sở nuôi dưỡng được chỉ định, 20 cơ sở nuôi dưỡng chưa hề giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài” - bà Nguyễn Thị Hảo cho biết. 

Từ những vướng mắc trên, để đảm bảo việc thực thi Công ước La Hay có hiệu quả, nhằm phục vụ đắc lực cho công tác bảo vệ trẻ em trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế, ý kiến các đại biểu cho rằng, cần tập trung tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành ở Trung ương và địa phương; tập huấn về kiến thức và kinh nghiệm tâm lý xã hội cho cán bộ công chức làm công tác nuôi con nuôi quốc tế; tăng cường trao đổi để có điều chỉnh phù hợp hoặc đưa ra những định hướng đúng trong quan hệ hợp tác về nuôi con nuôi giữa Việt Nam và các nước. Đồng thời, các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát tình hình cho, nhận con nuôi quốc tế và tình hình tài chính có liên quan đến việc cho nhận con nuôi quốc tế...   

THÀNH NAM

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh