THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:44

Bộ LĐ-TB&XH và Tư pháp phối hợp trong công tác giải quyết việc nuôi con nuôi

 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền


Nhằm nâng cao hiệu quả thi hành Luật Nuôi con nuôi và tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Tư Pháp và Bộ LĐ-TB&XH trong công tác giải quyết việc nuôi con nuôi, đồng thời tăng số lượng trẻ em đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội được giải quyết cho làm con nuôi theo quy định pháp luật, Bộ Tư pháp và Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng Quy chế “Phối hợp trong công tác giải quyết việc nuôi con nuôi đối với trẻ em đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội”.

Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: “Để trẻ em kém may mắn khi không may mất đi gia đình được hưởng sự chăm sóc, là chính sách nhân đạo. Nhiều năm qua, chúng ta đã quan tâm giải quyết nuôi con nuôi, hệ thống pháp luật cơ bản tiếp cận được chuẩn mực quốc tế. Kể từ khi thi hành Luật Nuôi con nuôi và Công ước Lahay, công tác giải quyết nuôi con nuôi đạt được nhiều kết quả tốt: 13 nghìn trẻ em tìm được mái âm thay thế trong nước; 2000 trẻ em được các gia đình nước ngoài nhận làm con nuôi. Tuy nhiên đây vẫn còn khiêm tốn so với số trẻ em có hoàn cảnh khó khăn hiện đang được nuôi dưỡng ở các cơ sở trợ giúp xã hội cần tìm gia đình thay thế”.

 

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền phát biểu tại lễ ký kết

Hai Bộ đã tăng cường tuyên truyền, tổ chức tập huấn, nhưng do chưa có cơ chế phối hợp trực tiếp giữa hai Bộ để có sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương nên số lượng lớn trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn phải sống tập trung trong cơ sở xã hội. Theo Bộ LĐ-TB&XH, cả nước hiện có 21 nghìn trẻ em đang sống tại 400 cơ sở công lập, ngoài công lập. Nhiều trẻ em tàn tật, bẩm sinh cần được nhận làm con nuôi để chăm sóc, chữa bệnh nuôi dưỡng trong môi trường gia đình. Nhu cầu nhận nuôi con nuôi có xu hướng gia tăng, nhưng người nhận con nuôi khó khăn. Nhiều người không thể thực hiện được nguyện vọng chính đáng là nhận nuôi con nuôi.

Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Việt Nam đã có những bước đi rõ ràng và tích cực nhằm đưa Công ước La Hay 1993 về Bảo vệ trẻ em và Hợp tác nuôi con nuôi quốc tế vào thực hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Luật Nuôi con nuôi và Công ước Lahay còn một số hạn chế.

Việc đăng ký nuôi con nuôi chưa được chú trọng, còn hiện tượng chưa nghiêm túc trong việc tuân thủ trình tự, thủ tục giải quyết việc nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật. Một số địa phương còn chậm giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của trẻ em cần tìm gia đình thay thế. Chương trình hỗ trợ tìm gia đình thay thế cho trẻ em có nhu cầu chăm sóc đặc biệt đã tạo sức đột phá trong công tác giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường và Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thực hiện lễ ký kết


Đồng quan điểm, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền bày tỏ, trong đời sống xã hội Việt Nam, việc nhận nuôi con nuôi đã tồn tại từ lâu, với nhiều lý do và mục đích khác nhau, nhưng lý do cơ bản, phổ biến nhất là vì lòng từ tâm, lòng thương người, muốn cưu mang, giúp đỡ những người rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Với quan niệm như vậy, việc nhận con nuôi, nhận cha mẹ nuôi đã được thực hiện khá rộng rãi trong đời sống nhân dân. 

“Vì vậy việc hai Bộ xây dựng ký kết quy chế phối hợp rất cần thiết và ý nghĩa, nhằm thúc đẩy cơ quan địa phương giải quyết kịp thời tạo điều kiện tối đa để trẻ em đang được chăm sóc nuôi dưỡng tại các cơ sở được cho nhận làm con nuôi đúng quy định pháp luật và điều ước quốc tế về nuôi con nuôi”, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư pháp” cho Bộ trưởng  Phạm Thị Hải Chuyền

 

Theo Quy chế, hai bên thống nhất các nội dung phối hợp gồm: Đôn đốc các địa phương hướng dẫn các cơ sở trợ giúp xã hội đánh giá trẻ em có nhu cầu được nhận làm con nuôi và lập danh sách trẻ em có nhu cầu được nhận làm con nuôi; Hướng dẫn các địa phương, cơ sở trợ giúp xã hội trong việc rà soát và đánh giá năng lực các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh, thành phố. Thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường năng lực cho cơ sở trợ giúp xã hội, không phân biệt cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập trong việc giải quyết nuôi con nuôi; Tổ chức các hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên công tác xã hội, cộng tác viên công tác xã hội thuộc các cơ sở trợ giúp xã hội; Định kỳ 6 tháng một lần, Bộ Tư pháp và Bộ LĐ-TB&XH thông báo cho nhau về tình hình lập danh sách trẻ em có nhu cầu được nhận làm con nuôi và tình hình giải quyết việc nuôi con nuôi trên phạm vi toàn quốc; Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về nuôi con nuôi, Quy chế phối hợp, nghiên cứu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giải quyết việc nuôi con nuôi đối với trẻ em đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội.

 

Bộ trưởng Hà Hùng Cường phát biểu tại lễ ký kết

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp LĐ-TB&XH” cho Bộ trưởng Hà Hùng Cường và Thứ trưởng Đinh Trung Tụng

“Sự phối hợp này giữa hai Bộ, là động lực để thực hiện tốt hơn việc đưa các cháu về các mái ấm tốt hơn, để được nuôi dưỡng tốt hơn, trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội, cho đất nước”, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền bày tỏ.

Cũng trong khuôn khổ lễ ký kết, hai Bộ đã trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư pháp” cho Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp LĐ-TB&XH” cho Bộ trưởng Hà Hùng Cường và Thứ trưởng Đinh Trung Tụng.

Thanh Nhung / Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh