THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:26

Tăng cường hỗ trợ người yếu thế tiếp cận các dịch vụ xã hội

 

Xác định tầm quan trọng của công tác cho vay vốn đối với người yếu thế, trong nhiều văn bản của Chính phủ cũng như các chương trình, kế hoạch của các Bộ, ngành, đoàn thể đều quan tâm đến nội dung này. Và trên thực tế, nhu cầu vay vốn của người yếu thế cũng rất lớn.
Theo kết quả khảo sát nhu cầu vay vốn, tìm việc làm của người yếu thế do Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Trung tâm nghiên cứu sức khỏe cộng đồng và phát triển (COHED) thực hiện trong tháng 7/2013, trung bình 85,5% người yếu thế được hỏi có nhu cầu vay vốn. 
Tuy nhiên, trên thực tế, số người được vay vốn rất ít. Cũng theo kết quả cuộc khảo sát nêu trên, tỷ lệ được vay vốn của người yếu thế còn thấp, chỉ có 17,1% trong số người tham gia khảo sát được vay vốn và nguồn vốn vay chủ yếu từ các chương trình, dự án hoặc vay của bạn bè, người thân.
Theo thống kê sơ bộ của 20 tỉnh, thành phố, từ năm 2012 đến nay, từ các nguồn vốn ngân sách Nhà nước và các chương trình, dự án, vốn đóng góp của Hội Phụ nữ, Hội Nông dân…, đã tổ chức cho 2.925 cá nhân/hộ gia đình vay vốn với số tiền trên 26 tỷ đồng. Trong đó, riêng 15 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm Quyết định 29/2014/QĐ-TTg đã cho 377 cá nhân/hộ gia đình vay với số tiền 9/7 tỷ đồng.

Phụ nữ bán dâm được học nghề và tạo việc làm trong dự án “Hỗ trợ xây dựng chính sách và thí điểm mô hình hòa nhập cộng đồng cho nữ thanh niên bị bóc lột tình dục tại thành phố Hà Nội.
Tiêu biểu là thành phố Hải Phòng, đã cho 1.807 người yếu thế và hộ gia đình có người yếu thế được vay số vốn là hơn 10 tỷ đồng từ các nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội, các quỹ tín dụng, quỹ của Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và các chương trình, dự án. 
Tại TPHCM, từ các nguồn của chương trình, dự án đã cho 502 người vay vốn với số tiền trên 5 tỷ đồng và 1.3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước cho 43 người này. TP. Hà Nội trong năm 2016 đã có 33 người được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo quyết định 29/2014/QĐ-TTg với số tiền 930 triệu đồng. 
Đặc biệt là dự án “Hỗ trợ xây dựng chính sách và thí điểm mô hình hòa nhập cộng đồng cho nữ thanh niên bị bóc lột tình dục tại thành phố Hà Nội” cho tổ chức Plan tài trợ trong giai đoạn 2012-2015 với số vốn khoảng 9 tỷ đồng. Dự án đã hỗ trợ được 45 mô hình sinh kế cho 48 chị em đã và đang tham gia hoạt động bán dâm mở cửa hàng kinh doanh nhỏ…
Có thể thấy, các chương trình, chính sách cho người yếu thế vay vốn phát triển sinh kế là một chủ trương đúng và nhận được sự quan tâm, đón nhận không chỉ của những người yếu thế, gia đình họ mà còn của đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội từ Trung ương đến cơ sở. Hầu hết người được vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích, phát triển kinh tế gia đình, tinh thần phấn khởi, không còn mặc cảm, tự tin làm ăn, lấy lại được niềm tin của gia đình và cộng đồng.

THÀNH NAM

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh