THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:46

Tăng cường giáo dục về quyền con người

Quyền con người (nhân quyền) là thành quả phát triển lâu dài của lịch sử nhân loại, là giá trị chung của các dân tộc. Ngày nay, quyền con người được xem là thước đo sự tiến bộ và trình độ văn minh của các xã hội, không phân biệt chế độ chính trị, trình độ phát triển và bản sắc văn hóa. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định đảm bảo quyền con người thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, là nhiệm vụ của hệ thống chính trị.

Quyền con người (nhân quyền) là tổng hợp các quyền và tự do cơ bản để đánh giá địa vị pháp lý của cá nhân. Quyền con người và pháp luật luôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó quyền con người là vấn đề quan trọng của mọi hệ thống pháp luật; khi thực tiễn lịch sử đã minh chứng quyền con người chỉ có thể ghi nhận và bảo vệ bằng pháp luật.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chính vì vậy, giáo dục pháp luật về quyền con người được ghi nhận trong nhiều văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng. Do đó, trách nhiệm của các quốc gia là phải xây dựng được chương trình, kế hoạch cụ thể về giáo dục quyền con người, đó là đưa nội dung giáo dục pháp luật về quyền con người vào hệ thống giáo dục quốc dân từ các cấp học mầm non đến cấp tiểu học, trung học và đến bậc giáo dục đại học và sau đại học.

Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục nhắm tới việc hình thành hiểu biết và giúp trẻ tự bảo vệ các quyền phù hợp độ tuổi, phát triển sự tôn trọng quyền con người, đảm bảo cho việc thực hiện và xây dựng điều kiện thực hiện quyền cho trẻ em của giáo viên, cán bộ quản lý và các cấp chính quyền. Trong đó, Chính phủ Việt Nam đặc biệt tập trung đẩy mạnh hoạt động truyền tải giáo dục về quyền con người vào chương trình đào tạo các cấp; triển khai các hoạt động nghiên cứu về quyền con người; xây dựng các chương trình, kế hoạch nhằm tuyên truyền và phổ biến pháp luật về quyền con người tại các trung tâm nghiên cứu và cơ sở đào tạo chuyên sâu. Để có thể triển khai Đề án một cách phù hợp, Việt Nam đã đưa các hoạt động giáo dục quyền con người vào các chương trình của bậc tiểu học đến bậc trung học phổ thông.

Trong chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông ban hành cùng Quyết định số 16/QĐ-BGDĐT ngày 5/5/2006 về giáo dục về quyền con người và Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em đã được lồng ghép trong các bài học sách giáo khoa tiểu học. Đồng thời, chương trình môn Giáo dục công dân ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 26/12/2018 về ban hành chương trình giáo dục phổ thông cũng đã lồng ghép các nội dung, chủ đề về quyền con người và quyền trẻ em trong giáo dục đạo đức, kỹ năng sống và pháp luật. Các kiến thức về quyền con người được gắn liền với bối cảnh sinh hoạt hàng ngày, phù hợp với nhận thức xã hội của học sinh qua từng độ tuổi.

Đối với cấp đại học, đặc biệt tại các trường có đào tạo luật như Viện Nghiên cứu quyền con người (thuộc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh), Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Luật Hà Nội (với tổng số gần 25.000 sinh viên), có một số  môn học cụ thể đã tích hợp, lồng ghép vấn đề quyền con người; khuyến khích sinh viên nghiên cứu, tìm hiểu và đào tạo chuyên sâu về vấn đề quyền con người.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang tiếp tục đẩy mạnh đào tạo kiến thức nhân quyền cho các cán bộ công chức, viên chức Nhà nước và địa phương nhằm tăng cường nhận thức, năng lực và hiệu quả công tác nhân quyền ở cơ sở. Việt Nam đã đưa nội dung giáo dục về nhân quyền vào chương trình giảng dạy tại các trường đào tạo cảnh sát, đồng thời mở nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về nhân quyền để trang bị và nâng cao nhận thức, năng lực cho toàn bộ lực lượng cảnh sát, đặc biệt là các đơn vị có liên quan đến việc bảo đảm quyền con người.

VÂN KHÁNH

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh