Tăng cường công tác tuyên truyền về ATVSLĐ đến doanh nghiệp và người lao động
- Bài thuốc hay
- 13:29 - 29/11/2019
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng quốc gia về ATVSLĐ chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có các đại biểu là thành viên của Hội đồng thuộc các Bộ, ngành: Y tế, Công thương, Xây dựng, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam…
Báo cáo những công việc đã triển khai thời gian qua, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động, Trưởng ban Thư ký Hội đồng cho biết: Sau phiên họp lần thứ II, Hội đồng đã tổ chức đối thoại định kỳ năm 2019 tại Quảng Nam. Tại phiên đối thoại năm 2019, các kết quả đã triển khai sau đối thoại năm 2018 và 131 ý kiến gửi đến Hội đồng đã được trao đổi, giải đáp. Ngoài ra, tại phiên đối thoại còn có thêm 29 nội dung ý kiến trao đổi và trả lời trực tiếp.
Phiên đối thoại năm 2019 tổ chức vào ngày 03/05/2019 tại thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Hội đồng – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Tấn Dũng cùng với sự tham gia của 200 đại biểu là đại diện người sử dụng lao động, người lao động, Sở LĐTBXH, Liên đoàn lao động các địa phương và một số Hiệp hội doanh nghiệp tham gia. Tại buổi đối thoại các đại biểu đã đưa ra những câu hỏi về các lĩnh vực: Huấn luyện ATVSLĐ; Các chế độ, chính sách về ATVSLĐ; Khai báo, điều tra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Quản lý các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn; Quan trắc môi trường lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động…
Sau đối thoại, bên cạnh những nội dung đã được trao đổi, giải đáp, còn một số nội dung vướng mắc của doanh nghiệp phản ánh đã được tiếp thu, sửa đổi tại các văn bản quy phạm pháp luật như sau: Về phía Bộ LĐTBXH đã trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 37/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật ATVSLĐ về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc (đã thẩm định Bộ Tư pháp, dự kiến trình Chính phủ ban hành năm 2019); Trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 44/2017/NĐ-CP, ngày 14/4/2017, của Chính phủ quy định mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (đã thẩm định Bộ Tư pháp, dự kiến trình Chính phủ ban hành năm 2019); Thông tư thay thế Thông tư số 13/2016/TT-BLĐTBXH, ngày 16/6/2016 của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH ban hành danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ (dự kiến ban hành năm 2019); Thông tư thay thế Thông tư số 53/2016/TT-BLĐTBXH, ngày 28/12/2016 của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH ban hành danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ (đang trình thẩm định Vụ Pháp chế, dự kiến ban hành năm 2019); Thông tư ban hành danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (đã xin ý kiến Bộ Y tế, dự kiến ban hành năm 2019).
Về phía Bộ Công thương, đã ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 03/2011/TT-BCT, ngày 15/02/2011, của Bộ trưởng Bộ Công thương về ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2011/BCT về an toàn trong khai thác than hầm lò; Bộ Xây dựng, ban hành quy định, hướng dẫn, phân loại giàn dáo; Bộ Y tế đã nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 6, Nghị định số 85/2015/NĐ-CP quy định Buồng tắm tại cơ sở lao động…
Tại cuộc họp đại diện các Bộ, ngành đã đưa ra các ý kiến trao đổi, như: Cần xem xét kỹ danh mục các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trước khi ban hành vì liên quan đến việc tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động; Cần tăng thêm số cuộc đối thoại để doanh nghiệp và Hội đồng có nhiều cơ hội trao đổi trực tiếp để tháo gỡ vướng mắc; Nên thành lập đoàn giám sát của Hội đồng để giám sát việc thực hiện công tác ATVSLĐ ở các địa phương…
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đã thẳng thắn nhìn nhận những việc làm được, cũng như những hạn chế, vướng mắc trong hoạt động của Hội đồng thời gian qua. Thứ trưởng đề nghị các thành viên Hội đồng cần rút kinh nghiệm để thực hiện hiệu quả hơn trong năm 2020, với các công việc trọng tâm là tổ chức Đối thoại kỳ năm 2020, sẽ được tổ chức kết hợp với Lễ phát động tháng hành động về ATVSLĐ. Trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cơ sở, doanh nghiệp, người lao động và toàn thể nhân dân; tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra, thăm hỏi, động viên gia đình các nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.../.