Chỉ đạo thực hiện nghiêm quản lý nhà nước vêc công tác nuôi con nuôi
- Tây Y
- 15:34 - 20/08/2018
Ảnh minh họa
Theo Bộ LĐ-TB&XH, trong hơn 7 năm qua kể từ khi thực hiện Luật nôi con nuôi và Công ước La Hay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế, công tác giải quyết việc nuôi con nuôi đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, thực hiện đúng chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với trẻ em.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác này trong thời gian qua vẫn còn bộc lộ những tồn tại, cụ thể là: Nhu cầu trẻ em tìm gia đình thay thế và mong muốn của các gia đình được nhận nuôi trẻ là rất lớn nhưng thực tế số lượng các trường hợp giải quyết còn hạn chế; khi giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài, một số cơ sở trợ giúp xã hội còn “gắn” với vấn đề hỗ trợ tài chính của cha mẹ nuôi là người nước ngoài.
Công văn nêu rõ, thực trạng trên do những nguyên nhân cơ bản như: Công tác quản lý nhà nước về nuôi con nuôi chưa chặt chẽ; công tác phối hợp liên ngành chưa hiệu quả; nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật về nuôi con nuôi ở cấp cơ sở còn hạn chế nên chưa có sự quan tâm thỏa đáng đối với công tác này; một số quy định pháp luật liên quan đã bộc lộ những tồn tại, bất cập.
Theo đó, để khắc phục thực trạng nêu trên và tạo chuyển biến đối với công tác nuôi con nuôi, sau khi trao đổi, thống nhất với Bộ Tư pháp, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tới việc giải quyết nuôi con nuôi tại địa phương tuân thủ và thực hiện nghiêm các quy định pháp luật hiện hành về trẻ em và nuôi con nuôi, Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 19/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác giải quyết việc nuôi con nuôi trong tình hình mới.
Đồng thời chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương hướng dẫn các cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện đúng trình tự, thủ tục tiếp nhận, quản lý, sử dụng các khoản hỗ trợ từ phía cha mẹ nuôi và tổ chức con nuôi nước ngoài theo quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng mục đích chăm sóc và bảo vệ trẻ em.
Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra thường kỳ và đột xuất đối với việc tiếp nhận và giải quyết việc nuôi con nuôi đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở các cơ sở trợ giúp xã hội nhằm ngăn ngừa, phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật.
Cùng đó, yêu cầu cơ quan LĐ-TB&XH cấp tỉnh, cấp huyện hướng dẫn trình tự, thủ tục tiếp nhận trẻ em vào cơ sở trợ giúp xã hội, đặc biệt là các cơ sở ngoài công lập, trong trường hợp trẻ em không được nhận chăm sóc bằng các hình thức ưu tiên khác theo quy định của pháp luật.
Rà soát danh sách trẻ em tại các cơ sở trợ giúp xã hội định kỳ 6 tháng; tiếp nhận kiến nghị của cơ sở trợ giúp xã hội để xem xét, quyết định hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chuyển trẻ em sang hình thức chăm sóc thay thế phù hợp, trong đó có nuôi con nuôi, theo quy định của Luật Trẻ em.
Rà soát, đánh giá năng lực, trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh kiện toàn cơ sở vật chất, nâng cao năng lực cán bộ, nhân viên của các cơ sở trợ giúp xã hội, đặc biệt là các cơ sở ngoài công lập, trong công tác giải quyết việc nuôi con nuôi; cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở trợ giúp xã hội đủ điều kiện.
Chỉ đạo UBND cấp xã định kỳ 6 tháng đánh giá việc trẻ em đang được các cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế để xem xét, quyết định chuyển đổi hình thức thay thế phù hợp, trong đó có nuôi con nuôi.