THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:00

Tân sinh viên với nỗi lo phòng trọ

Tân sinh viên với nỗi lo phòng trọ.

Tân sinh viên với nỗi lo phòng trọ.

Chật vật tìm nơi ở

Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh Hữu Toản (Thanh Hóa) có con theo học tại Học viện Ngân hàng đã nộp đơn đăng ký cho con vào ở KTX của trường. Tuy nhiên sau khi hoàn thiện hồ sơ, ban quản lý thông báo đã hết phòng.

“Tôi đăng ký cho con vào KTX ở để giảm bớt chi phí sinh hoạt. Số lượng phòng có hạn mà sinh viên lại đông nên tạm thời hết phòng. Ban quản lý KTX trả lời phải đợi 3 tháng nữa, khi sinh viên năm cuối tốt nghiệp thì sẽ có phòng trống để ở”, anh Toản kể lại.

Hiện, anh Toản đành cho con ở ghép với 2 sinh viên khác, phòng thuê có giá 2,5 triệu đồng/tháng. Tính thêm cả tiền điện nước và phụ phí, mỗi tháng, mỗi người sẽ phải chi trả khoảng 1 triệu đồng. Số tiền tuy không lớn nhưng đối với gia đình làm nông và đông con như anh Toản thực sự là một gánh nặng.

Với nhu cầu cần thuê nhà mức giá khoảng 2 triệu đồng/tháng, Duy Hải, tân sinh viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên (quê Phú Thọ) cho biết, muốn thuê một phòng gần trường để tiện đi lại nhưng hơn 2 tuần nay, Hải vẫn chưa tìm được chỗ nào phù hợp. Hải cho biết, sau nhiều ngày đi lòng vòng các ngõ ngách trên đường Lương Thế Vinh và Nguyễn Quý Đức, cậu vẫn chưa thể thuê được bởi những phòng trọ, căn hộ có mức giá phù hợp túi tiền thì không còn. Hiện chỉ còn loại căn hộ chung cư mini có giá đắt hơn hoặc nhà cho thuê nguyên căn từ 5 triệu đồng/tháng trở lên.

Chị Thúy Hường (Minh Khai, Hà Nội) chia sẻ, năm nay, cháu ruột ở quê trúng tuyển vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Do sợ cháu đi lại vất vả nên chị đăng ký cho cháu ở KTX nhưng không còn suất vì học viện xét theo thứ tự ưu tiên mà cháu chị không thuộc đối tượng ưu tiên. Chị đã mất khá nhiều thời gian đi tìm nhà trọ ở gần trường nhưng hầu hết đã kín người thuê. “Trước mắt tôi cho cháu đi học bằng xe buýt, dù xa và không tiện đường nhưng cố gắng khắc phục một thời gian rồi tính tiếp”, chị Hường nói.

Theo ghi nhận, hiện nhiều sinh viên không tìm được phòng trọ, bất đắc dĩ phải hợp đồng với nhà nghỉ giá 300.000 đồng/ngày, số khác lựa chọn ở homestay chật chội với giá cao đợi ngày có phòng cho thuê.

Nhiều sinh viên chia sẻ, nếu được lựa chọn, các em vẫn mong muốn được ở KTX, tiết kiệm chi phí cho gia đình, an toàn và có thêm trải nghiệm thời sinh viên. Theo các em, giá phòng, dịch vụ, điện, nước, an ninh ở KTX rất rẻ so với phòng trọ bên ngoài. Hơn nữa, thuê trọ ở ngoài cũng có nhiều rủi ro như: Lừa đảo, trộm cắp…

Chủ một khu nhà trọ ở đường Cầu Giấy cho biết, hơn một tháng nay, rất nhiều người đi tìm thuê nhà nhưng khu nhà trọ của bà đã cho thuê kín phòng từ cuối tháng 8. Năm nay, hầu hết nhà có phòng cho thuê ở khu vực này đều tăng giá khoảng 10 - 20%. Lý giải về việc phòng trọ tăng giá, chủ khu nhà trọ này cho biết, vào đầu năm học, nhu cầu thuê phòng trọ của sinh viên ngoại tỉnh tăng cao khiến phòng trọ trở nên khan hiếm. Vì vậy, nhiều chủ trọ tăng giá phòng là điều dễ hiểu.

Hỗ trợ qua các kênh thông tin của nhà trường

Đại học Quốc gia Hà Nội bố trí chỗ ở cho sinh viên một số trường thành viên ở 2 KTX thuộc quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm. Trong đó, KTX Ngoại ngữ có 1.793 chỗ ở, KTX Mỹ Đình có 2.328 chỗ ở (dành cho sinh viên nhiều trường khác). Tuy nhiên, năm nay, 5 trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội ở khu vực này là Ngoại ngữ, Kinh tế, Công nghệ, Luật, Y Dược tuyển sinh mới gần 6.000 chỉ tiêu, chưa kể số sinh viên các năm trước và sinh viên nước ngoài.

Sinh viên tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022.

Sinh viên tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022.

Tương tự, Đại học Sư phạm tuyển sinh gần 7.000 tân sinh viên nhưng KTX gồm 6 tòa nhà có khoảng 500 phòng với 2.600 chỗ ở. TS Nguyễn Văn Thỏa, Trưởng ban Quản lý KTX (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết, trường sắp xếp nhu cầu chỗ ở cho sinh viên thuộc đối tượng ưu tiên trước, sau đó mới đến các sinh viên khác.

Theo ông Trần Phúc Hòa, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh viên (Đại học Công nghiệp Hà Nội, khoảng 50% trong số 7.000 - 8.000 sinh viên có nhu cầu ở KTX, trường chỉ đáp ứng được khoảng 80%.

Giá phòng KTX của các trường đại học đang phổ biến ở mức vài trăm nghìn đồng 1 tháng cho mỗi sinh viên, đơn cử: KTX Đại học Công nghiệp Hà Nội thu 165.000 - 735.000 đồng; Học viện Báo chí và Tuyên truyền mức 200.000 - 500.000 đồng, Đại học Quốc gia Hà Nội khoảng 140.000 - 215.000 đồng. Hầu hết KTX có đủ dịch vụ, sân chơi thể thao, nhà ăn, phòng đọc, thư viện.

Các trường đại học cho biết đang cố gắng hỗ trợ sinh viên tìm phòng trọ qua các kênh thông tin của nhà trường. "Các đơn vị phụ trách kết hợp khảo sát thực tế các hộ cho thuê phòng trọ gần trường, thống kê số lượng, hình ảnh, kèm theo số điện thoại chính chủ nhà trọ và cung cấp thông tin cho sinh viên", ông Trần Phúc Hòa, Đại học Công nghiệp Hà Nội nói.

Theo ông Hòa, khi ở KTX, sinh viên phải sinh hoạt chung và tuân thủ các nội quy của nhà trường, đổi lại sẽ tiết kiệm nhiều, rèn được thói quen tốt về giờ giấc sinh hoạt, vệ sinh và đặc biệt là được đảm bảo an ninh.

TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT cho biết, Bộ GD&ĐT đang xây dựng tiêu chuẩn cơ sở đào tạo giáo dục Đại học, trong đó có tiêu chí: “KTX sinh viên và các công trình phục vụ sinh hoạt của sinh viên đảm bảo theo quy định và đáp ứng điều kiện nội trú cho ít nhất 25% tổng quy mô đào tạo (hoặc tương đương 100% quy mô tuyển sinh năm thứ nhất)”.

THANH HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh