Tân Phú Đông thoát nghèo từ khai thác lợi thế
- Dược liệu
- 12:55 - 21/10/2020
Sau gần 10 năm hình thành và phát triển, được sự quan tâm của các cấp, các ngành cùng nỗ lực của huyện, Tân Phú Đông đã từng bước nâng cấp cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tân Phú Đông hôm nay, đã có sự "thay da đổi thịt" rõ rệt của vùng đất cù lao cách trở đò giang. Dù rằng sự "chuyển mình" sau thời gian dài "ngủ quên" còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được sự mong mỏi của người dân, nhưng là tiền đề để huyện phát triển trong thời gian tới. Nổi bật là cơ sở hạ tầng được nâng cấp, điều kiện sản xuất được cải thiện, phong trào chuyển đổi cơ cấu sản xuất diễn ra mạnh mẽ, đời sống người dân được nâng lên.
Đối với khu vực phía Tây và vùng Dự án Phú Thạnh - Phú Đông được xem là "bài toán" khó trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trước tác động của xâm nhập mặn ngày càng có xu hướng gay gắt và kéo dài. Trong "cái khó, ló cái khôn", chính từ vùng đất khắc nghiệt này đã xuất hiện những cây trồng, mô hình phù hợp và hiệu quả thay thế dần những diện tích lúa kém hiệu quả.
Ông Phạm Minh Trí – GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang cho biết: Chỉ trong thời gian ngắn, cây mãng cầu Xiêm đã "bám rễ" và phát triển mạnh trên vùng đất này. Khi thành lập huyện cây mãng cầu Xiêm chỉ khoảng 200 ha, đến nay cây trồng này phát triển lên đến trên 900 ha. Bên cạnh cây mãng cầu Xiêm, cây sả cũng đang trở thành cây trồng chủ lực của huyện, giúp cho nhiều hộ thoát nghèo.
Theo thống kê, đến nay toàn huyện có khoảng 1.500 ha trồng sả, tập trung chủ yếu ở 2 xã Phú Thạnh và Phú Đông. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, đặc biệt hơn là 2 cây trồng này phù hợp với điều kiện của huyện cù lao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đánh giá của ngành chuyên môn, cây mãng cầu Xiêm và cây sả chịu hạn - mặn tốt, cho hiệu quả kinh tế cao nên thích hợp phát triển với điều kiện của vùng đất cù lao, đặc biệt là thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cùng với phát triển cây trồng, đàn vật nuôi của huyện cũng có sự chuyển biến mạnh theo hướng phát triển những vật nuôi sử dụng ít nước ngọt, ăn thức ăn từ tự nhiên. Phong trào phát triển đàn bò, dê trong dân càng được thúc đẩy khi nhiều dự án sinh kế cho người dân nghèo thích ứng với biến đổi khí hậu được triển khai trên địa bàn huyện.
Hiện, tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của cù lao; đẩy mạnh phát triển cây mãng cầu Xiêm (đạt 1.200 ha vào năm 2020) và cây sả trên nền đất lúa kém hiệu quả (tiến tới huyện không còn sản xuất lúa); chú trọng phát triển mô hình lúa - tôm, các tổ quản lý nuôi tôm cộng đồng hướng đến phát triển thủy sản bền vững… là những định hướng mà huyện Tân Phú Đông hướng đến để giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo của huyện, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Dự án Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Qua 4 năm (2016-2019), được sự hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung ương, ngân sách tỉnh và huy động cộng đồng, tổng số công trình hỗ trợ xây dựng được đưa vào sử dụng là 204 công trình, cùng với việc triển khai thực hiện các giải pháp chính sách từ Chương trình giảm nghèo, các công trình đầu tư trên địa bàn các xã đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hơn 33.700 hộ dân hưởng lợi.
Nhờ được đầu tư cơ sở hạ tầng ở huyện nghèo và các xã bãi ngang ven biển đã giúp cho người dân có thể dễ dàng lưu thông qua lại tạo điều kiện thuận lợi trong thông thương hàng hóa. Việc mở rộng đường bộ, cầu cống góp phần trong việc thuận lợi đi lại, vận chuyển hàng hóa, dịch vụ được dễ dàng đã tạo điều kiện cho việc tiết kiệm chi phí đi lại , chi phí vận chuyển, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai những chính sách hỗ trợ đầy đủ đến người nghèo. Đồng thời chú trọng thực hiện các dự án như: Dự án chương trình 30a về xây dựng cơ sở hạ tầng ở 6 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.