Ông Nguyễn Văn Danh tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang Khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025
- Tây Y
- 23:38 - 15/10/2020
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 diễn ra trong các ngày từ 13 - 15/10/2020.
Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đại hội là: “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Niềm tin - Phát triển”, đại biểu Đại hội đã tập trung thảo luận, tham luận đề ra các nhiệm vụ và giải pháp để phát triển kinh tế với tốc độ nhanh, hợp lý và bền vững; thực hiện có hiệu quả các lĩnh vực văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, đảm bảo an sinh xã hội; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên. Đại biểu Đại hội khẳng định xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh là nhân tố quyết định để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội; là hạt nhân lãnh đạo, đủ khả năng đưa Nghị quyết của Đại hội đi vào cuộc sống, tạo niềm tin vững chắc của nhân dân đối với Đảng “Ở đâu có dân thì ở đó có đảng viên”. Đại hội hết sức quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có đức, có tài đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; đây là yêu cầu, là nhân tố quan trọng có tính quyết định cho sự phát triển của tỉnh trong những năm tới.
Với tinh thần đoàn kết, dân chủ và trách nhiệm cao, đại biểu Đại hội đã lựa chọn bầu 47 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Hội nghị Ban Chấp hành (lần thứ Nhất) đã bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy 13 đồng chí, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, đạt yêu cầu về cơ cấu, về số lượng, chất lượng, thể hiện tính kế thừa và tính liên tục. Hội nghị Ban Chấp hành cũng đã bầu Ủy ban Kiểm tra 11 đồng chí và bầu Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; đại biểu Đại hội đã bầu 17 đại biểu chính thức và 2 đại biểu dự khuyết để đại diện cho trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đảng bộ tỉnh Tiền Giang đã đặt ra mục tiêu phấn đấu trong 5 năm tới (2020 - 2025) trở thành tỉnh phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Để thực hiện đạt mục tiêu này, bên cạnh việc lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt công tác, tỉnh còn phải quyết liệt thực hiện 3 khâu đột phá và 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Theo đó, 3 khâu đột phá là: Tập trung đầu tư, hình thành hệ thống các sản phẩm chủ lực, vùng động lực; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ ở đô thị và nông thôn; phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách hành chính.
7 nhóm nhiệm vụ giải pháp gồm: Nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế, tổ chức triển khai quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 theo Luật Quy hoạch; tiếp tục thực hiện theo lộ trình các Đề án tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp, công nghiệp, đô thị, thương mại, du lịch của tỉnh; đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, bảo đảm tính đồng bộ, nâng cao năng suất, chất lượng phù hợp với điều kiện hội nhập quốc tế; thực hiện hiệu quả các lĩnh vực trọng điểm, ưu tiên và liên kết tiểu vùng, phát triển nội vùng, liên vùng trong và ngoài tỉnh; cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp; tập trung tạo nguồn thu ngân sách ổn định, tiến tới tự cân đối ngân sách.
Nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa - xã hội: Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đảm bảo an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển văn hóa, thể dục thể thao; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh; tăng cường hợp tác, nghiên cứu về lĩnh vực khoa học và công nghệ; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển thị trường lao động; thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững.
Nhóm nhiệm vụ, giải pháp quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu: Tăng cường quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường; thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, bảo vệ hệ sinh thái, chủ động thích nghi và ứng phó với biến đổi khí hậu; tập trung xử lý nước thải, rác thải, cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của nhân dân; tiếp tục chỉ đạo thực hiện chặt chẽ các phương án phòng, chống hạn, xâm nhập mặn; đầu tư xây dựng khép kín các hệ thống thủy lợi; triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gắn với các phương án khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch bệnh.
Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về công tác nội chính, cải cách tư pháp: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nội chính, tư pháp; lãnh đạo thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống và xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trên các lĩnh vực; thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chủ động nắm bắt, hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng ngay từ cơ sở.
Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về quốc phòng, an ninh và đối ngoại: Tiếp tục nâng cao chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu và xây dựng lực lượng vũ trang địa phương “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự; thực hiện tốt công tác dự báo, nắm chắc tình hình, luôn giữ thế chủ động chiến lược, kịp thời phát hiện, ngăn chặn gây rối, biểu tình, gây mất an ninh, trật tự...; quán triệt, triển khai hiệu quả hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, ngoại giao nhân dân.
Nhóm nhiệm vụ, giải pháp xây dựng chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội: Phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; khơi dậy đồng bộ sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; nâng cao hiệu quả thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân; kiện toàn cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương; đảm bảo thực hiện lộ trình sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị và các loại hình đơn vị sự nghiệp công lập.
Nhóm nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Kiên trì các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình, phê bình; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; tăng cường đoàn kết; phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm, sự nêu gương trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động kiểm tra, giám sát; chú trọng đổi mới phương pháp lãnh đạo, điều hành của cấp ủy theo hướng đề cao tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách mới phát sinh, kết hợp với thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ trước mắt và lâu dài để phát triển toàn diện, bền vững.
Danh sách Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Tiền Giang, nhiệm kỳ 2020 - 2025, gồm:
+ Ông Nguyễn Văn Danh – Bí thư Tỉnh uỷ Tiền Giang.
+ Ông Võ Văn Bình – Phó bí thư Tỉnh uỷ.
+ Ông Nguyễn Văn Vĩnh – Phó bí thư Tỉnh uỷ.