THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:13

Tản mạn chuyện Tết

Tết bao hàm và khai mở đồng thời nhiều ý nghĩa đi từ kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa đến tôn giáo… Tết cũng bày tỏ được, thể hiện được khá đầy đủ thế giới quan và nhân sinh quan của một dân tộc, một xã hội, một cộng đồng, một tập thể. Không phải dân tộc Việt Nam chúng ta mới có Tết, dân tộc nào cũng có, cũng trân trọng Tết. Nhưng hiển nhiên Tết Việt Nam có những đặc sắc Việt Nam, có những phong thái Việt Nam phản ánh sinh động và tuyệt diệu nếp sống nếp nghĩ của nhân dân Việt Nam cũng như thích nghi và đáp ứng được những yêu cầu của tâm hồn và xã hội Việt Nam.

Trong suốt một năm trời ròng rã lao động, người Việt Nam không phải chỉ ăn có một cái Tết. Ngoài Tết Nguyên đán của ngày mồng một tháng giêng, còn có những Tết Hàn thực, Tết Đoan Ngọ hay Đoan Dương, Tết Trung thu… Người Việt Nam thường nói ăn Tết, Chơi Xuân, chơi Xuân kẻo hết xuân đi. Không ai nói chơi Tết ăn Xuân! Như thể trong ba ngày Tết ăn là hoạt động cơ bản nhất, chủ yếu nhất, quan trọng nhất. Tết là để mà ăn, ăn Tết, vui Tết, chơi Xuân, thưởng Xuân: ăn, vui, chơi, thưởng dù sao cũng nói lên đầy đủ thế giới quan và nhân sinh quan của dân tộc Việt Nam trong những ngày đầu của năm. Tết và mùa xuân là thời gian nghỉ ngơi, giải trí, lễ lạc, xả hơi, buông thả. Bởi vì lao động và nghỉ ngơi là hai cực của đời người và người đời. Sự bình quân, điều hòa tính phân cực, lưỡng diện được tìm thấy trong tương quan biện chứng giữa hai cực ấy. Nhất là với một dân tộc mà sinh hoạt chủ yếu là nông nghiệp, một thứ sinh hoạt gần cận thiên nhiên, thì mọi tiết điệu của đời sống cũng được gõ nhịp, được quy định, được công thức hóa rập khuôn với tần số của thiên nhiên:

Tháng giêng ăn Tết ở nhà

Tháng Hai cờ bạc tháng Ba hội hè

Tháng Tư đong đậu nấu chè

Ăn Tết Đoan Ngọ trở về Tháng Năm

Tản Mạn Chuyện Tết - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ. Nguồn internet.

Hay

Tháng Giêng ăn Tết ở nhà

Tháng Hai rỗi rãi quay ra nuôi tằm

Tháng Ba đi bán vải thâm

Tháng Tư đi gặt tháng Năm trở về

Hoặc một biến điệu ca dao khác cũng biểu hiện chu kỳ hoạt động hàng năm của thôn dân.

Tháng Giêng là tháng ăn chơi

Tháng Hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà

Tháng Ba thì đậu đã già

Ta đi ta hái về nhà phơi khô

… …

Bao giờ cho đến tháng Mười

Ta đem liềm hái ra ngoài ruộng ta

Gặt hái ta đem về nhà

Phơi khô quạt sạch ấy là xong công.

Cũng vì lẽ quanh năm chân lấm, tay bùn. Đầu tắt mặt tối nên người Việt Nam ăn Tết và thưởng Xuân thật kỹ, để bù lại, đổi lại, đắp lại theo đúng luật thừa trừ đắp đổi, tương quan biện chứng. Tất cả mọi sinh hoạt xã hội, trên mọi bình diện dường như được gia tốc, được đưa đẩy vào một nhịp độ nhanh nhất, đến chóng mặt. Những hoạt động kinh tế, thương mại được thúc đẩy mạnh hơn ngày thường. Hàng Tết đông đủ hơn, chợ Tết nhộn nhịp hơn, trong đó đáng kể nhất vẫn là những sản phẩm nhằm cung ứng cái ăn trong những ngày Tết. Lá dong, lá chuối để gói bánh chưng, bánh tét, rượu, đường, kẹo, bánh, mức sặc sỡ… Không chỉ ăn Tết người ta còn mặc Tết. Áo quần mới, vải vóc đẹp được bày biện phô trương, chiếu cố. Nhà cửa được sơn phết, trang hoàng, lâu chùi. Ăn, mặc, ở vốn là những nhu cầu cơ bản của con người cần được bồi dưỡng và đổi mới trong những ngày đầu xuân.

Tết ghi dấu sự giao thoa kỳ diệu giữa thời gian huyền thoại và thời gian bình thường. Sau những chuẩn bị được đẩy mạnh đến cực độ vào trước tết, trong những ngày tết, sinh hoạt thường nhât tưởng nên ngưng đọng, mờ nhạt, tan biến. Tết ghi dấu những ngày trọng đại thiêng liêng nhất của một năm vì là khúc quanh, chỗ rẻ giữa hai không gian, hai thế giới: thế giới trần tục và thế giới siêu nhiên. Ý niệm kiêng cữ, hên xui, may rủi những ngày đầu năm bắt nguồn ở đây. Thời gian lẫn không gian thường ngày bỗng trở nên khác thường, thiêng liêng, linh hóa đặc biệt. Có một không khí tuyệt vời, khó tả cho những ngày Tết, những ngày đầu năm. Vâng, có một cái gì xao xuyến lắm, ngây ngất lắm giữa từng không, trong hồn người.

Tết còn duy trì sự tham gia, giao tiếp của con người với thần linh, với tổ tiên, với người thân đã xa, đã khuất, đã yên nghĩ trong vĩnh cửu. Nói chung Tết là một điển hình lễ lạt khá phức tạp mang nhiều ý nghĩa xã hội, tôn giáo.

Trong những ngày tết, mỗi người đều cảm thấy như bị thôi miên, ngây ngất, kích thích trong một tâm trạng khác hẳn thường ngày. Đứng trên quan điểm động, những ngày tết-và cả những ngày giáp tết, gần tết - tương ứng với một tiến trình lưu thông gia tốc: lưu thông những của cải vật chất cũng như về mặt tâm lý, tình cảm – Ngày Tết là thời gian mở lòng đối với mọi người, ngày của tình thân thiên được trao đi, được ban phát. Thời gian của Cho và Nhận trong địa hạt kinh tế, thương mại, vật chất cũng như trong địa hạt tính giao, ái tình, tinh thần. Cơn bão lốc của Xuân của Tết lôi cuốn cả tập thể, cả cộng đồng khiến cho cá nhân, thành viên bị thu ngắn lại so với những cách biệt thường ngày. Vì lẽ đó Tết cũng còn gọi là năm mới, là Nouvel An, là New Year. Quần áo mới, dày dép mới, nhà cửa sửa sang sơn phết lại cho mới, con người mới, ước nguyện mới. Trong ba ngày tết, người ta không nhắc đến những gì thuộc về "năm ngoái, xưa rồi, cũ rồi". Đêm giao thừa là lễ "Tống cựu nghênh tân" với ý nghĩa thủ tiêu vũ trụ cằn cõi đã cũ để khai sinh một vũ trụ tinh khôi, mang đầy hy vọng. Năm mới trẻ con thêm tuổi chúc cho ngon hơn giỏi hơn. Người lớn thêm thọ, chúc cho sống lâu trăm tuổi, làm ăn phát đạt, mua may bán đắt, được mùa bội thu. Ngày tết là ngày của những hy vọng cải thiện của những ước mơ đổi mới cuộc đời. Và năm mới đã đến…

CTV Thiên Phong Vũ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh