THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:28

Tản mạn về những chiếc cầu phao

 

Vợ chồng Christo.

"Phù thuỷ" của những công trình nổi tiếng

Chisto tên thật là Christo Vladimiroff Javacheff, gốc Bulgarie, sinh ngày 13/6/1935, kết hôn cùng Jeanne - Claude Denat de Guillebon (1935 - 2009), ở Maroc. Tình yêu nghệ thuật gắn họ với nhau từ năm 1958. Cặp đôi nghệ sĩ đương đại sống ở New York, mang quốc tịch Mỹ, được biết đến qua hàng loạt công trình phủ vải hoành tráng mang tầm vóc lịch sử và địa lý nổi tiếng thế giới. Tính đến nay, không nghệ sĩ nào bền bỉ thực hiện "khoác áo" cho các công trình nghệ thuật hơn nửa thế kỉ,  gây tiếng vang được như Christo.

Christo là nghệ sĩ sắp đặt hàng đầu thế giới hiện nay. Ông dành cả cuộc đời để làm đẹp, đổi mới thị giác cho người xem khắp nơi và vẫn tiếp tục đam mê dù tuổi cao, dù người vợ - tri kỉ đồng hành đã mất.

Albert Elsen, 67 tuổi, nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật hiện đại, giáo sư môn Lịch sử nghệ thuật của đại học Tổng hợp Stanford danh tiếng ở Mỹ nhận xét: "Công trình của Christo thu hút được nhiều du khách chính là nhờ cái tài mang tính giáo dục". Bảo tồn văn hóa và môi trường đang là vấn đề nóng toàn cầu. Những kiến trúc xuyên thế kỉ sẽ chiếm không gian tự nhiên. Con người đã xây vô số dự án bền vững lớn, phá rừng, làm thu hẹp thiên nhiên. Tác phẩm phù du của Christo  nhằm thu hút mọi người quan tâm bảo vệ công trình văn hóa cổ và thiên nhiên. Thiên nhiên vốn đẹp tự nhiên. Thông thường, các nghệ sĩ quan niệm: Nếu đem giáo dục ý thức công dân vào trong tác phẩm sẽ làm hỏng đi giá trị nghệ thuật. Theo họ, nghệ thuật phải "phiêu" và xa rời cuộc sống. Còn với Christo, hai giá trị này hòa quyện trong tác phẩm của ông.

Cầu mới phủ vải màu vàng.

Christo như một kỹ sư, một nhà thầu khi thực hiện những công trình nghệ thuật "phủ" này. Ông khát khao tất cả công trình xây dựng phải là công trình nghệ thuật văn hóa. Ý tưởng này đưa ông thành nghệ sĩ chuyên thiết kế trang phục cho các công trình lịch sử, những nơi thiên nhiên hấp dẫn. Sự trang hoàng tuyệt vời này khiến nhiều kiệt tác già nua mang sức sống mới, sức quyến rũ mới, đó đòi hỏi nghệ sĩ thực hiện vừa có kiến thức kỹ thuật hiện đại và có con mắt nghệ thuật.

 Ngày 22/9/1985,  hai nghệ sĩ đã phủ toàn bộ cầu Mới (Pont neuf) - cầu cổ nhất trong 37 cây cầu bắc qua sông Seine (Paris) - ngay kè Orsay, gần Louvre - bảo tàng danh giá bậc nhất hành tinh, nơi mà du khách nào đến Pháp cũng đi qua, còn người yêu nghệ thuật thì muốn vào. Christo và Jeanne - Claude Denat đã biến bảo tàng (vốn là cung điện) cổ kính thành công trình hiện đại thu hút hàng triệu người đến xem. Tiếc rằng, những công trình của họ chỉ triển lãm kéo dài một hoặc hai tháng là kết thúc. Dưới bàn tay khéo léo và tài năng của họ, những công trình lịch sử mang vẻ đẹp xa xưa vang bóng nhiều thời bỗng thay xiêm áo.

Cầu phao ở Việt Nam: Từ thời chiến đến thời bình

Cầu phao không phải là loại cầu mới lạ. Trong chiến tranh, miền Bắc Việt Nam đã từng làm những chiếc cầu phao bằng chất liệu địa phương sẵn có như tre nứa, đò để tháo dỡ đơn giản sau khi đoàn xe, đoàn quân qua sông ban đêm, tránh bom dội ban ngày. Cục Cơ khí Việt Nam đã thiết kế cả cầu phao chìm để giấu dưới sông. 17 giờ ngày 25/2/2003,  cầu phao quân dụng do lực lượng công binh lắp ráp đã hoàn tất, nối hai bờ sông Hồng - đầu phía nam là bến Khuyến Lương (huyện Thanh Trì, Hà Nội), đầu phía bắc là bến Văn Đức (Gia Lâm). Ngay sau đó, Sở Giao thông công chính Hà Nội cùng Bộ Tư lệnh công binh đã cho thông xe kỹ thuật.

Màn treo qua thung lũng Curtain, tháng 5 năm, 1972.

Từ cuối tháng 11/2009, nhằm để cầu Thăng Long khỏi quá tải và ùn tắc trong thời gian sửa chữa, nhiệm vụ bắc cầu phao nối liền hai bờ sông Hồng được 2 đơn vị chủ lực là Lữ đoàn 239 và Lữ đoàn 249, Binh chủng Công binh, Bộ Tư lệnh Công binh thực hiện.

Điểm tập kết khí tài cách bến phà Chèm 5 km. Để vận chuyển những đốt phao nặng hàng chục tấn về bến, lính công binh phải dùng sào đẩy và chống chèo. Tại đoạn nước sông quá cạn, khi khí tài bị chệch luồng “sa lầy” trong bãi cát, cán bộ, chiến sỹ phải nhảy xuống sông đẩy trong lúc  nhiệt độ chỉ 10 độ C.Sau nhiều đêm trắng thi công, 8 giờ sáng ngày 24/11/2010, hơn 1.000m cầu phao quân sự quân sự hiện đại nhất Việt Nam chính thức được thông xe. Hàng ngày, tại bến Chèm có gần 200 chiến sỹ công binh làm nhiệm vụ kiểm tra kỹ thuật và duy trì cầu phao, túc trực 24/24 giờ .

Cầu phao dân sinh còn tồn tại khá nhiều ở Thủ đô. Tuổi đời 30 năm là cầu phao Vạn Thái (Ứng Hòa),  Đại Hùng (Mỹ Đức), trên địa bàn ngoại thành Hà Nội (Hà Tây cũ) hiện còn hơn 20 cầu phao tạm bợ, chắp vá,  có thể đứt bất cứ lúc nào, vẫn đang vận hành.

Đi cầu phao ở Milan

Tôi đến Milan cuối tháng 6, không phải để thưởng ngoạn một trong các trung tâm thời trang thế giới, mà để đi cầu phao trong những ngày cuối cùng tác phẩm này hiện diện.

Ở  tuổi 81, Chisto vẫn hăm hở sáng tạo. Ông đã làm chiếc cầu phao nối từ đảo Isola và hòn đảo nhỏ Thánh Paolo trên hồ Iseo thuộc thành phố Milan (Ý) nổi tiếng với phong cảnh non nước hữu tình tựa hồ Ba Bể ở Bắc Kạn, Việt Nam.

Cầu phao độc đáo của Việt Nam thời chiến tranh chống mỹ.

Cầu phao trên hồ Iseo ghép bằng 200 bình nhựa lớn nổi, phủ vải dù màu da cam nổi bật, dài 3 cây số nối từ đất liền và vòng quanh cù lao nhỏ. Khách vào xem miễn phí. Các dịch vụ ăn uống giải khát vẫn là những quán có sẵn từ trước. 500 tình nguyện viên tham gia trật tự và bảo đảm không cho ai đi gần mép cầu, hay thò chân xuống nước sẽ nguy hiểm. Dịch vụ để đến được khu cầu đem lại cho thị trấn nhỏ bé khoản lợi tức lớn, nhờ số lượng du lịch đông bất ngờ: Gần 1,5 triệu người trong một tháng. Từ đầu làng, các phương tiện giao thông tư nhân bị cấm, trừ người địa phương và người công vụ. Cảnh sát giao thông chặn mọi ngả đến khu cầu. Ôtô riêng phải đỗ ở các làng lân cận. Xe buýt công cộng phục vụ  đưa khách đến tận nơi. Cuối tháng 6/ 2016, trời Milan nóng như đổ lửa, dòng người nô nức đổ đến xem chiếc cầu "đoản thọ" sắp phải tháo dỡ vào ngày 3/7. Từ đầu làng đến bến cầu khoảng 4 đến 10 cây số (tùy làng). Một vài taxi được phép hoạt động, giá cả hợp lý, không "chém" du lịch. Ba hay bốn người đi taxi bằng giá đi xe buýt, đỡ phải xếp hàng chờ dài 45 phút. Taxi cũng xếp hàng khoảng 5 đến 10 phút.

Không ít du khách chỉ đi được 100 mét đã quay lại, vì nóng khủng khiếp. Nhiều người mang theo bình nước dội cả vào đầu, mặt cho mát. Các trật tự viên sẵn sàng nhiệt tình giúp múc nước hồ bằng chai lọ để dội lên đầu khách, nhằm giảm nhiệt cho cơ thể họ. Nếu ai đi hết được đến đảo nhỏ, sẽ được nhân viên cứu hộ tặng một chai nước để giải khát. Không hề có dịch vụ giải khát trong đảo nhỏ ngoài hàng kem duy nhất, bán với giá phải chăng như thường lệ. Đề phòng xô lấn xếp hàng, và ngất vì mất nước, ban tình nguyện đã phát nước cho người nào đi được đến đích như một phần thưởng quý báu lúc khát.

Tác giả trên cầu phao bắc trên hồ Iseo.

Du khách có được trải nghiệm chịu đựng nắng giữa hồ. Tôi bước trên cầu bồng bềnh như đi trên sóng. Nắng chiếu thẳng đứng, gió đi vắng. Một cảm giác hãnh diện và sung sướng khi đến đích đảo nhỏ, nơi có ngôi nhà xưa như thành cổ. Một đoạn phao lắp chỗ ngồi xung quanh thành cổ, rợp bóng cây, dưới chăng lưới để du khách nghỉ, hoặc cởi giày thả chân xuống hồ. Hơi lạnh của nước làm dịu mát cơ thể và tinh thần. Thật êm đềm khi ngả lưng trên thảm vàng tận hưởng ngắm trời xanh. Xa xa, mây trắng dịu dàng vờn núi chúc mừng bạn đã thành công - đến đích. Nước hai bên ngấm vào vải viền tạo nên màu vàng sẫm, ở giữa vàng hanh khô do nắng, trông xa ngỡ dãy hoa cúc vạn thọ mọc hai bên. Màu vàng cam tương phản màu xanh của nước hồ. Không phải thảm đỏ như ở các lễ hội điện ảnh, tôi tưởng lướt nhẹ giữa thảm hoa vàng nổi trên nước trông như bông lục bình dày đặc bồng bềnh trên sông Mê - kông. Khách có thể tận hưởng đón bình minh và hoàng hôn trên cầu bập bềnh theo giai điệu của giấc mơ hoàn mĩ trên sóng nước...

Gần triệu rưỡi khách du lịch đã làm sống động khu làng nhỏ đang ngủ yên ít người biết đến. Hồ Iseo mang sinh lực mới.

Do quá đông lượng khách du lịch, tác giả đã đề nghị đội thuyền đưa giúp khách không có khả năng đi bộ, đỡ một nửa chặng đường đi - về với giá rẻ 3 euro/1 chuyến đi, 5 euro/hai chiều. Nếu ai không đi bộ, có thể bước chân lên cầu phao dăm phút lấy cảm giác và chụp ảnh kỷ niệm. Một ngày có 25.000 người xem, vào cuối tuần con số tăng gấp đôi.

Đặc biệt, khách tham quan không ai phải mặc áo cứu hộ, 150 người đứng dọc hai bên cầu, 30 thuyền cứu hộ trực sẵn. Trên thuyền, chất nước đề phòng khách ngất xỉu (chủ yếu do bị say nắng và mất nước).

Thông điệp của Christo gửi gắm vào tác phẩm cầu phao nghệ thuật hiếm có này của ông: Cuộc sống hiện đại luôn vội vã. Không có gì vĩnh cửu. Mọi cái đều có thể mất đi. Hãy đến ngay ngắm những công trình nghệ thuật, vì ngày mai nó sẽ không còn đấy nữa!

Tôi đã đến đây, cuộc du hành lí thú. Định cư ở Pháp gần 30 năm, đã thưởng ngoạn nhiều vùng đất và thắng cảnh, nhưng chuyến đi tới Milan hôm 28/6 vừa qua là  một trong những kỉ niệm đắt giá. Cái "đắt" của những du khách may mắn được chiêm ngưỡng cầu phao kì thú ở mọi giác quan và không cách gì lặp lại. Một chuyến du lịch, không chỉ để ngắm phong cảnh, công trình nghệ thuật, tìm hiểu lịch sử văn hóa  mà còn là trải nghiệm về sức khỏe, tinh thần ý chí của mỗi cá nhân. Đó cũng là mục đích của nghệ thuật đương đại!

TRẦN THU DUNG-Ảnh: Nguyễn Tim

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh