THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:37

Tận dụng nhiều hình thức để dạy và học

Dạy và học như thế nào cho hiệu quả

Trong tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng, Hội nghị Tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục tiểu học vẫn diễn ra sáng ngày 12/8/2021 và được tổ chức trực tuyến với gần 900 điểm cầu là các Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT và một số trường tiểu học. Điều này khẳng định quyết tâm của ngành Giáo dục vẫn thực hiện nhiệm vụ của mình.

Tuy nhiên, vào thời điểm này, chắc vẫn có những người băn khoăn và rụt rè nêu ý kiến: "Sức khỏe, mạng sống của con người là quan trọng, còn học khi nào chẳng được!? Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều ca mắc, nhiều ca tử vong, cứ tạm dừng việc học lại đã!". Ý kiến này không phải không có lý, nhưng vấn đề là không ai, kể cả các chuyên gia đầu ngành trên thế giới khẳng định khi nào thì hết dịch; rất có thể dịch chẳng bao giờ kết thúc cả. Vì vậy, năm học mới đến thì phải học thôi, không thể chờ, không thể lùi vì không biết phải lùi đến khi nào.

Tư tưởng sống chung với dịch đã được con người khẳng định. Với việc tổ chức Thế vận hội Tokyo 2020 (chậm một năm) giữa lúc dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường, ngoài việc thể hiện bản lĩnh, ý chí, trí tuệ của nhân loại ra, con người còn muốn gửi thông điệp: Dù trong hoàn cảnh nào thì con người vẫn tiến hành những hoạt động có ý nghĩa như lao động sản xuất, học tập, văn hóa, thể thao… Do vậy, vấn đề của ngành Giáo dục Việt Nam bây giờ là tập trung bàn chuyện dạy và học như thế nào cho hiệu quả trong khi dịch vẫn khiến hàng ngàn người lây nhiễm mỗi ngày. Đây thực sự là một thách thức lớn, nhưng chúng ta phải tìm mọi cách để vượt qua.

Tận dụng nhiều hình thức để dạy và học - Ảnh 1.

Nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (hiện là Chủ tịch nước) đánh trống khai giảng năm học 2019-2020 tại Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội). Ảnh: KT

Phải tận dụng nhiều hình thức để dạy và học

Từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra cho đến nay, Việt Nam đã từng tổ chức dạy và học khi dịch bùng phát rồi. Hình thức chủ đạo là dạy và học trực tuyến (online), nghĩa là dùng các thiết bị kỹ thuật để giáo viên và học sinh không gặp nhau, không tập trung ở một chỗ vẫn dạy và học được. Như vậy là ngành Giáo dục đã ít nhiều có kinh nghiệm trong việc dạy và học trực tuyến. Phương pháp này đang ngày càng được hoàn thiện, nó sẽ là hình thức chủ đạo trong năm học 2021-2022.

Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, dù hoàn thiện đến mấy thì học trực tuyến cũng không thể đạt hiệu quả như thầy trò học trên lớp được. Đặc biệt, đối với cấp tiểu học, nhất là đối với học sinh lớp Một (năm nay là "lứa Dê vàng" - sinh năm 2015 có tới cả triệu em) thì hiệu quả của việc dạy và học trực tuyến là vấn đề mà nhiều người còn nghi ngại. Điều này đúng vì các em còn nhỏ tuổi, tính tự giác, khả năng tập trung còn hạn chế. Đó là chưa nói tới kỹ năng sử dụng thiết bị còn mới ở dạng sơ khai.

Vì vậy, bước vào năm học 2021 - 2022, phải tận dụng nhiều hình thức để dạy và học. Vai trò của cha mẹ, ông bà, anh chị trong việc học phải được đẩy lên cao hơn. Cha mẹ, ông bà, anh chị phải để mắt tới việc học của con em mình nhiều hơn, ngoài việc giám sát và hỗ trợ khi học trực tuyến, còn có thể trực tiếp giảng dạy cho con em mình. Các chuyên gia có đôi chút băn khoăn là những người không có nghiệp vụ sư phạm có thể dạy không đúng phương pháp. Điều này có thể xảy ra, nhưng chúng ta có thể khắc phục được bằng cách trở về với nguyên tắc tự học, nghĩa là học một cách tự giác để tự trang bị kiến thức. Nói ngắn gọn là ở đây đặt mục tiêu trang bị kiến thức lên hàng đầu, phương pháp chỉ là thứ yếu.

Một điều nữa cần phải làm ở quy mô toàn quốc là biến một số kênh truyền hình công cộng (truyền hình không trả phí) của VTV, VTC (kỹ thuật số) thành kênh truyền hình giáo dục. Những kênh này sẽ có lịch phát sóng với chương trình cụ thể, ưu tiên cấp tiểu học. Như vậy, ngoài việc học trực tuyến của các trường, học sinh còn có thể tham khảo các kênh quốc gia.

Chuẩn bị tinh thần đối phó với những xáo trộn

Đến thời điểm này, đã có nhiều tỉnh, thành thông báo lịch tựu trường; thời gian chủ yếu vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9. Riêng TP. Hồ Chí Minh sẽ bắt đầu năm học vào giữa tháng 9. Như vậy, năm học 2021 -2022 sẽ diễn ra xung quanh mốc mồng 5 tháng 9 - Ngày Toàn dân đưa trẻ đến trường. Năm nay, chắc không rộn rã, phơi phới như mọi năm, nhưng việc dạy và học vẫn được triển khai nghiêm túc.

Phải nói điều này để chính quyền và ngành Giáo dục có chính sách cụ thể để đối phó với những xáo trộn trong năm học này. Chỉ cần nhìn vào dòng người tháo chạy khỏi TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… cũng hình dung ra phần nào tính chất và quy mô xáo trộn: Sẽ có những nơi thiếu và những nơi thừa học sinh. Những tỉnh miền Trung, miền Tây Nam bộ, Tây Nguyên sẽ có thêm nhiều học sinh theo bố mẹ về xin học. Đừng gây khó dễ cho những học sinh này, vì bố mẹ và bản thân các em đã lâm vào hoàn cảnh khó khăn lắm rồi! Dù ở đâu thì học là một trong các quyền của các em mà không ai tước bỏ được.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã ý thức được những xáo trộn này nên ông nhấn mạnh: cần ưu tiên mọi biện pháp để ngành Giáo dục chuyển trạng thái, thích ứng với điều kiện mới, giảm các tác động tiêu cực. Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị việc tiếp nhận, tạo điều kiện cho học sinh học tập tại nơi cư trú do dịch Covid-19.

Trước mắt, chúng ta khẳng định là việc học vẫn diễn ra trong bất cứ hoàn cảnh nào. Còn dạy và học như thế nào cho hiệu quả thì cần có điều chỉnh, bổ sung trong quá trình dạy và học.

Hi vọng trong điều kiện khó khăn, ngặt nghèo của đại dịch Covid-19, chúng ta sẽ đoàn kết hơn, sáng tạo hơn.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT

"Học sinh lớp 1 là lứa tuổi rất đặc biệt, theo tôi các địa phương cần tính toán, dựa vào tình hình dịch bệnh mà phân luồng ra để quyết định ngày tựu trường làm sao cho lớp 1 được tận dụng thời gian vàng trong giáo dục - đó chính là học trực tiếp, hạn chế tối đa việc dạy trực tuyến. Nếu phải tổ chức dạy học online, các cơ sở giáo dục cần chọn hình thức phù hợp tâm lý lứa tuổi các em, điều kiện, hoàn cảnh gia đình, khả năng cung ứng cũng như khả năng dạy của giáo viên để giúp các em bước đầu làm quen quá trình học tập, hạn chế đến mức thấp nhất việc áp dụng một cách máy móc".

Chị Nguyễn Thu Hà - phụ huynh bé Trần Hải Nam Bình, học sinh lớp 1, Trường Tiểu học và THCS FPT Cầu Giấy

“Con tôi bắt đầu học online từ ngày 16/8 vào các buổi tối trong tuần. Lúc đầu, khá nhiều phụ huynh cảm thấy căng thẳng vì sợ các con còn quá bé để thích nghi với việc học online nhưng theo tôi, không nên quá lo lắng. Thực ra, trẻ em thích nghi nhanh lắm, trong hoàn cảnh dịch bệnh diễn ra căng thẳng như hiện nay, không thể đòi hỏi một giải pháp hoàn hảo cho tất cả mọi người được. Học sinh lớp 1 về cơ bản chỉ cần đọc thông, viết thạo, các con có cả một năm học để rèn luyện điều này chứ không chỉ là vài ba tháng online trong thời điểm giãn cách xã hội. Mặc dù chưa bao giờ được gặp cô giáo và các bạn, nhưng con tôi rất hào hứng với các giờ học online với sự đồng hành đầy lạc quan của cha mẹ”.

"Các em học sinh lớp 1 còn nhỏ và rất hiếu động nên ý thức thực hiện phòng chống dịch bệnh như đeo khẩu trang trong suốt buổi học là khó duy trì. Vì vậy, giáo viên chủ nhiệm luôn phải sát sao, nhắc nhở phụ huynh và học sinh thường xuyên thực hiện đúng theo quy tắc 5K mọi lúc, mọi nơi.
Trong trường hợp các con không học trực tiếp, để việc học online cho học sinh lớp 1 được tốt nhất có thể, các bậc phụ huynh cần chuẩn bị về tâm lý cho con em mình, chuẩn bị trang thiết bị như laptop, máy tính hoặc điện thoại thông minh và cố gắng theo sát để đồng hành cùng con trong năm học đặc biệt này".

Cô Hoàng Thị Liên (giáo viên dạy lớp 1, Trường TH Nguyễn Thị Minh Khai, Tp. Bắc Kạn).

HỒ BẤT KHUẤT

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh