CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:06

8 nhóm ngành nghề cần nhiều nhân lực ở TP. Hồ Chí Minh

 

Việt Nam vừa gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nền kinh tế đang hội nhập mạnh, dẫn theo việc trao đổi nguồn lao động giữa các nước trong khu vực và nhu cầu nhân lực của nhiều công ty tăng mạnh.

 

Thí sinh sau giờ thi THPT 2015. Ảnh: Anh Tuấn.


Nên theo nghề mình thích

Thạc sĩ Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. HCM, cho rằng, đây là cơ hội tạo thị trường lao động tự do. Nhân lực của chúng ta có thể ra nước ngoài làm việc và ngược lại. Khi Việt Nam là thị trường lao động mở, năng động, người lao động, ngoài kiến thức chuyên môn, cần có những kỹ năng cơ bản như giao tiếp, ngoại ngữ, làm việc nhóm, công nghệ thông tin, tác phong công nghiệp…

Theo vị thạc sĩ này, không phải cứ học đại học ra trường là được tham gia nhóm ngành nghề cao, không phải bằng loại giỏi là ra trường làm được việc, không phải học cao đẳng, trung cấp là khó tìm việc…

"Hàng năm, chúng ta có nhiều cử nhân kinh tế nhưng các công ty vẫn thiếu người làm kinh tế giỏi. Vì thế, các em phải vừa học giỏi chuyên môn, vừa rèn kỹ năng, trau dồi kinh nghiệm làm việc, năng động sáng tạo”, ông Tuấn nói thêm.

Vậy học sinh chọn ngành nghề trên cơ sở nào và những nghề nào sẽ "hot" trong 3 - 5 năm tới? 

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM tư vấn, tùy vào sở thích, năng lực, sở trường của mỗi người, học sinh lựa chọn ngành học mình đam mê, yêu thích. Khi ấy, các bạn mới có hứng thú để học, nghiên cứu và theo đuổi công việc trong tương lai.

Cũng theo thầy Dũng, hàng năm, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM và ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP. HCM) có khoảng 500 sinh viên nghỉ học, chủ yếu do không còn hứng thú với ngành học, thi lại trường khác để theo đuổi đam mê.

Dự đoán về những ngành “hot” trong tương lai, ông Trần Anh Tuấn thông tin, từ nay đến 2025, mỗi năm TP. HCM cần thêm 270.000 đến 300.000 nhân lực thuộc 8 nhóm ngành nghề.

Đó là các nhóm ngành nghề: Công nghệ - Kỹ thuật (chiếm 35% nhu cầu nhân lực); Kinh tế - Tài chính – Ngân hàng – Pháp luật – Hành chính (chiếm 30% nhưng tỷ lệ cạnh tranh nhóm ngành này cực kỳ cao do lượng sinh viên học nhóm ngành này cao); Kiến trúc – Xây dựng – Môi trường – Cấp thoát nước; nhóm ngành xã hội như Tâm lý học, Xã hội học, Quản trị du lịch – Khách sạn; nhóm ngành Sư phạm (Sư phạm giáo dục, Quản lý giáo dục); nhóm ngành Chăm sóc sức khỏe như bác sĩ, Y tá, Điều dưỡng, Dược; nhóm ngành công nghệ cao trong nông nghiệp; nhóm ngành văn hóa – Nghệ thuật – Thể dục thể thao.

Trong 8 nhóm ngành đó, có những ngành rất cần nhu cầu nhân lực mà các em nên chú ý như Kỹ sư nông nghiệp cao (Bác sĩ thú y, Kỹ sư nông lâm nghiệp – Thủy sản, công nghệ sinh học), Du lịch (Quản trị nhà hàng khách sạn, Lữ hành), Luật (Luật thương mại, Luật quốc tế), Cơ điện tử (Lập trình, Công nghiệp ôtô), Môi trường …

"Tuy nhiên, các em không nên chạy theo những ngành 'hot' mà phải xác lập mục tiêu, ước mơ, sở thích, đam mê của mình thì khi ấy mới dễ thành công", ông Tuấn nói.

 

Thạc sĩ Trần Anh Tuấn  tư vấn cho học sinh tại ngày hội tuyển sinh do báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức ngày 28/2 tại TP HCM. Ảnh: Hoàng Bình 

 Cần xây dựng được giá trị sức lao động

Cũng liên quan lựa chọn ngành nghề, nhiều học sinh băn khoăn: Vì sao hiện nay số lượng cử nhân ra trường thất nghiệp lớn, trong khi học trung cấp, cao đẳng dễ xin việc?

TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng phòng Công tác Sinh viên, ĐH Quốc gia TP. HCM cho rằng, nền giáo dục nước ra hiện nay, mỗi cấp bậc đào tạo có những đặc thù riêng. Bậc đại học đào tạo sinh viên mang tính hàn lâm, kiến thức chuyên sâu, nghiên cứu nhiều hơn. Bậc trung cấp và cao đẳng thiên về đào tạo thực hành. Tùy năng lực, hoàn cảnh của mỗi người mà học sinh chọn cho mình hướng đi. Dù học bậc thấp, các bạn vẫn có thể liên thông lên bậc cao hơn.

TS Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP. HCM), giải thích, câu chuyện cử nhân thất nghiệp hiện nay phần lớn do chính năng lực của mỗi sinh viên sau khi ra trường. Dù học ngành nào, khi ra trường với một tấm bằng trên tay, các em muốn xin việc phải có kiến thức và kỹ năng tốt. Cơ hội việc làm một phần do chính chúng ta tạo ra. Phải chủ động cập nhật kiến thức, kỹ năng, khi ấy các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng mới đánh giá cao.

Cũng nhắc đến vấn đề cơ hội việc làm sau khi ra trường, ông Trần Anh Tuấn nói thêm, điều cốt lõi là các em phải xây dựng giá trị sức lao động của mình (năng lực, kỹ năng, đạo đức) chứ không quan trọng bằng cấp. Vì nền giáo dục đang phát triển mạnh, chúng ta có thể học và nâng cao trình độ bằng cấp liên tục, rất đơn giản.

Thị trường lao động luôn đón nhận bốn cấp bậc lao động: Đại học, cao đẳng, trung cấp và sơ cấp. Bất cứ lao động ở cấp bậc nào cũng có thể thất nghiệp nếu không xây dựng được giá trị sức lao động và ngược lại.

Còn TS Lê Thị Thanh Mai chia sẻ, những bạn học đơn ngành như ngoại ngữ, cần phải học thêm kiến thức chuyên môn khác mới có thể cạnh tranh với người học chuyên ngành khác nhưng giỏi ngoại ngữ.

“Từng nhóm ngành nghề có sự liên kết, nên các em phải trang bị sẵn kiến thức, kỹ năng thì cơ hội việc làm sau khi ra trường sẽ rộng hơn rất nhiều. Ví dụ, học Ngôn ngữ Anh cần thêm những khóa học ngắn như sư phạm để sau đi dạy, nghiệp vụ xuất nhập cảnh để làm ở các tập đoàn kinh doanh đa quốc gia, truyền thông để làm đối ngoại ở các tập đoàn…”, TS Lê Thị Thanh Mai nhắn nhủ.

Theo HOÀNG BÌNH / news.zing.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh