CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:32

Giải mã kỳ án: Lật tẩy nguyên nhân tai nạn thảm khốc

Chiếc ô tô được cẩu lên khỏi vực sâu. ẢNH: QUẾ HÀ

Xe khách lao xuống vực sâu hơn 200 m

Đầu năm 2009, vụ tai nạn giao thông thảm khốc liên quan đến người nước ngoài xảy ra khiến cả nước bàng hoàng. Lúc đó khoảng 19 giờ ngày 13.3.2009, xe khách 30 chỗ của HTX vận tải ô tô Bình Thuận do lái xe Nguyễn Thế Lâm (40 tuổi, ngụ TP.Phan Thiết, Bình Thuận) điều khiển, chạy hướng từ Đà Lạt xuống Bình Thuận, trên xe có 22 du khách người Nga cùng tài xế và hướng dẫn viên tên Phan Bá Trinh. Khi xuống gần hết đèo Đại Ninh (còn gọi là đèo Lò Xo), xe rẽ trái, bất ngờ lao xuống vực sâu cách mặt đường hơn 200 m, khiến 9 du khách Nga và hướng dẫn viên người Việt tử vong, tài xế Lâm cùng 13 du khách Nga còn lại bị thương.

Vụ tai nạn xảy ra ban đêm, cách Nhà máy thủy điện Đại Ninh khoảng 1 km, cách khu tái định cư xã Phan Sơn (H.Bắc Bình, Bình Thuận) khoảng 20 km, nên không ai phát hiện kịp thời để báo lực lượng chức năng cứu hộ. Khoảng 19 giờ 36 phút, ông N.V.H (kỹ sư điện tử) lái xe ngang qua đây, thấy một phụ nữ nước ngoài đang quỳ gối, làm dấu thánh, xin cứu giúp. Lúc đầu ông H. rất sợ vì không biết chuyện gì, cũng sợ cướp giữa đường, nhưng thấy người này tinh thần có vẻ hoảng loạn, sợ hãi nên ông dừng xe. Biết sự việc, ông H. chở phụ nữ này về nhà máy thủy điện dưới chân đèo, sau đó cùng công nhân Công ty thủy điện Đại Ninh tổ chức cứu nạn.

Nhận tin báo, ngay trong trong đêm, các cơ quan chức năng cùng bác sĩ các bệnh viện gần đó cấp tốc đến hiện trường cứu hộ. “Nơi xảy ra tai nạn là một vực sâu hun hút, từ trên nhìn xuống độ sâu hàng trăm mét không ai nhìn thấy gì. Khi soi đèn xuống vực sâu, bên trong xe bị nạn những hàng ghế xiêu đổ, không thấy hành khách nào trong đó. Tất cả hành khách trên xe văng ra, người chết, người bị thương nằm rải rác từ đỉnh đèo xuống tận suối cạn ở vực sâu”, một người tham gia cứu hộ nhớ lại. Còn theo một cán bộ C54B có mặt tại hiện trường ngay trong đêm, chiếc ô tô 30 chỗ ngồi bị dập nát hoàn toàn, nằm ở lưng chừng vực do cây lớn cản lại. Để đưa phương tiện lên trên phục vụ giám định, điều tra, lực lượng chức năng phải thuê một chiếc xe chuyên tời cây trong rừng, móc cáp dài hơn 200 m để kéo từng mét.

Đổ lỗi do tuột phanh

Theo giới tài xế, nơi xảy ra tai nạn là khúc cua tay áo đổ dốc trên đèo Đại Ninh, khúc cua này hướng về phía bên phải và rất gắt theo hướng từ Đức Trọng đi về Bình Thuận. Độ dốc của khúc cua khoảng 30 độ và góc cua khoảng 120 độ.

Giới tài xế ví đây là khúc cua “tử thần”, hết sức cẩn trọng và làm chủ tốc độ mỗi khi tới.

Sau vụ tai nạn thảm khốc, không ít tài xế suy đoán do ô tô bị mất thắng và nếu lỗi do tài xế thì cũng khó mà chứng minh, vì xe đã hư hại hoàn toàn. Khi làm việc với cơ quan điều tra, tài xế Lâm cũng khai tai nạn do xe tuột phanh, tài xế giật thắng tay nhưng bất lực. Lâm quyết định trả số, nhưng khi trả về đến số 3 thì xe rơi xuống vực. Tài xế cũng khẳng định trước chuyến đi đã kiểm tra độ an toàn của xe và nhiều lần sử dụng thắng nhưng không có trục trặc nào xảy ra...

Lời khai của Lâm nghe rất hợp lý và logic, nhưng các chiến sĩ C54B vẫn hết sức thận trọng, bởi chiếc xe gặp nạn đời mới, máy móc đều do một hãng ô tô khá nổi tiếng của Nhật sản xuất. Cùng đó, cơ quan công an xác minh cho thấy trước đây tài xế Lâm từng gây ra một vụ tai nạn và khai báo gian dối do lỗi kỹ thuật xe, sau khi điều tra xác định do lỗi của tài xế nên Lâm bị bắt giam và đã thi hành án xong. Hai yếu tố này khiến C54B hết sức thận trọng trong giám định hiện trường, phương tiện tìm chứng cứ.

Liên tục trong nhiều ngày, các giám định viên C54B khám nghiệm kỹ hiện trường, phương tiện tai nạn, không bỏ lọt bất cứ dấu vết nào dù nhỏ nhất. Trong các dấu vết hiện trường, trên mặt đường nhựa trước khi ô tô rơi xuống vực sâu có 2 vệt dài màu đen mờ rất đáng ngờ, giống như vết thắng xe. Mang 2 mẫu trên về giám định phân tích cho thấy trùng khớp với chất liệu, dấu vết để lại trên bánh xe sau của ô tô bị nạn. Sau nhiều lần phân tích đối chứng, C54B khẳng định 2 vệt dài màu đen để lại hiện trường là vết phanh của ô tô gặp nạn. Cụ thể, vết phanh bánh đôi thứ nhất dài 1,3 m; vết thứ hai dài 6,45 m. Kết quả này cùng việc khám nghiệm phương tiện cho thấy tình trạng kỹ thuật của hệ thống phanh không có dấu vết bị hư hỏng, phá hoại hoặc lỗi kỹ thuật do nhà sản xuất, cơ quan điều tra khẳng định nguyên nhân tai nạn không phải do lỗi kỹ thuật ô tô như tài xế khai mà do sơ suất của tài xế trong khi lái xe.

Trước những chứng cứ đầy thuyết phục nói trên, tài xế Lâm phải cúi đầu thừa nhận: do đường dốc, không làm chủ tốc độ, nên đến khúc cua gắt xử lý yếu dẫn đến tai nạn thảm khốc...

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh