Tại sao người mẫu siêu gầy sẽ không bao giờ “hết mốt”?
- Văn hóa - Giải trí
- 17:23 - 24/09/2016
Mỗi khi diễn ra một tuần lễ thời trang đình đám trên thế giới, một luồng thông tin bên lề chắc chắn sẽ xuất hiện, đó là những bài báo xoay quanh những buổi trình diễn của các nhà thiết kế, các thương hiệu thời trang nổi tiếng có sử dụng người mẫu siêu gầy.
Mặc dù thái độ dành cho những show diễn thời trang sử dụng người mẫu siêu gầy là khá tiêu cực, nhưng điều đó dường như không mấy khi làm ảnh hưởng tới quyết định của nhà tạo mốt. Người mẫu siêu gầy vẫn luôn xuất hiện trở đi trở lại trên sàn catwalk và là tâm điểm tranh cãi không dứt suốt nhiều năm qua.
Có lý do nào đặc biệt khiến người mẫu siêu gầy lại được ưa chuộng đến vậy suốt từ thập niên 1990 đến nay, bất chấp những tranh cãi trái chiều, những sự chỉ trích, thậm chí lên án của truyền thông và công chúng? Dưới đây sẽ những lý giải cho hiện tượng này…
Hiện tại, một số thương hiệu thời trang đình đám đã bắt đầu sử dụng người mẫu “béo” trong trình diễn và chụp hình quảng cáo, đây là một cách để các thương hiệu này làm giảm bớt những tin bài chỉ trích và trở nên thân thiện hơn trong mắt công chúng - những khách hàng tiềm năng với vóc dáng vô cùng đa dạng.
Nhưng thực tế, tại các tuần lễ, sự kiện thời trang lớn, người mẫu siêu gầy vẫn nắm giữ vị trí chủ đạo. Thực tế, mốt người mẫu siêu gầy xuất hiện trên sàn catwalk khởi đầu từ thập niên 1990, khi cuộc sống vật chất của người dân trên khắp thế giới đa phần đều có sự cải thiện rõ rệt và hiện tượng thừa cân, béo phì bắt đầu xuất hiện phổ biến.
Trong khi cái ăn không còn là nỗi lo thường trực của con người nữa, và luyện tập giữ dáng bắt đầu trở thành mối quan tâm thường thức, thì biểu hiện của một con người thượng lưu, giàu có và ăn chơi là khi họ có dáng hình thanh mảnh, gọn gàng, săn chắc. Bởi chỉ có đối tượng này mới có đủ thời gian và kinh phí để chăm lo không ngừng cho vẻ đẹp vóc dáng của mình.
Vô hình trung, thân hình mảnh dẻ bỗng được đồng nghĩa với giới thượng lưu giàu có trong bối cảnh xã hội “muốn béo không khó, muốn gầy mới khó”.
Thêm nữa, những thương hiệu thời trang cao cấp, nổi tiếng cần phải có một sự khác biệt rõ nét mới có thể tồn tại, vì vậy, các nhà thiết kế thường phải khiến thương hiệu của mình gắn với một nét đặc trưng riêng của một phân khúc khách hàng rõ rệt.
Từ đây, các thương hiệu cao cấp bắt đầu thiết kế dòng sản phẩm mà khi khách hàng mua đồ, ngay lập tức, vị khách đó sẽ gia nhập vào “câu lạc bộ thượng lưu”, khi mà một nhãn hiệu đủ nói lên đẳng cấp, và sự thanh mảnh, săn chắc lại chính là đặc trưng thường thấy nhất của phân khúc khách hàng này. Điều đó đã được các nhà thiết kế khéo léo đưa vào sản phẩm của mình.
Đó là lý do tại sao, một số thương hiệu nổi tiếng không bao giờ sản xuất dòng sản phẩm dành cho người “ngoại cỡ” và khi tuyển chọn người mẫu trình diễn, họ chỉ chọn những người mẫu thanh mảnh. Nhóm người mẫu này là một cách “chào hàng” hiệu quả cho các sản phẩm thời trang hướng đến giới thượng lưu.
Thực tế, trong đời sống văn hóa phương Tây, gầy gò, săn chắc chính là biểu hiện đầu tiên của một con người thượng lưu.
Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, rất nhiều thương hiệu thời trang lớn đang trải qua giai đoạn khó khăn. Lúc này, tất cả các thương hiệu đều phải quan tâm hàng đầu đến việc giữ chân khách hàng lớn - những người tiêu dùng dám chi mạnh tay nhất, họ làm mọi cách để chăm sóc cho nhóm khách hàng thượng lưu - những con người thường có vóc dáng thanh mảnh.
Ngoài ra, còn có những yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng, thuộc về tâm lý của nhà thiết kế. Nhà tạo mốt nào cũng muốn trang phục của mình là nổi bật nhất, được quan tâm chú ý nhất trên sàn catwalk, tuyệt đối không phải là người mẫu. Người mẫu không được phép khiến người xem bị phân tâm khỏi mẫu thiết kế chỉ vì mải ngắm nhìn người mặc nó.
Nét tâm lý này dẫn đến việc nhiều nhà thiết kế muốn người mẫu trình diễn trong show của họ trở nên… vô hình, lúc này người mẫu trở thành những… “chiếc mắc áo” đơn thuần, và để người xem tập trung vào mẫu thiết kế, người mẫu càng có số đo 3 vòng “khiêm tốn” sẽ càng được ưu tiên, bởi người xem sẽ không quá chú tâm vào sắc vóc người mẫu nữa.
Một trong những nhà thiết kế thời trang nổi tiếng hàng đầu thế giới - Karl Lagerfeld - đã từng có những phát ngôn khá cực đoan về việc người mẫu “béo” đang khiến thế giới thời trang “vốn được tạo nên bởi những giấc mơ và những ảo ảnh” dần sụp đổ.
Trong khi nhiều nhà thiết kế khác không dám “bạo mồm” như Karl Lagerfeld, thì việc họ vẫn tiếp tục sử dụng người mẫu siêu gầy đã cho thấy phần nào sự đồng điệu trong suy nghĩ với “tiền bối của làng thời trang”.
Hiện tại, mới chỉ có Pháp là quốc gia đi đầu trên thế giới trong việc bảo vệ sức khỏe cho người mẫu, từ năm ngoái, nước này đã thông qua một đạo luật cấm sử dụng người mẫu siêu gầy.
Tất cả các người mẫu đều cần có giấy chứng nhận sức khỏe của bệnh viện, khẳng định rằng người mẫu đó có sức khỏe và cân nặng bình thường, mới được phép tham gia vào các show trình diễn thời trang.
Nhà thiết kế nào sử dụng người mẫu không có giấy chứng nhận sức khỏe, có thể bị xem là thực hiện hành vi phạm tội và có thể phải chịu mức án 6 tháng tù giam và nộp mức tiền phạt tương đương hơn 1,5 tỉ đồng.