Tái sản xuất an toàn, hiệu quả
- Bài thuốc hay
- 13:58 - 22/04/2020
Báo Quân đội nhân dân phản ánh, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) ở một số địa phương đã tái khởi động. Đây là niềm mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp và người lao động. Sau thời kỳ “sống chậm” vì cách ly xã hội, âm thanh của động cơ, tiếng máy reo vui trên công trường, nhà máy, đồng ruộng, khí thế của người lao động đã xuất hiện trở lại trong những phân khúc nhất định của đời sống. Những địa phương thuộc nhóm có nguy cơ cao, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng đã xây dựng kịch bản cho nhiệm vụ tái sản xuất sau khi dịch bệnh được khống chế. Theo lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh, nếu tình hình khả quan như mấy ngày qua, có thể cuối tháng 4 này, thành phố sẽ đủ điều kiện đề nghị Chính phủ cho phép kích hoạt tái khởi động SXKD ở một số lĩnh vực. Đó là những tín hiệu lạc quan, là niềm vui của tất cả chúng ta, nhất là cộng đồng doanh nghiệp…
Với tinh thần chủ động, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện các kịch bản, phương án, kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội sau dịch. Những nhiệm vụ cấp bách, phải làm ngay là tháo gỡ khó khăn cho SXKD, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh và trật tự an toàn xã hội.
Chủ trương của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ là những định hướng ở tầm vĩ mô. Việc vận dụng hiệu quả vào thực tiễn đời sống đòi hỏi cách thức, phương pháp, khả năng tổ chức, điều hành ở từng địa phương, cơ sở. Ngay trong thời điểm này, việc tái khởi động SXKD trên một số lĩnh vực, tại những địa phương đủ điều kiện chỉ mới dừng lại ở những phân khúc an toàn, quy mô nhỏ lẻ. Chúng ta đều biết, sự nóng vội, chủ quan dễ dẫn đến những hậu quả khó lường. Tuy nhiên, nếu dè dặt, thận trọng quá mức cũng lại kìm hãm cơ hội phục hồi và phát triển sản xuất. Để tái sản xuất hiệu quả, “chung sống an toàn với Covid-19”, đòi hỏi phải có sự đồng thuận, trách nhiệm xã hội của từng doanh nghiệp, đơn vị, địa phương.
Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, vấn đề mấu chốt hiện nay là trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, từng địa phương phải chủ động xác định, xây dựng cho được lộ trình tái khởi động sản xuất tiến tới bình thường hóa các hoạt động kinh tế khi dịch bệnh đã được khống chế hoàn toàn. Cần ưu tiên khôi phục lại những gãy đổ ở một số lĩnh vực, một số ngành chịu ảnh hưởng nặng nề trong thời gian qua.
Tại một số địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phương án xây dựng lộ trình tái sản xuất đã được chuẩn bị ngay trong giai đoạn thực hiện cách ly xã hội. Bằng việc tận dụng triệt để mạng lưới công nghệ thông minh, cấp ủy, chính quyền các cấp đã chủ động làm việc với ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất và từng doanh nghiệp để nắm tình hình, nguyện vọng, lắng nghe đề xuất, kiến nghị, hiến kế giải pháp. Cái được quan trọng trong cách làm chủ động này là giải quyết vấn đề tư tưởng cho các chủ doanh nghiệp, tạo đồng thuận để xây dựng và thực hiện kịch bản chung. Có thể ngay trong một khu vực, có những doanh nghiệp sẽ tái khởi động ngay, nhưng cũng có những doanh nghiệp do sử dụng lao động lớn, nguy cơ lây nhiễm dịch cao thì vẫn phải tiếp tục tạm dừng hoạt động.
Lộ trình cần những bước đi thận trọng, căn cơ. Cần tránh tư tưởng xả hơi, thỏa mãn, chủ quan hoặc tận dụng cơ hội dịch Covid-19 tạm lắng xuống để “lách luật”, tổ chức SXKD bằng mọi giá. Theo một số chuyên gia, muốn có lộ trình bài bản thì phải rà soát, phân loại doanh nghiệp, không chỉ theo ngành, lĩnh vực kinh tế mà phải tính đến cả quy mô, địa bàn, đặc thù hoạt động. Bất luận trong trường hợp nào, sản xuất cũng phải đi kèm với các biện pháp bảo hộ, phòng dịch chu đáo cho cả doanh nghiệp và cộng đồng.
Liên quan đến tái sản xuất kinh tế, tờ Tin tức TTXVN dẫn lời Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết, sau khi kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh COVID-19, TP sẽ lên kế hoạch xây dựng những lộ trình để mở rộng quy mô các hoạt động kinh tế, xã hội, dịch vụ theo hướng tăng dần và trở lại quy mô như cũ sau khi hết dịch bệnh COVID-19.
Cụ thể, từ nay đến tháng 5, các cơ quan chức năng, hiệp hội ngành nghề kinh doanh trên địa bàn cần tập trung ưu tiên triển khai các chính sách Chính phủ hỗ trợ cho doanh nghiệp; có kế hoạch để đến giữa tháng 5 có thể 'tận dụng" tốt các chính sách hỗ trợ có hiệu lực từ tháng 4.
Đồng thời, muốn khôi phục sản xuất, từng ngành, lĩnh vực, đơn vị, khu dân cư phải hoàn thành việc xây dựng Bộ tiêu chí đặc thù đánh giá mức độ rủi ro lây nhiễm dịch bệnh COVID-19, phấn đấu hoàn thành trước ngày 30/4 và có ký xác nhận của địa phương, cơ quan thẩm quyền để mở rộng triển khai thực hiện trong tháng 5.
“Thành phố muốn vực dậy nền kinh tế sau dịch bệnh phải dựa theo nguyên tắc chung là thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, nhưng phải đảm bảo an toàn, không phát sinh dịch COVID-19 trên địa bàn. Về lâu dài, giải pháp khôi phục kinh tế vẫn phải tăng cầu, có nghĩa là phải tăng nhu cầu tiêu dùng của người dân, phải có người cần đến hàng hóa dịch vụ mà các doanh nghiệp của thành phố tạo ra, cụ thể là đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của 10 triệu dân thành phố. Vì vậy, trước mắt các đơn vị sản xuất, hệ thống bán lẻ cần xây dựng lộ trình khôi phục sản xuất của ngành mình, trong đó tập trung phát triển, đẩy mạnh các chương trình kích cầu tiêu dùng. Bởi nếu nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố tiếp tục giảm như trong mùa dịch thì khi hết dịch, sẽ không có cách nào vực dậy nền kinh tế được”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết.