CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:24

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Sớm có kịch bản đón đầu "vực dậy" nền kinh tế sau dịch Covid-19

Đứt gãy các chuỗi cung ứng, đình trệ giao thương, lao động mất việc làm

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương sáng nay 10/4, về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, dịch COVID-19 cộng hưởng với đà suy giảm từ năm 2019 đã ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Dịch đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, gây đình trệ giao thương, đầu tư trên phạm vi toàn cầu; làm giảm cả “cung” và “cầu” trên thị trường thế giới. 

"Điều này khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, giảm quy mô; các ngành sản xuất lớn ảnh hưởng nặng nề; lao động mất việc làm, tạm ngừng hoặc thiếu việc làm tăng lên...", tư lệnh ngành KH&ĐT cho biết.

Cùng với đó, tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu và của các quốc gia đều bị tác động nghiêm trọng, nhiều nền kinh tế lớn được dự báo có mức tăng trưởng âm. 

Các trật tự và mối quan hệ về đầu tư, thương mại, đối ngoại song phương, đa phương, vai trò, vị trí của các quốc gia trên trường quốc tế có nhiều thay đổi...

Cũng giống như nhiều quốc gia khác, kinh tế - xã hội Việt Nam đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khi tốc độ tăng GDP quý I ước chỉ đạt 3,82% so với cùng kỳ, thấp nhất từ năm 2011 tới nay.

“Dịch càng kéo dài, ảnh hưởng đến nền kinh tế càng nghiêm trọng hơn, mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,8% là rất thách thức và khó đạt được. Trường hợp dịch được khống chế trong Quý II, tăng trưởng GDP dự báo đạt khoảng 5,32% và trường hợp dịch kéo dài hết đến Quý III thì tăng trưởng GDP dự báo là 5,05%”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Kịch bản đón đầu phục hồi kinh tế sau đại dịch

Về kịch bản đón đầu phục hồi kinh tế sau đại dịch, ông Nguyễn Chí Dũng nhận định, dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại đối với các nền kinh tế trên thế giới, nhưng lại là cơ hội cho những nền kinh tế nếu biết tận dụng từ việc điều chỉnh, xắp xếp lại cục diện kinh tế, thương mại toàn cầu do dịch gây ra. 

"Do đó, việc chuẩn bị trước các kịch bản và dự kiến sớm các giải pháp để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch kết thúc là cần thiết", ông Dũng nói.

Trước tiên, kiểm soát dịch thành công với số ca nhiễm mới tăng chậm, tăng nhanh số ca được điều trị khỏi, hạn chế tối đa số ca tử vong không chỉ mang ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe nhân dân mà còn có ý nghĩa lớn trong việc củng cố thêm niềm tin của người dân vào Đảng, Nhà nước; nâng cao uy tín, hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.

Tiếp theo, cần thực hiện quyết liệt, đầy đủ các giải pháp đã ban hành tại các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nhằm duy trì được các hoạt động kinh tế, xã hội ở mức hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tác động của dịch sẽ gia tăng khả năng “bình phục” nhanh và “bứt phá” cho nền kinh tế sau khi dịch qua đi. 

Đồng thời, Bộ trưởng KH&ĐT nhấn mạnh, gia tăng mối quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế đối với Việt Nam như là một điểm đến đầu tư, kinh doanh an toàn, bền vững.

Bên cạnh đó, cần đánh giá các tác động của dịch tới các ngành, lĩnh vực, nền kinh tế đất ước; nghiên cứu và dự báo những xu thế, cơ hội và xác định những động lực mới cho tăng trưởng làm cơ sở đẩy nhanh việc cơ cấu lại nền kinh tế cho phù hợp với những chuyển dịch, cấu trúc mới, như nhu cầu phát triển và chuyển đổi số, nhu cầu về lao động, xu hướng đầu tư, xu hướng tiêu dùng...

Ngoài ra, cần hình thành sớm các kịch bản “vực dậy” nền kinh tế, cụ thể hóa đến từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng khu vực doanh nghiệp trước khi dịch kết thúc để nền kinh tế sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động mới; đủ sức cạnh tranh, chủ động tham gia vào các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị mới được hình thành sau dịch. 

"Tranh thủ nắm bắt, tận dụng mọi cơ hội để đất nước phát triển nhanh và bền vững không chỉ "bằng" mà phải "hơn" thời điểm trước khi dịch bùng phát", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh