THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:22

Tái hòa nhập việc làm cho lao động di cư về nước trong ASEAN

Đây là hoạt động thuộc Kế hoạch công tác của Ủy ban thực hiện Tuyên bố ASEAN về Bảo vệ và Thúc đẩy quyền của người lao động di cư (ACMW) giai đoạn 2021-2025 do Việt Nam chủ trì với sự hỗ trợ của Quỹ Châu Á (TAF).

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp với sự tham gia của các đại biểu đến từ các đơn vị liên quan thuộc Bộ LĐ-TB&XH; Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm dịch vụ việc làm, đại diện Tổng liên đoàn lao động Việt Nam; đại diện Liên đoàn thương mại và Công nghiệp Việt Nam; đại diện các tổ chức quốc tế (ILO, IOM, UNWomen)…

Tham dự trực tuyến có đại diện thuộc Ủy ban thực hiện Đồng thuận ASEAN về Bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư ASEAN (ACMW) và Ban thư ký ASEAN.

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan và ông Balboutin - Phó Giám đốc Quỹ châu Á điều hành Hội thảo

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan và ông Balboutin - Phó Giám đốc Quỹ châu Á điều hành Hội thảo

Hội thảo nhằm trình bày và trao đổi về dự thảo báo cáo Nghiên cứu Quốc gia của Việt Nam “Tái hòa nhập thị trường lao động cho lao động di cư trở về trong khu vực ASEAN” để hiểu rõ hơn những thách thức, cơ hội mà lao động di cư trở về gặp phải trong việc tái hòa nhập vào cộng đồng và nơi làm việc. Trên cơ sở đó, Hội thảo sẽ thảo luận về một số khuyến nghị chính sách, giải pháp nhằm hỗ trợ hơn nữa cho người lao động.

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan phát biểu khai mạc Hội thảo

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan phát biểu khai mạc Hội thảo

Trong bài phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đã điểm lại những chuyển biến tích cực của thị trường lao động trong nước nói chung và với việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nói riêng và nhấn mạnh vai trò quan trọng của lực lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài cần được huy động và sử dụng có hiệu quả vì mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đây là một chủ trương được Đảng và Nhà nước quan tâm, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động về nước đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho mình và cho người khác.

“Để thực hiện được những mục tiêu này, Bộ LĐ-TB&XH với sự hỗ trợ của Quỹ Châu Á tổ chức cuộc Hội thảo để chia sẻ những nghiên cứu có được từ Báo cáo quốc gia của Việt Nam về Tái hòa nhập thị trường lao động cho người lao động di cư cũng như tạo diễn đàn trao đổi cởi mở về những cơ hội và thách thức mà lao động di cư trở về gặp phải trong việc tái hòa nhập vào cộng đồng và thị trường lao động” – Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết.

Ông Balboutin - Phó Giám đốc Quỹ châu Á phát biểu

Ông Balboutin - Phó Giám đốc Quỹ châu Á phát biểu

Theo báo cáo tại Hội thảo, thời gian qua, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng; thị trường lao động được mở rộng, đặc biệt là các thị trường có mức thu nhập và điều kiện lao động tốt; thị phần của lao động Việt Nam tại một số nước, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… gia tăng đáng kể; nhiều thị trường mới đã được mở ra như Australia, New Zealand, Cộng hòa liên bang Đức, Cộng hòa Séc, Slovakia, Rumani; số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng ổn định, từ năm 2014 đã vượt qua con số 100.000 người/năm; trong giai đoạn từ 2013 đến 2021 đã đưa được gần 1 triệu lao động lao động đi làm việc ở nước ngoài; lao động đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao hơn so với cùng công việc trong nước; đóng góp đáng kể vào nguồn ngoại tệ của đất nước, tăng tích luỹ và cải thiện đời sống người lao động. Công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã mang lại những chuyển biến tích cực của thị trường lao động trong nước nói chung và với việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nói riêng.

Bà Katherine Loh - Tư vấn quốc tế trình bày về những phát hiện chính và khuyến nghị trong Báo cáo quốc gia của Việt Nam về việc làm cho lao động di cư về nước.

Bà Katherine Loh - Tư vấn quốc tế trình bày về những phát hiện chính và khuyến nghị trong Báo cáo quốc gia của Việt Nam về việc làm cho lao động di cư về nước.

Tại Hội thảo, qua những trao đổi của các bên liên quan đã cung cấp được cái nhìn tổng thể đầy đủ và sát thực, từ đó đưa ra các khuyến nghị về hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài quay trở về một cách hiệu quả cũng như kết nối giữa thị trường lao động trong nước và khu vực.

Ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước phát biểu về các chính sách hiện hành hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài về nước và góp ý về kết quả nghiên cứu và kiến nghị của nhóm nghiên cứu trong dự thảo báo cáo

Ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước phát biểu về các chính sách hiện hành hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài về nước và góp ý về kết quả nghiên cứu và kiến nghị của nhóm nghiên cứu trong dự thảo báo cáo

Nhìn chung, di cư lao động quốc tế nói chung và di cư lao động trong ASEAN đã gia tăng trong những thập kỷ qua. Dù chững lại trong giai đoạn đại dịch Covid-19, thị trường lao động ngoài nước đã gần như phục hồi sau đại dịch với số người lao động đi làm việc ở nước ngoài qua trở lại đạt mức trước đại dịch. Tuy nhiên, với những kinh nghiệm về ứng phó với khủng hoảng thu được trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã có nhiều đổi mới trong chính sách cũng như hướng tiếp cận để có thể bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cũng như tận dụng những thế mạnh mà lực lượng lao động có kinh nghiệm này có thể mang lại cho nền kinh tế.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Dự kiến, Báo cáo quốc gia của Việt Nam sẽ được hoàn thiện trong Quý I năm 2023. Trong giai đoạn tiếp theo, Báo cáo của Việt Nam sẽ được sử dụng làm tiền đề để xây dựng phương pháp tiếp cận vấn đề với các quốc gia trong khu vực ASEAN nhằm xây dựng báo cáo cấp khu vực về Tái hòa nhập cho lao động di cư trở về.

THÙY HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh