Lao động di cư: “Lấp đầy” khoảng trống về việc làm của các quốc gia ASEAN
- Bài thuốc hay
- 04:35 - 21/04/2021
Chiều ngày 20/4, Bộ Lao động – TB&XH tổ chức trực tuyến "Diễn đàn đối thoại cấp cao về lao động di cư" kết hợp "Lễ ra mắt "Nghiên cứu so sánh pháp luật và các chính sách liên quan tới quản lý lao động di cư trong ASEAN".
Sự kiện này thực hiện Kế hoạch công tác của Nhóm công tác về các điển hình lao động tiên tiến nhằm tăng cường tính cạnh tranh trong ASEAN (SLOM-WG) giai đoạn 2016-2020 và Ủy ban thực hiện Tuyên bố ASEAN về Bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư (ACMW), do Bộ Lao động – TB&XH Việt Nam với sự hỗ trợ của Ban Thư ký ASEAN và Cơ quan đối thoại EU-ASEAN phối hợp tổ chức.
10 triệu lao động di cư đang sống, làm việc trong ASEAN
Diễn đàn có sự tham dự trực tuyến của các quan chức, đầu mối phụ trách lĩnh vực lao động của các nước thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, Đại diện Liên minh Châu tại ASEAN, các chuyên gia tư vấn của Cơ quan đối thoại EU-ASEAN, đại diện các tổ chức quốc tế và các đối tác khác của ASEAN.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh khẳng định, với vị trí là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới, ASEAN nói chung và tất cả các quốc gia thành viên ASEAN đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động nói chung và của lao động di cư nói riêng.
Thứ trưởng cho biết, với thống kê gần đây nhất của Liên Hợp quốc, có gần 6,8 triệu lao động di chuyển nội khối trên tổng 10 triệu lao động di cư hiện đang sống và làm việc trong ASEAN, xu hướng dịch chuyển lao động trong và ngoài ASEAN sẽ ngày càng gia tăng đồng hành các bước tiến của quá trình hội nhập và khẳng định vị thế của ASEAn trước toàn thế giới.
"Xu thế này đã và sẽ ngày càng đòi hỏi sự quan tâm và bảo vệ từ tất cả các quốc gia thành viên ASEAN với người lao động di cư", Thứ trưởng nói.
Vì thế, để chuẩn bị cho một tương lai việc làm, trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng, với mục tiêu lấy con người làm trung tâm của sự phát triển và với xu thế hiện nay, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nêu rõ, Việt Nam đã lựa chọn thực hiện "Nghiên cứu so sánh pháp luật và các chính sách liên quan tới quản lý lao động di cư trong ASEAN" trong năm Chủ tịch ASEAN 2020.
"Nghiên cứu này nhằm tạo ra một khuôn mẫu trong việc giải quyết các thách thức phức tạp cũng như được hưởng lợi đầy đủ hơn từ xu hướng dịch chuyển lao động toàn cầu đang ngày càng gia tăng", Thứ trưởng nhấn mạnh và bày tỏ vui mừng khi Nghiên cứu này đã được hoàn thiện và được ra mắt ngay trong Diễn đàn này.
Khẳng định Báo cáo đã đưa ra một bức tranh tổng thể về luật pháp và các quy định về lao động di cư tại các nước thành viên ASEAN, theo ông Lê Văn Thanh, cũng đồng thời đề cập đến các thách thức riêng của từng nước cũng như những thách thức chung trong khu vực trong lĩnh vực này.
Thứ trưởng cho rằng: "Với việc sử dụng những kết quả của nghiên cứu này, các cơ quan phụ trách lao động, nhập cư, an ninh, giáo dục nghề nghiệp và thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau có thể làm việc cùng nhau để mở ra tiềm năng hợp tác, tăng cường quản lý lao động nhập cư để thúc đẩy sự di chuyển nhiều hơn cũng như được hưởng lợi đầy đủ hơn từ kỹ năng và tài năng của người lao động di cư."
Phân tích toàn diện về xu hướng di cư lao động trong khu vực
Tại Diễn đàn, Ông Igor Driesmans Đại sứ Liên minh Châu Âu tại ASEAN cho biết kết quả của nghiên cứu và diễn đàn hôm nay sẽ cung cấp những đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy đối thoại và trao đổi giữa Liên minh châu Âu và ASEAN.
"Theo đó, các tổ chức quốc tế, các Bộ và các bên liên quan khác có thể sử dụng tài liệu này để điều chỉnh chính sách và cải thiện cuộc sống của người lao động di cư tại các nước thành viên ASEAN", Đại sứ Liên minh Châu Âu tại ASEAN nói.
Đồng thuận, ông Kung Phoak, Phó Tổng Thư ký ASEAN, Phụ trách Cộng đồng Văn hóa xã hội ASEAN, cho biết, lao động nhập cư ASEAN trong khu vực mang ý nghĩa then chốt đối với sự phát triển kinh tế xã hội.
"Người lao động di cư, lấp đầy khoảng trống về việc làm trong thị trường lao động của các quốc gia và là nguồn kiều hối quan trọng chảy vào các quốc gia", vị Phó Tổng Thư ký ASEAN nhấn mạnh và dự báo trong tương lai, sự tăng trưởng kinh tế ASEAN sẽ được phục hồi mạnh mẽ khoảng 5,5% vào năm 2021. Cùng với sự phục hồi kinh tế này, nhu cầu về lao động di cư cũng được dự báo tăng trong thời gian tới.
Các nước ASEAN từ lâu đã nhận ra tầm quan trọng của lao động di cư đối với khu vực. Trong đó, "Đồng thuận ASEAN về Bảo vệ và Thúc đẩy Quyền của người lao động di cư", các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN, và Khung tham chiếu trình độ ASEAN... là một số cam kết chung đang cùng kết hợp để hỗ trợ tính di động và sự an toàn của người lao động.
Nhận định Báo cáo nghiên cứu, so sánh về Luật và Chính sách trong quản lý lao động di cư ở ASEAN là một sáng kiến trong khu vực do Việt Nam hỗ trợ thực hiện hiệu quả những cam kết chung của ASEAN, theo ông Kung Phoak, Báo cáo đã phân tích toàn diện về xu hướng di cư lao động trong khu vực, và các nước ASEAN cũng đã quản lý sự di chuyển của lao động nhập cư ở tất cả các ngành nghề, gồm những ngành nghề thuộc phạm vi các thỏa thuận lẫn nhau trong ASEAN".
Bên cạnh các nội dung về Báo cáo Nghiên cứu, các đại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Nội cũng như các điểm cầu ASEAN đã trao đổi về hai chủ đề chính về:
Triển vọng hiện tại và thách thức trong tương lai trong việc cải thiện hệ thống giấy phép lao động ở ASEAN nhằm làm hài hòa hoạt động di chuyển lao động; Và kết nối việc công nhận kỹ năng với tiếp cận thị trường lao động dựa trên những hiểu biết sâu sắc từ kinh nghiệm của ASEAN và Liên minh Châu Âu.
Có thể thấy, các cơ hội tập trung vào hợp tác khu vực và học hỏi lẫn nhau có thể cho phép AMS không những giải quyết những thách thức phức tạp mà gia tăng di cư mang lại cho các nước ASEAN mà còn hưởng lợi đầy đủ hơn từ các kỹ năng và tài năng của lao động di cư.
Đưa ra quan điểm về Báo cáo "Nghiên cứu so sánh pháp luật và các chính sách liên quan tới quản lý lao động di cư trong ASEAN", ông Benedikt Buenker, DG Việc làm của Ủy ban EU đánh giá cao đây là "Báo cáo tổng quát, có giá trị, bao gồm nhiều vấn đề về dịch chuyển lao động, quyền con người, cũng như phí tuyển dụng và quyền cơ bản của lao động di cư".
Báo cáo Nghiên cứu này cung cấp bức tranh toàn diện đầu tiên về pháp luật và thực tiến quản lý người lao động di cư tại các nước thành viên ASEAN với việc đánh giá những khác biệt về luật pháp và chính sách trong quản lý nhập cảnh và lưu trú, sáp nhập và xuất cảnh của người lao động nước ngoài theo tất cả các cấp độ kỹ năng và bao gồm các nghề nghiệp theo 8 Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau của ASEAN.
Những kết quả của Báo cáo sẽ hỗ trợ các nước thành viên ASEAN hệ thống hóa khung chính sách và pháp luật bằng cách áp dụng Chỉ số Tiếp cận Thị trường Lao động Quốc tế (ILMA) đồng thời thúc đẩy việc chía sẻ các điển hình tốt và tăng cường tính nhất quá về chính sách và pháp luật trong khu vực.