THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:05

Tái hiện lễ hội Bạch Hạc xưa

 

Chúng tôi về với Bạch Hạc - nơi gặp gỡ của con sông Hồng đỏ nặng phù sa với dòng sông Lô và sông Đà xanh biếc, nơi gắn liền lịch sử phát triển dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt. Tương truyền vào buổi đầu dựng nước, Lạc Long Quân từ trên núi Nghĩa Lĩnh nhìn về phương Nam thấy ba con sông hợp lưu tạo thành bãi phù sa trù phú, có đàn hạc đậu trắng một vùng đẹp tựa tiên nga nên gọi đó là Bạch Hạc - nơi đất lành chim đậu, lan tỏa vượng khí núi sông. Cũng từ điểm giao nhau đặc biệt của tam giang, dòng nước đỏ nặng phù sa từ đồng bằng châu thổ hòa vào dòng thủy lưu xanh biếc từ núi cao tạo thành một màu sắc đặc biệt, huyền bí.

Theo truyền thuyết, tại ngã ba sông Bạch Hạc, Hai Bà Trưng đã lấy bãi Hạc và bến Tam Giang làm nơi đóng thuyền chiến và huấn luyện quân sỹ. Đến đời nhà Trần, danh tướng Trần Nhật Duật đã lấy bãi sông Bạch Hạc làm nơi luyện thủy quân, đóng chiến thuyền đánh đuổi giặc ngoại xâm. Cũng từ tích chuyện ấy mà lễ hội bơi chải và nghề đóng thuyền của ngư dân sông nước Bạch Hạc đã có hàng nghìn năm nay. Thấm đượm tinh thần thượng võ và hào khí oanh liệt của các trận chiến trên sông  nước mà nghề làm thuyền của người dân Bạch Hạc hình thành và phát triển hàng nghìn năm nay.

Một số hình ảnh tái hiện lễ hội bơi thuyền tại vùng Bạch Hạc xưa.

Về thăm Bạch Bạc trong những ngày diễn ra lễ hội mới thấy hào khí lịch sử và tinh thần thượng võ ấy càng tô đậm trong mỗi con người và mảnh đất ven sông này. Dẫn tôi tận mắt thấy những con thuyền của người dân trong vùng đóng để chuẩn bị cho cuộc thi bơi chải năm nay, ông Nguyễn Văn Công, 76 tuổi, Phó Ban quản lý đền Tam Giang, tự hào vì là người dân Bạch Hạc, được chứng kiến và tham gia tư vấn thiết kế cho những con thuyền mang đầy đủ yếu tố lịch sử. Theo ông Công, hội đua thuyền có trên 3.000 năm đã trở thành truyền thống lâu đời trong đời sống văn hoá. Điều này còn lưu giữ trên thân các trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, sông Đà, Quảng Xương… đều chạm hình những chiếc thuyền đang đua bơi.

Thực tiễn cuộc sống là một yếu tố quan trọng tạo nên dấu ấn văn hoá vùng, là tiền đề cho sự hình thành lễ hội sông nước tại không gian di tích đền Tam Giang, chùa Đại Bi. Một yếu tố quan trọng nữa là vai trò của các nhân vật lịch sử đã từng lập chiến công lẫy lừng bằng những cuộc thuỷ chiến như: Kiều Công Hãn khi cát cứ thành Tam Giang cũng tu sửa lại đền, chùa này. Vua Lê Đại Hành cho con thứ tư là Ngọc Man Long Vương Đĩnh trấn thủ thành Bạch Hạc nhân đó cũng trùng tu đền, chùa...

Để ghi nhớ công ơn của các tướng lĩnh, lễ hội bơi chải ra đời nhằm ghi lại những chiến công thuỷ chiến lừng lẫy trên sông Hạc. Sự ra đời của lễ hội bơi chải gắn bó chặt chẽ và tạo linh hồn,  sức sống mạnh mẽ và có dấu ấn rõ nét. Lễ hội bơi chải gắn liền với nghề đóng thuyền (còn gọi là chải). Chải của Bạch Hạc ngày xưa làm từ cây gỗ chò đẽo liền có tới 24 khoang, mỗi khoang từ 1m đến 1,2m với 48 tay chèo cùng một người cầm lái, một người gõ mõ hiệu. Bạch Hạc có 4 giáp là Tiên Hạc, Thần Chúc, Đông Nam, Hộ Đầu, nên trải của 4 giáp sơn 4 màu xanh, đỏ, trắng, vàng để phân biệt. Quần áo của các tay chèo cho đến cờ bà mái chèo đều cùng một màu với màu chải.

Buổi sáng tiệc tế, 20/5 âm lịch các chải bơi từ cửa đình Hạc về tới Gát, tức làng Tiên Cát, Việt Trì (nay là khu vực nhà máy xay) sau đó quay về cầu Việt Trì, qua Gát về đình Hạc. Hiện nay các chải của Bạch Hạc, Trưng Vương, Phượng Lâu, sông Lô độ dài chỉ bằng 1/3 chải truyền thống, chỉ đủ chỗ cho 6 tay chèo, một người cầm lái và một người gõ mõ hiệu. Cũng đầu rồng đuôi tôm nhưng kiểu dáng còn nhiều nét thô.

Người dân hào hứng với lễ hội bơi thuyền.

Gặp anh Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Bạch Hạc (TP. Việt Trì), anh phấn khởi cho biết: Bạch Hạc là phường “cửa ngõ” của thành phố, nằm trên vùng đất hợp lưu của ba con sông: sông Đà, sông Lô, sông Hồng, như ba con rồng uốn khúc về chầu. Đã từ lâu, Bạch Hạc là phường có thế mạnh nhất thành phố về vận tải thủy. Anh cho biết, trước đây nguời dân vùng Hạc đóng thuyền gỗ để phục vụ việc đánh bắt cá và sinh sống trên sông, nhưng do nhu cầu và sự phát triển chung, những năm 80, người ta thay thuyền gỗ bằng thuyền sắt, chỉ có mái chèo là bằng gỗ. Hiện nay phường có hàng chục doanh nghiệp tư nhân làm nghề đóng thuyền, tổng số phương tiện vận tải thủy khoảng 220 chiếc.

 60% người dân Bạch Hạc sống chủ yếu dựa vào sông nước, họ  sinh sống và làm nghề tại các bến bãi thuộc sự quản lý của các doanh nghiệp tư nhân đóng trên địa bàn, ngoài ra, họ còn làm thêm một số dịch vụ liên quan khác; số người dân còn lại trên địa bàn phường làm nông nghiệp. Nghề đóng thuyền đã và đang mang lại lợi nhuận khá, đóng góp tích cực vào ngân sách địa phương.

Một trong những người có đóng góp và duy trì nghề sông nước truyền thống này là anh Mai Thanh Chung, người con của đất Hạc, Giám đốc Công ty TNHH Cát Vàng, anh cùng hàng chục anh em trong nhóm đã nhiều ngày đêm nghiên cứu thiết kế 8 con thuyền phục vụ cho cuộc thi bơi chải. Anh Chung tỏ ra xúc động khi nói về việc được nhận giao đóng thuyền này. Anh tâm sự: Công việc này không chỉ là nghề đơn thuần của những nguời  như anh mà còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc khi làm ra những con thuyền mang dáng dấp lịch sử , làm sao từ đầu rồng đến thân rồng và mái chèo phải mang những hoa văn họa tiết phác họa đậm nét cuộc sống đấu tranh và trường tồn của người dân Việt nói chung và người dân đất Tổ nói riêng. Quá trình để ra những con thuyền này hết 3 tháng, từ nghiên cứu sưu tầm tài liệu đến lựa chọn vật liệu phù hợp, và điều đáng lưu tâm nhất là làm sao để con thuyền nổi lên được mặt nước và đem lại sự thuận lợi cho người chèo lái.

Lễ hội bơi chải gắn với đền Hùng, gắn với những câu chuyện lịch sử hào hùng của dân tộc, và cũng chính từ đây, người ta luôn nghĩ tới nghề đóng thuyền ở ngã ba sông. Thương trường có thay đổi, nhưng nghề đóng thuyền vẫn ngày càng phát triển mạnh mẽ phục vụ đời sống dân chài và càng khẳng định giá trị ý nghĩa cuộc đấu tranh của ông cha ta từ những con thuyền lịch sử.

GIANG NGÂN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh