THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 08:14

Tái định hình kỹ năng cho thanh niên hậu đại dịch

Tái định hình kỹ năng cho thanh niên trẻ hậu đại dịch - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mình Vũ chủ trì diễn đàn.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đã nêu rõ định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong 10 năm tới là: Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Tiếp tục phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược. 

Vì vậy, để duy trì và nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam buộc phải đẩy nhanh tốc độ tăng năng suất lao động, coi đây là đòn bẩy kinh tế then chốt, là nhân tố chủ đạo hình thành lợi thế cạnh tranh quốc gia. Tăng năng suất lao động trong giai đoạn tới phải dựa chủ yếu vào nhân tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới. Nhưng muốn đổi mới, sáng tạo thì phải quan tâm phát triển nguồn nhân lực nói chung, nhất là phát triển kỹ năng nghề nghiệp của người lao động, đặc biệt là lao động trẻ.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh, lao động thanh niên cần được đặc biệt quan tâm đào tạo và phát triển nâng tầm kỹ năng. Do đó, để đạt các mục tiêu đề ra về phát triển nguồn nhân lực theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2021-2030, Chính phủ Việt Nam xác định cần đặc biệt quan tâm đến phát triển kỹ năng và tạo việc làm cho thanh niên trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. 

Tái định hình kỹ năng cho thanh niên trẻ hậu đại dịch - Ảnh 2.

TCT Trương Anh Dũng trao quyết định bổ nhiệm đại sứ kỹ năng nghề

Thế giới, trong đó có Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức. Dịch Covid-19, già hóa dân số, biến đổi khí hậu, thế giới việc làm thay đổi nhanh chóng do tốc độ phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và cuộc cạnh tranh thương mại giữa các cường quốc… Những thách thức này cũng đặt ra lợi thế cho quốc gia nào có những giải pháp hữu hiệu, cho từng đối tượng phù hợp và kịp thời đúng thời điểm. Ông Nguyễn Minh Vũ - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, 50% lao động Việt Nam cần đào tạo, đào tạo lại. Lao động thanh niên là lực lượng lao động chủ chốt, sẽ là lực lượng đi đầu trong việc tiếp cận thông tin và đào tạo kỹ năng nghề nhưng hiện ít được quan tâm.

Đồng tình với quan điểm của Việt Nam, ông Srinivas B Reddy - Giám đốc toàn cầu về kỹ năng và việc làm của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) cho rằng, Covid-19 đang tạo ra nhiều thách thức cho lao động, nhất là lao động trẻ, không có kỹ năng. Tuy nhiên ở góc độ tích cực, dịch bệnh thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi kỹ năng trong thanh niên.

Ông B Reddy cũng vui mừng cho biết, thanh niên (15-20) đang là lực lượng lao động có trình độ học vấn cao nhất trong các nhóm lao động ở Việt Nam. Họ cũng là người có khả năng thích ứng tốt nhất với sự thay đổi từ thế giới việc làm. "Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, thanh niên đang gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận thị trường lao động, nhất là khi số lượng việc làm mới đang giảm, tỷ lệ thất nghiệp đang tăng cao. Cần hỗ trợ toàn diện để họ thích ứng với thị trường lao động", ông B Reddy nói.

Bà Park Mihyung - Trưởng đại diện Tổ chức di dân quốc tế (IOM) tại Việt Nam cũng cho biết, thanh niên là lực lượng chiếm tỷ lệ lao động di cư nhiều nhất. Thanh niên cho rằng di cư tìm việc làm là kênh sinh kế tốt nhất. Trước khi có đại dịch Covid-19, số lượng lao động di cư là rất lớn. Bà Park Mihyung cho rằng: "Biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ tới sinh kế của người dân. Mất việc làm, cuộc sống bị đe dọa sẽ làm tăng nhu cầu di cư nội địa và di cư quốc tế. Chính bởi vậy, cần có nhiều hơn nữa các giải pháp hỗ trợ lao động nâng cao kỹ năng nghề, đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ để thúc đẩy di cư an toàn".

Tái định hình kỹ năng cho thanh niên trẻ hậu đại dịch - Ảnh 3.

Các đại biểu diễn đàn chụp ảnh lưu niệm với 3 nữ đại sứ nghề mới được bổ nhiệm. Đợt này bổ nhiệm thêm 10 đại sứ nghề.

Tại diễn đàn, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp công bố 10 Đại sứ Kỹ năng nghề Việt Nam năm 2021 với thời hạn 3 năm.

1. Trương Thế Diệu, Huy chương Bạc nghề Phay CNC tại Kỳ thi KNN thế giới năm 2019. 

2. Đặng Quang Phong, Huy chương Vàng nghề Xây gạch tại Kỳ thi tay nghề ASEAN năm 2014, Chứng chỉ kỹ năng nghề Xuất sắc Kỳ thi KNN thế giới năm 2015. 

3. Thi Quốc Vinh, Huy chương Bạc nghề Cơ Điện tử tại Kỳ thi tay nghề ASEAN năm 2012; Chứng chỉ kỹ năng nghề Xuất sắc Kỳ thi KNN thế giới năm 2013

4. Nhữ Thị Phương, Huy chương Bạc nghề Dịch vụ nhà hàng tại Kỳ thi tay nghề ASEAN năm 2012; Chứng chỉ kỹ năng nghề Xuất sắc Kỳ thi KNN thế giới năm 2013. 

5. Phan Văn Quốc, Chứng chỉ Kỹ năng nghề Xuất sắc Nghề Tiện CNC Kỳ thi KNN Thế giới năm 2019. 

6. Nguyễn Thái Phương, Chứng chỉ Kỹ năng nghề Xuất sắc Nghề Công nghệ nước Kỳ thi KNN Thế giới năm 2019. 

7. Nguyễn Đức Lợi, Huy chương Vàng nghề Bảo trì máy CNC tại kỳ thi tay nghề ASEAN năm 2018. 

8. Cao Văn Minh, Huy chương Vàng nghề Bảo trì máy CNC tại Kỳ thi tay nghề ASEAN năm 2018. 

9. Nguyễn Thị Huyền Trang, Huy chương Bạc nghề Dịch vụ nhà hàng tại Kỳ thi tay nghề ASEAN năm 2005. 

10. Nguyễn Thị Doan, Huy chương Đồng nghề Công nghệ thời trang tại Kỳ thi tay nghề ASEAN năm 2018. 

VĂN LÝ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh